Sáng kiến chống giả mạo tin nhắn của chính phủ Singapore

Từ ngày 1/7, hầu hết tin nhắn SMS do các cơ quan chính phủ ở Singapore gửi sẽ có một ID người gửi duy nhất nhằm giúp công chúng dễ dàng xác thực tin nhắn văn bản của chính phủ.

Từ 1/7/2024, tất cả tin nhắn của cơ quan chính phủ Singapore sẽ sử dụng ID duy nhất gov.sg để chống giả mạo. Ảnh: open.gov.sg

Từ 1/7/2024, tất cả tin nhắn của cơ quan chính phủ Singapore sẽ sử dụng ID duy nhất gov.sg để chống giả mạo. Ảnh: open.gov.sg

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, từ ngày 1/7, hầu hết tin nhắn SMS do các cơ quan chính phủ ở Singapore gửi sẽ có một ID người gửi duy nhất nhằm giúp công chúng dễ dàng xác thực tin nhắn văn bản của chính phủ.

Những tin nhắn SMS như vậy sẽ hiển thị “gov.sg” làm ID người gửi thay vì các cơ quan chính phủ riêng lẻ, chẳng hạn như “MOH” cho Bộ Y tế hoặc “Iras” cho Cơ quan Thuế vụ Nội địa Singapore.

Ngoài ID “gov.sg”, mọi tin nhắn văn bản sẽ bắt đầu bằng tên đầy đủ của cơ quan gửi đi và kết thúc bằng ghi chú nêu rõ đó là tin nhắn tự động của Chính phủ Singapore, để người nhận biết rằng không nên trả lời tin nhắn đó. Trong khoảng thời gian hai tuần bắt đầu từ ngày 18/6, các cơ quan chính phủ sẽ dần bắt đầu gửi tin nhắn bằng ID “gov.sg”. Từ ngày 1/7, tất cả các tin nhắn sẽ được thống nhất hiển thị ID mới.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, theo đó tin nhắn văn bản từ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ về các vấn đề dịch vụ quốc gia và dịch vụ khẩn cấp sẽ có ID người gửi khác nhau. ID người gửi “gov.sg” hiện áp dụng cho các tin nhắn được gửi qua SMS, nhưng không áp dụng cho các nền tảng nhắn tin khác như WhatsApp hoặc Telegram.

Sáng kiến mới trên Open Government Products (OGP), một bộ phận độc lập của Cơ quan Công nghệ Chính phủ chuyên xây dựng công nghệ vì lợi ích công cộng, phát triển. Nỗ lực này nhằm mục đích bảo vệ người dân khỏi các hành vi lừa đảo mạo danh quan chức, tạo niềm tin cho công chúng đối với hoạt động truyền thông của chính phủ. Trợ lý Giám đốc chính sách của OGP Hygin Fernandez cho biết: “Chính phủ đang tìm cách tăng cường sự đảm bảo trên các kênh liên lạc khác như cuộc gọi, thư điện tử, WhatsApp và Telegram”.

Trong những năm gần đây, một số sáng kiến đã được đưa ra để ngăn chặn các vụ lừa đảo qua SMS. Năm 2022, tất cả các ngân hàng ở Singapore đã xóa các liên kết có thể nhấp vào trong thư điện tử và SMS gửi tới khách hàng bán lẻ. Năm 2023, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm đã yêu cầu tất cả các tổ chức gửi SMS có ID bằng chữ và số phải đăng ký với Cơ quan đăng ký ID người gửi SMS của Singapore.

Theo cơ quan có thẩm quyền, tính đến tháng 4/2024, hơn 4.000 doanh nghiệp- bao gồm các tổ chức tài chính như Ngân hàng DBS và các công ty thương mại điện tử như Lazada- đã đăng ký. Những đơn vị không đăng ký sẽ thấy tin nhắn văn bản của họ có nhãn “có thể là lừa đảo”.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Josephine Teo cho biết sau khi Cơ quan đăng ký ID người gửi SMS của Singapore ra mắt, những kẻ lừa đảo đã chuyển sang sử dụng thẻ SIM địa phương để tiếp cận nạn nhân tiềm năng thông qua các cuộc gọi và SMS lừa đảo. Năm 2023, có hơn 23.000 đường dây di động địa phương có liên quan đến các vụ lừa đảo và tội phạm mạng khác.

Đỗ Vân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sang-kien-chong-gia-mao-tin-nhan-cua-chinh-phu-singapore/337640.html