Sáng kiến nghệ thuật hòa nhập cho người khiếm thị
Dự án nghệ thuật 'Sờ, Nặn, Bóp' là sáng kiến mang đến cho cộng đồng người khiếm thị một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, mở ra cánh cửa giao tiếp và tương tác mới giữa người sáng tạo và người khiếm thị.
Mới đây, tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD (số 1 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức các hoạt động dự án nghệ thuật “Sờ, Nặn, Bóp” cho cộng đồng người khiếm thị. Đây là sáng kiến nghệ thuật do Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD, Viện Goeth tại Hà Nội phối hợp cùng tổ chức Việt Nam and Friends thực hiện.
Dự án “Sờ, Nặn, Bóp” bao gồm một chuỗi các hoạt động phong phú, từ workshop đến trưng bày tương tác dành cho đối tượng là người khiếm thị từ 15 tuổi trở lên. Người tham gia không yêu cầu bất kỳ trình độ, kinh nghiệm hay kỹ năng nghệ thuật nào. Điều này tạo ra một môi trường thân thiện, nơi mọi người có thể tự do thể hiện bản thân mà không lo lắng về những rào cản truyền thống trong nghệ thuật.
Xuyên suốt các hoạt động trải nghiệm, người tham gia được các bạn tình nguyện viên sẽ hỗ trợ và đồng hành, giúp đảm bảo mọi hoạt động diễn ra một cách suôn sẻ và an toàn. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ chi phí đi lại 2 chiều cho người tham gia, nhằm khuyến khích họ đến tham gia một cách dễ dàng hơn.
Theo nghệ sĩ Trần Lương - người khởi xướng ý tưởng của dự án cho biết: “Dự án “Sờ, Nặn, Bóp” không chỉ đơn thuần là một hoạt động nghệ thuật, nó còn là một không gian để kết nối, chia sẻ và thấu hiểu. Thông qua các hoạt động nặn đất trong bóng tối, người tham gia sẽ khám phá thế giới nghệ thuật bằng chính xúc giác của mình.
Ngày đầu tổ chức, workshop nặn đất thu hút 20 người khiếm thị tham gia. Thông qua hoạt động nặn đất giúp người khiếm thị được thỏa sức sáng tạo và thể hiện cái nhìn của riêng mình về thế giới xung quanh.
Tham gia trải nghiệm, anh Trần Quốc Hoàn là một người khiếm thị bẩm sinh vô cùng hào hứng khi trải nghiệm cảm giác chỉ dùng đôi tay để "sờ, nặn, bóp" bên trong những khối hộp ngát mùi của cỏ tươi và đất ẩm.
“Đất sét, một vật liệu tự nhiên gần gũi, trở thành phương tiện diễn dịch cho tâm tư, cảm xúc, đánh thức sự nhạy cảm và phiêu lưu của đôi bàn tay. Nghệ thuật trở thành cầu nối, đánh thức các giác quan, mở cho tâm trí tôi được thả trôi lưu lạc, khơi lại ký ức, hay bất ngờ chạm đến những vùng sâu của tiềm thức mà không thể chỉ nhìn hay nói bằng lời. Đây cũng là cầu nối để người sáng tạo và người khiếm thị chúng tôi làm quen với thế giới của nhau, những thế giới đầy tưởng tượng, sáng tạo và cá tính không ai giống ai” – anh Trần Quốc Hoàn chia sẻ.
Với bạn trẻ Phạm Thanh Huyền, điều ấn tượng nhất khi tham gia vào sự kiện đó là những khoảnh khắc khi người tham gia say sưa thực hành trong workshop, từ ngỡ ngàng, lạ lẫm đến mê mải, đắm chìm, cùng những tiếng reo vui phấn khích, tò mò chờ đợi "thành quả". Bầu không khí ân cần, ấm áp với những sẻ chia và quan tâm, những cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên, không khoảng cách đã giúp bạn Phạm Thanh Huyền và những người bạn khiếm thị hiểu thêm về tâm tư, đời sống của nhau.
Sau workshop trải nghiệm nặn đất, từ ngày 28/10 đến ngày 2/11/2024, các tác phẩm được thực hiện bởi người tham gia được trưng bày trong một hộp kín. Đây là điểm nhấn của dự án, khi mà khán giả chỉ có thể “xem” và cảm nhận các tác phẩm bằng tay. Nội dung và hình ảnh của các tác phẩm sẽ được giữ kín, kể cả với chính tác giả, tạo nên sự hồi hộp và bất ngờ cho người tham gia.
Qua hành trình trải nghiệm nghệ sĩ Trần Lương bày tỏ về sức hút của dự án khi nhận được sự tham gia đông đảo của người trải nghiệm.
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, dự án còn tổ chức các buổi giao lưu, thảo luận, tạo cơ hội cho người tham gia chia sẻ cảm nhận, ý kiến và kinh nghiệm của mình. Những cuộc đối thoại này giúp tăng cường sự kết nối và thấu hiểu lẫn nhau giữa người sáng tạo và người khiếm thị.
Anh Đặng Thế Lâm, Giám đốc tổ chức Việt Nam and Friends đánh giá, dự án “Sờ, Nặn, Bóp” không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng người khiếm thị. Thông qua các hoạt động nghệ thuật, dự án giúp nâng cao nhận thức về khả năng sáng tạo của người khiếm thị trong xã hội. Nó chứng tỏ rằng, dù không nhìn thấy, nhưng họ vẫn có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa.
Hơn nữa, dự án còn góp phần xóa bỏ những rào cản tâm lý, giúp người sáng tạo và người khiếm thị có cơ hội giao lưu, làm quen và học hỏi lẫn nhau. Điều này sẽ giúp xây dựng một cộng đồng nghệ thuật hòa nhập, nơi mọi người đều có thể tham gia và đóng góp.