Sáng kiến Điểm đến An toàn cùng doanh nghiệp phát triển du lịch xanh
Sáng kiến Điểm đến An toàn do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, chương trình đang cùng các doanh nghiệp, tổ chức, vườn quốc gia, khu bảo tồn hoạt động trong lĩnh vực du lịch chung tay xây dựng và phát triển du lịch xanh. Hiện đã có hơn 130 doanh nghiệp tham gia, chương trình đã trao được 9 biểu trưng cho các thành viên, đây là sự ghi nhận và ủng hộ các thành viên trong hành trình phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
Vườn Quốc gia Cát Tiên, một điểm đến được xem như mẫu hình đặc trưng, tiêu biểu cho hệ sinh thái các khu rừng phía Nam của đất nước ta. Vườn tham gia chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn vào tháng 7-2023.
Để giữ gìn những gì còn lại của thiên nhiên hoang dã, từ nhiều năm qua, Cát Tiên đã tích cực và chủ động thực hiện một trong những trách nhiệm quan trọng của mình: bảo tồn động vật hoang dã. Nơi đây còn tập hợp rất nhiều các mô hình hoạt động về cứu hộ, tái thả, bảo tồn sinh cảnh và đảm bảo phúc lợi động vật.
Theo ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch Vườn Quốc gia Cát Tiên, việc cân bằng phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học luôn được Vườn Quốc gia Cát Tiên chú trọng. “Hoạt động du lịch ở đây được đảm bảo bằng các quy chế, quy định về xử lý rác thải, quản lý tiếng ồn tại các khu vực và điểm đến, không làm ảnh hưởng động vật hoang dã và môi trường, quản lý số lượng khách tham quan, lập nhiều trạm kiểm lâm và chi cán bộ tuần tra thường xuyên”.
Ngày 27-9-2023, ông Võ Hồng Văn, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã trao biểu trưng Sáng kiến Điểm đến An toàn cho Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đây là hoạt động nhằm đánh dấu và ghi nhận những hoạt động tích cực của Vườn Quốc gia Cát Tiên đang làm vì mục tiêu hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.
Du lịch dựa vào điều kiện tự nhiên
Tham gia Sáng kiến Điểm đến An toàn vào tháng 8-2023, Vườn Quốc gia Núi Chúa là một trong những khu vực bảo tồn thiên nhiên và điểm du lịch sinh thái độc đáo, khi vừa có rừng, biển và bán sa mạc. Nơi đây phát triển du lịch dựa vào điều kiện tự nhiên, không xây dựng, thay đổi nhiều cấu trúc sẵn có ở Núi Chúa.
“Ở Vườn Quốc gia Núi Chúa, chúng tôi ưu tiên hàng đầu công tác giáo dục môi trường đến du khách, người dân địa phương đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức gìn giữ môi trường qua các hoạt động trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, tổ chức cứu hộ động vật hoang dã, phát động các cuộc thi tìm hiểu thiên nhiên Núi Chúa”, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ Môi trường Vườn Quốc gia Núi Chúa, cho biết.
Ngoài ra để bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Núi Chúa theo hướng bền vững, những năm qua, Ban quản lý đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giúp bà con giảm nghèo bền vững như hỗ trợ con em đồng bào, ngư dân sống trong và xung quanh vùng đệm của Núi Chúa về đào tạo nghề, thay đổi sinh kế, cải thiện thu nhập để giảm thiểu tác động đến tài nguyên rừng.
Với những hoạt động hướng đến du lịch xanh tại Núi Chúa, ngày 30-9-2023, ông Trương Tấn Đức, Ủy viên Ban biên tập, Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã gặp gỡ, đồng thời trao biểu trưng chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn cho Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Du lịch không làm ‘tổn thương’ rừng
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm ở khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Nam bộ. Với việc sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hệ động, thực vật đa dạng phong phú, hệ thống suối, thác đẹp trữ tình cùng văn hóa và ẩm thực đồng bào dân tộc ít người giúp Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là điểm đến cho du khách yêu thích du lịch sinh thái.
Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, ông Hoàng Anh Tuân cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, nhiều người dần chuyển dịch từ du lịch truyền thống, nghỉ dưỡng… sang du lịch xanh, du lịch bền vững. Năm 2024, ngoài những sản phẩm du lịch đang khai thác, Bù Gia Mập cũng đầu tư và triển khai thêm du lịch chữa lành và du lịch kết hợp với giáo dục môi trường, nhằm phát huy sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên hoang sơ gắn với văn hóa của cộng đồng dân tộc tại địa phương”, ông Hoàng Anh Tuân, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho hay.
