'Sàng khôn' từ những 'ngày đàng'…

Bằng giọng điệu hài hước quen thuộc, nhà văn Hồ Anh Thái đã xoáy trọng tâm vào các thói tật của thời hiện đại, qua đó hướng độc giả đến thế giới bao la trong tập tiểu luận 'Thế gian dài hơn bước chân người' mới nhất của mình.

Những vấn đề nóng hổi

Sau tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao (NXB Phụ nữ VN, 2024) gây được ấn tượng với sự tinh quái làm nên “thương hiệu” Hồ Anh Thái, mới đây, ông đã trở lại với cuốn sách mới không chỉ đầy ắp thú vị mà còn mang nặng hơi thở thời đại.

Trong đó những suy ngẫm, đúc rút được dồn nén chặt trong những bài viết tuy ngắn nhưng lại mang đến cả “ngộ” lẫn “nhận”, từ đó mở ra những chiều phản tư đầy ắp thú vị.

Có thể nói trong vai trò người viết, tác giả đã rất thành công tạo được cảm giác hấp dẫn, không chỉ bởi vấn đề nóng sốt mà còn ở sự tương tác giữa người viết và người đọc.

Nhà văn Hồ Anh Thái. Ảnh: Tư liệu

Nhà văn Hồ Anh Thái. Ảnh: Tư liệu

Cuốn sách gồm có 3 phần, trong đó phần 1 xoay quanh những hiện tượng đời sống có phần nghịch lý diễn ra hàng ngày. Đó là những thói hư tật xấu, nếp quen khó bỏ của một bộ phận người Việt mà tác giả đã tinh tế nắm bắt và phơi bày ra, như thói đại ngôn, phán xét phiến diện, xưng hô trong quan hệ thầy trò...

Không chỉ đặt vấn đề, ông còn tiến đến một bước lớn hơn đó là cho thấy “giải pháp”: mở rộng trải nghiệm cá nhân, từ đó cảm nhận được sự đa dạng của thế gian qua hai phần sau xoay quanh nghệ thuật (điện ảnh, kịch nghệ, các loại hình trình diễn dân gian) và văn chương (từ cổ chí kim).

Bằng lối viết hấp dẫn, sáng tỏ và một giọng văn không thể nhầm lẫn, qua tác phẩm này, ta sẽ nhìn thấy cả điều xấu xí bên cái tươi đẹp, cả những hạn chế bên cái tích cực, từ đó mở ra một góc nhìn mới, một cách cảm mới…

Ở phần đầu tiên, Hồ Anh Thái đã xoáy trọng tâm vào những hiện thực nhan nhản trong xã hội. Đề tài của ông vô cùng phong phú, có lúc “nhỏ nhặt” mà ta không thường chú ý như phải ví von thế nào cho hợp lý cho đến những thứ lớn hơn như đô thị hóa, đức tin, niềm tin… Qua đó cho thấy việc bám sát thời sự và cách tiếp cận sáng rõ, kịp thời.

Tác giả từ đó cho thấy nhiệt huyết của người bình luận khi không ngại ngần điểm mặt chỉ tên, “xông pha trận mạc”, nói thẳng nói thật thay vì lập lờ nước đôi, nói vòng né tránh đưa ra góc nhìn.

Hẳn nhiên những lập luận này có thể nhận lại cả sự đồng tình lẫn cảm giác hoài nghi, nhưng thông qua những lập luận chặt chẽ đó, không gian tranh luận cũng được mở ra, nơi độc giả được mời gọi phản biện, từ đó hiểu sâu, hiểu thấu vấn đề thêm nhiều lần nữa.

Nổi bật trong nhiều bài viết ông đã thẳng thắn chỉ ra “căn bệnh tâm thần” của xã hội, khi nhiều cá thể nhân danh tự do cá nhân để phạm vào các quy tắc thông thường, thậm chí là trái pháp luật. Và trên đà đó nó đã tạo ra những góc nhìn méo mó, lập dị, khi kỳ thị những gì không giống ta và tô vẽ cho những gì thuộc về ta.

Đâu đó ông đã nhận thấy một hiện tượng mới đó là “vơ vào” – nơi con người bị “phình to ra” với “cái gì cũng là của mình” bằng những đại ngôn, “thánh phán”, vội vã khái quát, nâng tầm toàn diện…

Chính điều này gây ra biết bao hệ lụy, từ thiếu đồng cảm giữa người với người (trong việc an tử chẳng hạn) cho đến thiếu sự tôn trọng dành cho người khác (như dẫn vụ tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo của Pháp bị đánh bom rúng động một thời)… Để từ những câu chuyện này, ta sẽ có cách nhìn nhận vấn đề đa diện và cẩn trọng hơn.

