Sáng kiến hay, quả ngọt của ngành Giáo dục

Cô Lê Thị Hạnh Ngân, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự giúp các em học sinh được trải nghiệm sáng tạo bằng cách hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hiện ý tưởng dùng dầu chiết từ trái bàng để làm mỹ phẩm. Ảnh: THÁI HÀ

Việc các giáo viên thực hiện sáng kiến kinh nghiệm và vận dụng nó vào thực tiễn dạy học đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy không phải tất cả sáng kiến đều đạt chất lượng nhưng đa phần đều ra đời từ sự trăn trở của giáo viên với mong muốn đóng góp vào sự nghiệp trồng người.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục Phú Yên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn giảng dạy và đã đạt được những kết quả nhất định.

Từ những trăn trở

Đợt I năm 2019, Sở KH-CN Phú Yên, cơ quan thường trực Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh, đã tiếp nhận 78 hồ sơ đề nghị xét sáng kiến của công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục, trong đó có 10 sáng kiến được các hội nghị chuyên môn đề nghị Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh xem xét và công nhận sáng kiến cấp tỉnh đợt I năm 2019.

ThS Dương Bình Phú, Phó Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: Sở KH-CN đã thành lập 17 hội nghị chuyên môn, các thành viên từng hội đồng có chuyên môn phù hợp với nội dung đề tài, sáng kiến. Hội đồng sáng kiến luôn công tâm, khách quan trong xét duyệt sáng kiến để tìm ra những sáng kiến hay, áp dụng tốt trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh cho biết, ngành Giáo dục hay bất kỳ một ngành nghề nào khác đều cần có những sáng kiến, cải tiến mới để tạo khâu đột phá cho ngành và cũng là cách để tìm ra những thầy, cô giáo tiêu biểu, đam mê nghiên cứu khoa học. Có những sáng kiến làm cho hệ thống quản trị giáo dục hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, có sáng kiến làm cho nền giáo dục cởi mở, sáng tạo hơn. Qua những sáng kiến hay, thầy cô đã thay đổi cách tiếp cận học sinh, từ đó đưa ra cách giáo dục tốt nhất cho các em. Đây cũng là một sự đóng góp tích cực của các thầy cô vào sự nghiệp trồng người.

Sáng kiến kinh nghiệm đã và đang trở thành một trong những hoạt động sôi nổi, rộng khắp ở các cấp học. Hoạt động này xuất phát từ thực tế dạy học được các thầy, cô giáo triển khai có hiệu quả rồi mới đúc rút thành công trình báo cáo lên các cấp. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm phải mất nhiều năm mới đúc rút được, nhưng cũng có những sáng kiến kinh nghiệm chỉ từ khía cạnh của một tiết học, một bài học cụ thể. Với nhiều thầy, cô giáo, sáng kiến kinh nghiệm không phải chạy theo phong trào mà là sự trăn trở để làm thế nào giáo viên dạy tốt hơn, học sinh học tốt hơn. Bởi, thành công từ các sáng kiến kinh nghiệm tốt không chỉ giúp học sinh tích cực hơn trong học tập mà còn giúp các giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Năm 2017, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa Trình Ngọc Mẫn có sáng kiến giúp nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông. Thầy Mẫn chia sẻ: “Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh thiếu kỹ năng sống vẫn xảy ra, biểu hiện qua hành vi ứng xử không phù hợp trong xã hội, sự ứng phó hạn chế với các tình huống trong cuộc sống. Tôi từng thấy nhiều học sinh giỏi kiến thức nhưng thiếu kỹ năng và nhận ra rằng cần thay đổi cách giáo dục để giúp học sinh phát triển toàn diện”.

Theo thầy Mẫn, khi xây dựng chương trình, nội dung dạy học, giáo viên phải xây dựng 3 mục tiêu: cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ. Tuy nhiên, do phải chạy theo thời gian, phải chuyển tải nhiều nội dung trong khi thời gian có hạn, giáo viên có khuynh hướng tập trung cung cấp kiến thức mà ít quan tâm rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Để giúp rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, Phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa đã chỉ đạo các trường tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm sáng tạo.

Đây là cách giúp từng học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong môi trường nhà trường, phát triển tình cảm, đạo đức, phẩm chất, nhân cách…, từ đó tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của mình. Nội dung hoạt động trải nghiệm đa dạng và mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục để giúp cho các nội dung giáo dục thiết thực hơn, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống, giúp các em vận dụng vào thực tiễn một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Sáng kiến về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh tiểu học của thầy Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) đã mang lại hiệu quả tốt trong nhà trường những năm gần đây. Bằng cách phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên, cử giáo viên tham gia các đợt tập huấn về tư vấn tâm lý, giảm giờ làm cho những giáo viên tham gia tổ tư vấn tâm lý..., nhà trường đã chủ động tiếp cận để giúp học sinh bày tỏ những khó khăn, vướng mắc của mình.

Sau hơn 3 năm áp dụng sáng kiến vào thực tiễn, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh của Trường tiểu học Sơn Thành Đông đã mang lại những hiệu quả tích cực, mà cụ thể nhất là số học sinh gây gổ trong trường những năm gần đây giảm đáng kể; các em có mâu thuẫn với bạn bè; những em có hoàn cảnh khó khăn… đều sẵn sàng chia sẻ với thầy cô để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/231288/sang-kien-hay-qua-ngot-cua-nganh-giao-duc.html