Sáng kiến máy bơm chữa cháy cơ động của người lính Biên phòng
Thời gian qua, khu neo đậu tàu cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định xảy ra nhiều vụ cháy tàu gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt hải sản và đời sống kinh tế của các ngư dân.
Từ thực tế đó, Đại úy Lê Ngọc Văn, nhân viên hàng hải, Đội tàu thuyền, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, BĐBP Bình Định có sáng kiến sử dụng máy bơm nước chữa cháy cơ động nhằm kịp thời chữa cháy khẩn cấp trong khi chờ lực lượng phòng cháy, chữa cháy đến ứng cứu.
Khu neo đậu tàu cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn có hàng ngàn tàu cá đánh bắt hải sản ra, vào và nghỉ sau những chuyến đi biển dài ngày. Tại đây, có số lượng tàu, thuyền neo đậu rất lớn, có khi lên đến 4.000 chiếc. Để sẵn sàng ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển, việc trang bị các thiết bị, vật dụng cần thiết, như: Hệ thống đèn, bếp gas, bình điện... trên các tàu cá đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều tàu cá, do việc sử dụng bếp gas và lắp đặt hệ thống điện chưa đúng quy định nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Điều đáng nói là, bên cạnh những ngư dân chấp hành tốt yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy nổ trên tàu cá, vẫn còn nhiều ngư dân thiếu ý thức trong công tác này.
Là người lính Biên phòng công tác ở tuyến biển lâu năm, Đại úy Lê Ngọc Văn chia sẻ: “Trong những lần xảy ra hỏa hoạn, bản thân tôi là người trực tiếp đến chứng kiến, giúp ngư dân chữa cháy và di chuyển các tàu cá lân cận không cho ngọn lửa cháy lan sang các tàu cá gần đó. Sau những tình huống cháy xảy ra, đa phần các tàu cá bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn làm thiệt hại rất lớn về tài sản của ngư dân. Từ đó, tôi mới nảy sinh ý tưởng làm máy bơm nước chữa cháy cơ động nhằm chữa cháy khẩn cấp trong khi chờ lực lượng phòng cháy, chữa cháy đến xử lý tình hình”.
Nghĩ là làm, Đại úy Lê Ngọc Văn đã nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng kinh nghiệm của bản thân, cũng như tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn và những người trực tiếp làm công tác phòng cháy, chữa cháy. Sau đó, anh đã đề xuất lên Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Quan Nam xin kinh phí hỗ trợ tìm mua một chiếc máy bơm nước có hệ thống hút chân không cũ, đem về độ chế thêm hệ thống ống hút nước và nhờ thợ cơ khí chế tạo phần kết nối. Đến phần quan trọng nhất là ống và lăn chữa cháy, anh Văn đã trực tiếp đến Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tại địa phương để tìm hiểu, nhờ tư vấn, giúp đỡ và hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Sau gần 2 tháng hoàn thiện và thi công, chiếc máy chữa cháy đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Máy gồm có 4 phần chính: Máy nổ chạy bằng xăng; hệ thống bơm và hút chân không; hệ thống hút nước vào; hệ thống dây dẫn nước và đầu lăn phun nước chữa cháy, có thể phun nước ra xa khoảng 20-25m.
Chiếc máy này có khối lượng nhẹ, tháo lắp đơn giản, được đặt trên ca nô nên rất cơ động trong quá trình vận chuyển. Do đó, khi có tình huống cháy xảy ra, người vận hành máy dễ dàng tiếp cận để khắc phục sự cố, giảm tác hại của đám cháy, hạn chế ngọn lửa lây lan trước khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường.
Theo Đại úy Lê Ngọc Văn, mọi tiêu chí đưa ra đã hoàn thiện và theo ý muốn của bản thân và yêu cầu trong quá trình vận hành thực tế. Chỉ có điều, nếu muốn dập tắt đám cháy nhanh hơn để hạn chế ngọn lửa lây lan thì cần cải thiện chiếc máy này có công suất lớn hơn, có thể hút và bơm lượng nước nhiều hơn. Hơn nữa, cần thêm nhiều chiếc máy như vậy nữa để có thể phun nước từ nhiều hướng, hoặc mỗi phương tiện đều trang bị một chiếc máy như vậy thì có thể hỗ trợ nhau dập tắt đám cháy hiệu quả hơn và giảm thiệt hại đến mức tối đa.
Từ năm 2019 đến nay, nhờ sáng kiến của mình, Đại úy Lê Ngọc Văn đã trực tiếp tham gia ứng cứu kịp thời 4 vụ cháy tàu cá. Trong đó, gần đây nhất là trường hợp tàu cá BĐ97450TS, do bà Trương Thị Loan, trú tại khu phố Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm chủ, bị cháy tại khu neo đậu tàu cá Tam Quan Bắc, đêm 10/4/2022.
Sau khi khắc phục được sự cố này, bà Loan xúc động chia sẻ: Tàu cá của gia đình tôi không may gặp hỏa hoạn. Ngay lập tức, chúng tôi gọi điện cho Đội Phòng cháy, chữa cháy tại địa phương, nhưng trên tàu rất nhiều vật liệu dễ cháy, ngọn lửa lây lan nhanh nên nếu không có các anh Biên phòng kịp thời giúp đỡ thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Bởi khi xảy ra cháy, ngọn lửa từ tàu cá của gia đình tôi có thể lây lan nhanh sang các tàu khác, tổn thất không thể gánh nổi. Tôi rất biết ơn các anh Biên phòng.
Trung tá Huỳnh Công Hợi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Quan Nam cho biết: “Sáng kiến của đồng chí Văn vô cùng thiết thực và ý nghĩa, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân, được đơn vị và chính quyền địa phương cũng như bà con vô cùng đồng tình, ủng hộ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thật tốt để đồng chí Văn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chiếc máy này có công suất lớn hơn, phục vụ hiệu quả hơn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ cùng đồng chí Văn nhân rộng mô hình này đến các đơn vị, địa phương khác để góp phần giúp đỡ ngư dân giảm thiểu tối đa thiệt hại do hỏa hoạn gây ra”.
Sáng kiến hay, hiệu quả của Đại úy Lê Ngọc Văn không chỉ giúp ngư dân ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy nổ mà thông qua đây, đã tạo được niềm tin của bà con đối với BĐBP. Từ đó, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.