Sáng kiến dùng chai sữa bằng nhựa tái chế để trải đường
Công ty xây dựng Shisalanga trở thành công ty đầu tiên ở Nam Phi thu thập chai sữa nhựa ở bãi rác mang về tái chế để trải đường.
Theo kênh CNN (Mỹ), sáng kiến này được kỳ vọng giúp Nam Phi xử lý vấn đề rác thải và cải thiện chất lượng đường sá. Liên đoàn Đường bộ Nam Phi cho biết mỗi năm, người sử dụng đường bộ ở nước này tốn tới 3,4 tỷ USD tiền sửa xe, điều trị vết thương và tiền hàng bị hư hỏng khi xe chẳng may lao vào ổ gà trên đường.
Trước thực trạng đó, hồi tháng 8, công ty Shisalanga đã dùng chai đựng sữa bằng nhựa tái chế để trải một đoạn đường thuộc tỉnh KwaZulu-Natal ở bờ biển phía Đông. Công ty này đã trải hơn 400 mét đường ở Cliffdale thuộc ngoại ô thành phố Durban bằng nhựa đường trộn với nguyên liệu làm từ gần 40.000 chai sữa nhựa loại 2 lít.
Shisalanga dùng vật liệu nhựa nhiệt dẻo mật độ cao (HDPE), loại nhựa dày thường được dùng để sản xuất chai đựng sữa. Một nhà máy tái chế ở Nam Phi đã biến các chai sữa nhựa này thành vật liệu dạng viên. Các viên nhựa sau đó được đốt nóng tới 190 độ C cho tới khi tan ra và được trộn với phụ gia.
Nhựa lỏng và phụ gia thay thế 6% chất kết dính thông thường trong nhựa đường. Do đó, mỗi tấn nhựa đường chứa từ 118 tới 128 chai sữa nhựa.
Theo công ty Shisalanga, phát thải khí độc hại trong quá trình sản xuất loại nhựa đường mới này ít hơn quy trình thông thường. Hợp chất dùng để trải đường bền hơn, chống nước tốt hơn nhựa đường thông thường, chịu được nhiệt độ lên tới 70 độ C và -22 độ C.
Chi phí sản xuất nhựa đường kiểu mới không cao hơn chi phí các phương pháp hiện nay. Tuy nhiên, công ty Shisalanga cho rằng sẽ tiết kiệm nhiều tiền hơn vì đường làm bằng vật liệu mới bền hơn so với mức trung bình 20 năm ở Nam Phi. Tổng giám đốc công ty Shisalanga, ông Deane Koekemoer, nói: “Kết quả thật ngoạn mục. Có thể thấy rõ chất lượng”.
Ở các nước châu Âu, chai nhựa tái chế được thường được thu gom trực tiếp tại nhà dân. Còn ở Nam Phi, 70% được thu gom từ bãi rác. Người ta chỉ thu gom nhựa từ bãi rác nếu có thể dùng số nhựa đó cho việc gì đó, ví dụ như làm vật liệu trải đường.
Công ty Shisalanga cho biết khi biến chai nhựa thành vật liệu làm đường, công ty này đang tạo ra một thị trường mới cho nhựa thải, cho phép đối tác tái chế thu gom chai sữa nhựa nhiều hơn.
Ông Kit Ducasse, kỹ thuật viên kiểm soát chất lượng tại Sở Giao thông tỉnh KwaZulu-Natal, rất ấn tượng với con đường làm từ chai sữa nhựa tái chế. Sở này đã đặt hàng công ty Shisalanga làm thêm một đường dẫn vào đường cao tốc. Ông Ducasse nhận xét: “Vật liệu này rất hiệu quả. Thời gian sẽ chứng minh nhưng những gì tôi thấy là tin tuyệt vời”.
Công ty Shisalanga đã xin và đang chờ Cơ quan Đường bộ Quốc gia Nam Phi (SANRAL) cho phép trải 200 tấn vật liệu trải đường làm từ nhựa tái chế trên tuyến đường cao tốc chính N3 của Nam Phi nối từ Durban tới Johannesburg. Nếu công ty này đáp ứng yêu cầu của SANRAL, công nghệ làm đường từ vật liệu mới có thể được thực hiện trên toàn quốc. Do tiêu chuẩn của SANRAL quá cao nên Shisalanga hy vọng vật liệu mới có thể đáp ứng quy định ngặt nghèo nhất trên khắp thế giới.
Dùng nhựa tái chế để làm đường không phải là sáng kiến mới. Ấn Độ đã trải đường bằng nhựa thải cách đây 17 năm. Ý tưởng này cũng được thử nghiệm ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Tuy nhiên, người ta lo ngại quá trình sản xuất vật liệu này có thể thải ra khí gây ung thư và làm phát sinh hạt vi nhựa khi đường sá mòn theo thời gian.
Công ty Shisalanga đã mất 5 năm nghiên cứu công nghệ làm đường mới. Giám đốc kỹ thuật của công ty khẳng định phương pháp đốt chảy nhựa của công ty sẽ giảm thiểu nguy cơ phát sinh hạt vi nhựa.
Đường sá là một trong nhiều chỗ áp dụng giải pháp sáng tạo để tái sử dụng nhựa thải. Các công ty khắp thế giới đang biến nhựa thành gạch, nhiên liệu và quần áo. Một số công ty quốc tế còn tìm ra cách biến nhựa không thể tái chế thành vật liệu làm đường. Tuy nhiên, cách này hiện nay quá mạo hiểm vì gây khí thải độc hại và hạt vi nhựa.
Dù vậy, công ty Shisalanga vẫn hy vọng một ngày nào đó sử dụng được cả nhựa không thể tái chế, từ đó có thể thu gom nhiều nhựa thải khỏi môi trường.