Sáng đẹp thêm truyền thống quê hương

Huyện Hóc Môn là vùng đất gắn liền với địa danh nổi tiếng 18 thôn vườn trầu (thập bát phù viên). Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Hóc Môn đã cùng với nhân dân Sài Gòn-Gia Định và nhân dân cả nước nhất loạt đứng lên kháng chiến.

Hóc Môn được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ hoạt động trong những năm 1936-1939. Đây cũng là nơi Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị quyết định Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) mà ngày nay trên chính mảnh đất này hình thành Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng lưu giữ những tư liệu, hình ảnh và tinh thần quật cường cách mạng của thế hệ cha anh...

Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Hóc Môn không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân lên niềm tự hào cho cán bộ, chiến sĩ; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, định hướng tư tưởng phù hợp với đặc thù đơn vị, đi vào chiều sâu thiết thực vững chắc. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chính trị duy trì có nền nếp, chế độ thông tin, thông báo thời sự, chính trị giúp cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn, chủ động, nhạy bén, xung kích, đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội chính trị, nhất là trên không gian mạng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Đảng bộ, LLVT huyện.

Dân quân xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn tham quan, học tập tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Dân quân xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn tham quan, học tập tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Biện pháp tuyên truyền, giáo dục được Ban CHQS huyện áp dụng hiệu quả là thông qua các sáng kiến, mô hình trực quan sinh động. Điển hình như: Mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thông minh, sử dụng công nghệ thông tin để thuyết minh tự động bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, giọng nói 3 miền Bắc, Trung, Nam. Không gian này vừa là nơi sinh hoạt Đảng, học tập chính trị và giáo dục truyền thống vừa là nơi tham quan... Mô hình này được đưa vào ứng dụng vừa là điểm giáo dục lịch sử, truyền thống, thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc. Mô hình được đưa vào hoạt động từ tháng 12-2023 và đoạt giải C trong hội thi mô hình, sáng kiến kỹ thuật của Quân khu 7.

Cùng với đó là các sáng kiến giáo dục chính trị trực tuyến; mô hình tích hợp hình ảnh, tư liệu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ; kết hợp giáo dục truyền thống dân tộc, Quân đội, Quân khu với lịch sử quê hương cách mạng “vành đai đỏ” trong kháng chiến; triển lãm, trưng bày tư liệu lịch sử “18 thôn vườn Trầu”; hướng dẫn kỹ thuật têm trầu để khơi dậy nét đẹp văn hóa dân tộc... Trung bình mỗi năm, LLVT huyện có từ 5 đến 7 sáng kiến áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác của đơn vị.

Ngoài ra, Ban CHQS huyện còn thường xuyên tổ chức hoạt động về nguồn các địa danh, di tích lịch sử trên địa bàn để giáo dục, vun đắp truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn. Ví như, tham quan Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng, các cán bộ, chiến sĩ không chỉ được tuyên truyền nêu cao khí phách của thế hệ cha anh, nhân lên lòng yêu nước, căm thù giặc mà còn được giới thiệu những đặc trưng văn hóa của đất và người Hóc Môn-Bà Điểm; tham quan hồ sen, rặng tre, vườn trầu và cảnh đẹp của khu du lịch tín ngưỡng...

Những hoạt động đó góp phần làm cho công tác tuyên truyền, giáo dục của LLVT huyện Hóc Môn vừa đa dạng, phong phú, vừa cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả cao trong việc củng cố trận địa tư tưởng, xây dựng LLVT huyện có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

LÊ VĂN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/sang-dep-them-truyen-thong-que-huong-805421