Đồng hành cùng các Vườn Quốc gia và cỗ vũ những hành động, việc làm hướng đến thúc đây du lịch xanh, bền vững, ngày 27-11-2023, ông Võ Hồng Văn, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã gặp gỡ, đồng thời trao biểu trưng chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn cho Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Nâng cao đời sống người dân
Victoria Nui Sam Lodge là khu nghỉ dưỡng tọa lạc tại núi Sam, An Giang. Nơi đây sở hữu không gian xanh mát, yên bình cùng kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Khu nghỉ dưỡng tham gia Sáng kiến Điểm đến An toàn vào tháng 1 năm nay.
Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Victoria Nui Sam Lodge, cho biết: “Để đóng góp vào sự phát triển du lịch địa phương, Victoria Nui Sam Lodge đã tạo việc làm cho hơn 150 lao động địa phương, ưu tiên sử dụng sản phẩm địa phương và đưa các món ăn nổi tiếng địa phương vào thực đơn. Đồng thời, khu nghỉ dưỡng phối hợp với các công ty lữ hành đưa du khách đến các điểm đến trong khu vực nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho địa phương.”
Ngày 5-4, ông Võ Hồng Văn, Ủy viên Ban biên tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã trao biểu trưng thành viên cho Victoria Nui Sam Lodge.
Chung tay phát triển du lịch bền vững
Sau gần 3 năm thành lập, chương trình đã nhận được sự quan tâm và đồng hành của hơn 130 doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng cùng tham gia với vai trò là chuyên gia của mạng lưới, đã tạo được nhiều chương trình, sự kiện hữu ích trong cộng đồng.
Ngày 20-12, tại Du thuyền Victoria Mekong, bà Đào Thị Loan, Phó thư ký Tòa soạn Kinh tế Sài Gòn, Trưởng Ban đối ngoại và Phát triển thương hiệu Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng đã gặp gỡ và trao biểu trưng cho 3 thành viên của mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn: Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, Công ty Du lịch Image Travel & Event và Du thuyền Victoria Mekong.
Trước đó, ngày 29-12-2023, đại diện Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng đồng hành với Công ty Du lịch Lửa Việt tham gia buổi tọa đàm “Du lịch cộng đồng nông nghiệp”, với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp và chuyên gia du lịch của nhiều điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Mai Châu (Hòa Bình), Sin Suối Hồ (Lai Châu), Thái Nguyên, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cà Mau… Tại buổi tọa đàm, ông Võ Hồng Văn, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng đã trao biểu trưng thành viên vì những đóng góp của công ty đối với việc xây dựng và thúc đẩy phát triển du lịch xanh, an toàn và bền vững.
Gần đây nhất, ngày 15-4, thêm một biểu trưng thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn cũng được đại diện Tạp chí Kinh tế Sài Gòn trao đến đại diên Công ty Thuyền Nhiêu Lộc. Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ buổi Chuyện trò du lịch thời nay với chủ đề: Từ sản phẩm đặc trưng đến chuyện làm du lịch đô thị, với sự tham gia của gần 20 doanh nghiệp là thành viên mạng lưới.
Trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động như gặp gỡ, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về an toàn du lịch, môi trường du lịch, phát triển du lịch bền vững. Mục tiêu chung là nâng cao nhận thức về an toàn du lịch, thu hút du khách và thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
“Tham gia Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngay từ trong mùa dịch, chương trình đã làm được một việc rất có ích là hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, điểm đến trong những lúc khó khăn, “mất lửa” nhất. Đến nay, trong giai đoạn mới, chương trình tiếp tục có các hoạt động sôi nổi khác kết nối doanh nghiệp, tạo ra sân chơi lành mạnh, chuyên nghiệp, trí thức và thiết thực góp phần thức đẩy du lịch Việt Nam”, bà Phan Yến Ly, chuyên gia du lịch chia sẻ.
Là một doanh nghiệp có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và thúc đẩy du lịch xanh, Khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hoi An River Resort hiện là doanh nghiệp đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững. Ông Trần Thái Do, chủ khu nghỉ dưỡng cho biết: “Silk Sense Hoi An River Resort đánh giá cao chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Chương trình này đã góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của an toàn du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Silk Sense Resort cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững, góp phần phát triển du lịch Việt Nam một cách bền vững”.