Bìa sách Thế gian dài hơn bước chân người do Nhã Nam và NXB Dân Trí ấn hành. Ảnh: Nhã Nam

Chuyến du hành nghệ thuật

Một tác hại khác (và có thể nói cũng là lớn nhất) của cái tôi bị “phình to” chính là những tưởng đã biết hết rồi nhưng đang bỏ lỡ những thứ tươi đẹp của thế giới ngoài kia.

Trong cuốn Dọc đường 2(NXB Hội Nhà Văn, 2025) ra mắt gần đây, nhà văn Nguyên Ngọc đã lập luận rằng kinh tế và văn hóa hệt như chân ga nằm kề chân thắng của “cỗ xe” phát triển. Khi đất nước tăng tốc về kinh tế thì cũng là lúc văn hóa phải kiềm giữ lại để con người tuy tiến lên với tốc độ nhanh nhưng không quên đi giá trị cốt lõi đó là nhân tính.

Hồ Anh Thái cũng có quan điểm gần như tương tự, khi ông cho thấy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, rằng vốn dĩ thế gian mà ta đang sống dài hơn bước chân con người. Không cần học chúng ở đâu xa xôi, mà những bộ phim, những cuốn sách… sẽ cho ta thấy điều đó.

Ở phần nghệ thuật, ông đã trình bày một loạt bài viết về những phim Việt có thành công quốc tế trong các năm qua như Bên trong vỏ kén vàng, Cu li không bao giờ khóc, Thành phố ngủ gật... qua đó cho thấy cái hay lẫn cái hạn chế trong nhãn quan đặc biệt của các đạo diễn cũng như thông điệp về đã được truyền tải.

Ông cũng có sự đa dạng trong cách thưởng thức nghệ thuật, khi cũng viết về phim truyền hình dài tập Blues nơi đảo xanh của Hàn Quốc. Qua đó có thể rút ra được bài học riêng, hy vọng một ngày nào đó điện ảnh Việt Nam cũng có tác phẩm tạo được tiếng vang.

Từ những điển hình trên, ông đã mở ra một cuộc “du hành” rộng khắp châu Á, từ đế chế mới nổi là điện ảnh Hàn Quốc với lối quảng bá hiệu quả đến nền nghệ thuật đặc sắc và đầy thể nghiệm của điện ảnh Iran...

Theo Hồ Anh Thái, với truyền thống triết học và văn chương rực rỡ, cùng chế độ kiểm duyệt hà khắc khiến các nhà làm phim Iran tìm được một cách thể hiện đậm tính nghệ thuật. Trong ảnh, một cảnh trong phim Bóng bay trắng của Jafar Panahi. Ảnh: Film Obsessive

Những phân tích, bình luận về ưu – nhược điểm, về cách thời thế và những biến động làm nên thành công cho những đối tượng khảo sát này phần nào khẳng định sức mạnh của nghệ thuật, rằng dẫu trong đêm trường tăm tối thì người nghệ sĩ lẫn người sáng tạo vẫn luôn tìm thấy một phương thức khác để hoàn thành “sứ mệnh” mình được giao phó.

Ông cũng cho thấy bản thân là người khó tính trong việc chỉ ra nhiều hạn chế của các tác phẩm như thủ thuật làm phim câu khách, việc thiếu trung thực so với nguyên tác lẫn những sửa đổi tưởng nhỏ bé thôi nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận từ phía khán giả...

Trong phần văn chương, ông đã nhắc đến những câu chuyện thú vị. Ở phần này dấu ấn cá nhân trong nhiều trải nghiệm của ông hiện lên đặc biệt, như việc gắn bó với Ấn Độ giúp cho ta thấy được sự vĩ đại của thiên sử thi Mahabharata hay làn sóng những nhà văn Ấn đạt được thành công trong thị trường xuất bản quốc tế qua việc viết bằng tiếng Anh thay vì là tiếng mẹ đẻ.

Ông cũng cho thấy sự quan tâm sát sao đến tình hình thế giới, khi đồng thời nhắc đến những người chiến thắng Nobel Văn chương lẫn cơ hội nào cho văn chương Việt vượt khỏi biên giới? Từ rộng đến hẹp, từ Đông sang Tây... các bài viết này cho thấy sự tìm tòi, quan tâm của chính tác giả trong khao khát làm giàu tri thức cho chính bản thân và cả độc giả.

Với những bài viết đầy ắp thông tin nhưng được nén lại một cách súc tích, ở Thế gian dài hơn bước chân người, Hồ Anh Thái đã đưa người đọc vào cuộc du hành qua những trang sách, qua đó cho thấy cái được và cái chưa được của hiện thực nhan nhản thường ngày, đồng thời gọi mời tranh luận, khai phá cái đẹp, cái hay trong cả nghệ thuật cũng như văn chương.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/sang-khon-tu-nhung-ngay-dang-47676.html