Sang chiết gas trái phép: không ngăn chặn sẽ thành 'quả bom nổ chậm'!

Luật sư cho rằng, hầu hết những hành vi san chiết gas và kinh doanh khí gas trái phép trên thực tế hiện nay của những người phạm tội đều nhằm mục đích thu lợi bất chính. Hành vi này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ biến thành 'quả bom nổ chậm', đe dọa sự an toàn của người dân.

 Bên trong cơ sở sang chiết gas trái phép của bà T.T.V. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Bên trong cơ sở sang chiết gas trái phép của bà T.T.V. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Sang chiết ga không có giấy phép

Cục Quản lý Thị trường Hà Nội (QLTT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội) và Đội QLTT số 7 vừa phát hiện, xử lý một cơ sở có hành vi sang chiết gas trái phép. Theo đó, triển khai các Kế hoạch số 08/KH-QLTTHN ngày 1/3/2024 của Cục QLTT TP Hà Nội, Kế hoạch số 03/KH-Đ7 ngày 1/3/2024 của Đội QLTT số 7 về Công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2024.

Vào hồi 10h ngày 2/8, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ CA huyện Thanh Trì tiến hành khám xét khu vực nhà kho của bà T.T.V (khu lò gạch Màn Di, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) có chứa tang vật là hàng hóa các loại bình gas (LPG) và các phương tiện dùng để sang chiết khí gas (khí dầu mỏ hóa lỏng LPG).

Kết quả khám xét, cơ quan chức năng đã tạm giữ 2 chiếc xe tải, trên xe có chứa đựng gas và phương tiện dùng để sang chiết gas, bao gồm: xe ôtô tải màu trắng mang BKS 22C-026xx, có trọng tải 2.325 tấn. Trên thùng xe có chứa bồn kim loại, trong bồn có chứa khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (chưa rõ dung tích bình). Bồn này được nối trực tiếp với 3 máy sang chiết khí LPG (cân chiết nạp gas), mỗi máy đang đấu nối trực tiếp với 1 bình LPG loại bình 12kg và đang trong quá trình thực hiện sang chiết nạp khí LPG vào bình; xe ôtô tải màu xanh mang BKS 29H-065xx, trọng tải xe 2,4 tấn. Trên thùng xe có chứa 65 bình LPG đã được nạp khí LPG, trên van các bình LPG trên không có màng co niêm phong.

Ngoài ra, còn có 553 vỏ bình LPG (mang các nhãn hiệu khác nhau) loại 12kg (dùng để chứa khí LPG và 12kg màng co bằng nilon (còn mới, chưa qua sử dụng) mang các nhãn hiệu: VẠN LỘC GAS VÀ VENUS PETROL GAS đang được để trong khu vực nhà kho; 3 thẻ nhớ gắn trong 3 camera đó, gồm: 1 thẻ nhớ dung lượng 64GB, nhãn hiệu: HIKSEMI YAH06S0112SZ HS2344064G C; 2 thẻ nhớ dung lượng 32GB, nhãn hiệu: Kingston KN003842067.

Tại thời điểm khám xét, bà V chưa xuất trình bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ gì liên quan đến hoạt động sang chiết gas. Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 7 và lực lượng phối hợp xác định vụ việc có dấu hiệu thực hiện hành vi sang, chiết, nạp LPG trái phép từ bồn chứa khí vào chai LPG. Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 7 và lực lượng phối hợp đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa, tang vật, phương tiện trên để xác minh làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Có dấu hiệu cấu thành tội “Sản xuất, mua bán hàng giả

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, sang chiết gas trái phép gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh gas, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của các hãng gas chính thống. Ngoài các hình thức xử phạt chính, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác như: buộc tháo dỡ trạm nạp, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp... Bên cạnh đó, căn cứ vào việc điều tra của CQCA, các đối tượng sẽ còn phải chịu phạt về nhiều hành vi khác của mình có liên quan đến hoạt động san chiết gas trái phép và kinh doanh gas.

“Việc san chiết gas vào các bình gas mang nhãn hiệu của LPG, VẠN LỘC GAS VÀ VENUS PETROL GAS khi chưa được sự đồng ý của các hãng này là hành vi sản xuất hàng giả (làm giả về nhãn hiệu)” - luật sư Đinh Thị Nguyên nói và cho rằng, hành vi sử dụng vỏ bình gas của các hãng gas khác trên thị trường để san chiết, kinh doanh khí gas còn có thể cấu thành tội “Sản xuất, mua bán hàng giả” theo Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc mua bán khí gas trôi nổi trên thị trường, không có bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào thẩm định chất lượng thì những khí gas đó chưa chắc đã đảm bảo đủ tiêu chuẩn, do đó có khả năng khí gas còn bị làm giả về chất lượng.

“Hầu hết những hành vi san chiết gas và kinh doanh khí gas trái phép trên thực tế hiện nay của những người phạm tội đều nhằm mục đích thu lợi bất chính, kiếm tiền dựa trên uy tín của các thương hiệu gas nổi tiếng trên thị trường. Mặt khách thể, sang chiết gas trái phép đã xâm phạm tới chính sách quản lý thị trường của Nhà nước đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất (hàng thật) và của người tiêu dùng” - luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích.

Khoản 1 Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định khung hình phạt đối với người phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với người nào sản xuất, buôn bán hàng giả mà trong đó hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này. Khoản 2 Điều 192 của Bộ luật này quy định hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức…

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sang-chiet-gas-trai-phep-khong-ngan-chan-se-thanh-qua-bom-no-cham-394168.html