Sang chiết gas lậu: Xử lý nghiêm, loại bỏ những 'quả bom' trong căn bếp
Sang chiết gas lậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, nó giống như những 'quả bom' hiểm họa trong khu dân cư. Tùy mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hình sự.
Rủi ro cao
Đề cập đến thực trạng sang chiết gas trái phép và sau hàng loạt vụ nổ bình gas nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Đại tá – PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) nhìn nhận: “Có thể nói rằng, hiện nay, việc quản lý vấn đề sang chiết gas (dầu khí hóa lỏng) trái phép vẫn chưa tốt, dẫn đến nhiều vụ cháy nổ bình gas. Trên thực tế, người dân vẫn có thể mua vỏ gas của hãng này, rồi nạp gas của hãng khác vào. Những hãng gas nhập khẩu có hàm lượng khí hóa lỏng với thành phần C3 và C4 đảm bảo, ngọn lửa cháy màu xanh hơn, tốt hơn. Còn đối với khí hóa lỏng có thành phần hóa chất cao hơn, ví dụ như C5 hoặc C6 thì nhiệt độ sôi cao hơn, ngọn lửa cháy không đảm bảo, màu vàng sẽ nhiều hơn, làm cho đáy xoong nồi dễ bị đen hơn”.
“Kinh nghiệm bà con khi mua bình gas nên cân thử xem có đủ cân hay không, thứ hai là nên lắc thử, nếu tiếng “ọc ạch” nhiều thì chất lượng sẽ không tốt. Cần để ý van xem có chuẩn hay không, vì nếu gas bị rò rỉ ra ngoài thì dễ gây ra hỗn hợp khí trong khu bếp và dễ bị nổ cháy. Người dân nên mua gas có xuất xứ rõ ràng, mua của các hãng uy tín để đảm bảo an toàn khi sử dụng”, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng nói.
Theo Đại tá – PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng: “Nếu mua vỏ bình gas hoặc chai khí của hãng này nhưng lại nạp gas của hãng khác thì rủi ro sẽ cao, vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ vấn đề này. Ví dụ, 1 cửa hàng bán ra 1 bình gas thì phải có ghi chép, để thu hồi lại đúng vỏ bình cũ. Tránh trường hợp cứ mua vỏ bình các loại rồi nạp gas vào, như vậy sẽ dễ bị lẫn với các tạp khí khác, có thể dẫn đến hỗn hợp cháy nổ”.
Có thể bị xử lý hình sự
Cũng nói về thực trạng sang chiết gas trái phép, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Đã có nhiều vụ việc cháy nổ khí gas xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng cả về sức khỏe, tính mạng con người cũng như tài sản của nhân dân. Cần quản lý chặt, không để tình trạng sang chiết gas trái phép diễn biến phức tạp. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó để thực hiện hoạt động sang chiết gas và kinh doanh khí gas, chủ cơ sở hoặc doanh nghiệp cần được cấp giấy phép bởi các cơ quan có thẩm quyền. Đối với hành vi sang chiết gas trái phép, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự”.
Vị luật sư phân tích: “Ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh gas (khí) là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh khí có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.
Ngoài hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Đặc biệt, về mặt xử lý hình sự, hành vi sử dụng vỏ bình gas của các hãng khác trên thị trường để sang chiết, kinh doanh khí gas còn có thể cấu thành tội Sản xuất, mua bán hàng giả, theo Điều 192 BLHS năm 2015".