Sáng chói mà không choáng ngợp

Ở Hồ Chí Minh, lối sống thanh cao, trong sạch, giản dị bắt nguồn từ truyền thống văn hóa dân tộc, từ quê hương, gia đình, biểu hiện ở cách ứng xử, ăn mặc, cách nói, cách làm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: 'Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không choáng ngợp, gặp lần đầu mà như đã gặp từ lâu'.

Khỏa lấp khoảng cách, đẩy xa khác biệt

Năm 2016, lần đầu tiên cụm từ “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được ghi chính thức trong một văn kiện của Đảng với việc ban hành Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành. Trong các nội dung về phong cách Hồ Chí Minh đã được đúc kết, có phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị. Ở Hồ Chí Minh, sự giản dị được biểu hiện ở cách ứng xử, cách ăn mặc, cách nói, cách viết, cách làm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quà cho cụ già người dân tộc thiểu số tại Lào Cai, tháng 9.1958

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quà cho cụ già người dân tộc thiểu số tại Lào Cai, tháng 9.1958

Với phong cách ứng xử giản dị mà vô cùng tinh tế, Hồ Chí Minh đã làm cho mọi người, dù địa vị và thành phần xuất thân có khác nhau, sau khi được tiếp xúc với Người, đều để lại ấn tượng sâu sắc, đều tiếp thu ảnh hưởng từ Người với những mức độ khác nhau: Đồng tình ủng hộ, chia sẻ quan điểm, thông cảm… đến tin tưởng tuyệt đối và mãi mãi tôn vinh Người. Đó là sức cảm hóa của Hồ Chí Minh.

Sức cảm hóa của Người có cội nguồn sâu xa, nhưng cũng không thể không nhìn nhận nguyên nhân trực tiếp, đó là chính sự giản dị trong cách ứng xử đã khỏa lấp khoảng cách, đạt tới đỉnh điểm các mối tương đồng, đẩy xa những gì khác biệt. Nhà thơ Việt Phương, một cán bộ giúp việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người nhiều lần được làm việc với Bác đã nói hộ chúng ta cái cảm xúc ấy: “Đến gần Người, con thở dễ dàng hơn”.

Nói và viết giản dị

Hồ Chí Minh nói và viết vô cùng giản dị. Ngay cả khi Người diễn giải, dịch nghĩa phát biểu của các nhà kinh điển, Người cũng cố gắng làm cho thật dễ hiểu, thật gần gũi với trình độ và văn phong Việt Nam. Nói chuyện với nhân dân, Người không dùng các khái niệm, phạm trù mà thường sử dụng gần như ngôn ngữ thông thường. Chẳng hạn, khi nói về giá trị của độc lập - tự do, Người đã viết rất giản dị từ tháng 12.1946: “Tổ quốc độc lập, thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước, thì ai cũng phải làm nô lệ”[1]và sau này khái quát như chân lý ở Lời kêu gọi ngày 17.7.1966: “Không có gì quý hơn Độc lập tự do”.

Đi khắp năm châu, bốn biển, đọc thông, viết thạo 8 thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Italy, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan[2], từng làm thơ bằng tiếng Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể viết được những bài chính luận sắc sảo bàn về triết học, chính trị kinh tế học, xã hội học… đề cập tới nhiều vấn đề như các lãnh tụ cùng thời trên thế giới. Song như Người đã tự bộc bạch trong cuốn Đường Kách mệnh: Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”[3].

Ngay trong kháng chiến chống Pháp và sau ngày hòa bình, Hồ Chí Minh vẫn thường lấy câu chuyện Người gặp một số đồng bào đi học “cái Các Mác, cái Lênin” trên chiến khu về, hỏi học ra sao, đồng bào trả lời rằng hay thì rất hay, nhưng chẳng hiểu, chẳng nhớ gì cả, để nhắc nhở mọi người khi nói, khi viết phải lưu ý tự trả lời ba câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc[4].

Luôn nâng niu, quý trọng con người

Sự giản dị trong ăn, ở, mặc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cốt lõi là Người luôn nâng niu, quý trọng con người. Người từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”[5], và Người cũng từng khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[6]. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu nhân dân, gần gũi nhân dân và vì thế, Người hòa mình với nhân dân một cách tự nhiên như cuộc sống của mình vốn vậy.

Do giản dị mà Hồ Chí Minh gần dân, và cũng do gần dân mà Hồ Chí Minh luôn giản dị. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đâu phải là những gì trừu tượng, phải chăng đó chính là đức khoan dung, sự tế nhị, giản dị trong quan hệ giữa con người với con người. Đúng như Tiến sĩ Anilendu Sacơrabôrôty (Viện Nghiên cứu Tagor của Ấn Độ) đã viết: “Bác Hồ mặc bộ quần áo giản dị, nói giản dị, cách xử sự và tính nết giản dị, viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, xuất hiện một cách giản dị, với vẻ mặt tươi cười làm tỏa ra một sự trong sáng của một tâm hồn giản dị”[7].

________

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.539

[2] Tạp chí Lịch sử Đảng số 10.2020.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.283

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 465

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 453

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 232

[7] Hồ Chí Minh tác giả, tác phẩm nghệ thuật, ngôn từ… Sđd, tr.447

TS. CHU ĐỨC TÍNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/sang-choi-ma-khong-choang-ngop-i289113/