Sáng kiến thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Phong trào thi đua trong lao động, sản xuất do các cấp công đoàn tổ chức những năm qua đã kích thích tinh thần làm việc của người lao động, giúp họ phát huy tiềm năng, tạo ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập của bản thân.
Chống thất thoát “nước”
Với các công nhân Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa thì nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, chống thất thoát nước là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước sạch. Kiểm soát được tỷ lệ thất thoát nước sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cấp nước. Vì vậy, đây cũng là lĩnh vực thu hút được nhiều sáng kiến kỹ thuật, trong đó sáng kiến: “Thiết bị nghe lắng nhựa ứng dụng dò tìm điểm chảy trong chống thất thoát nước” của kỹ sư thiết bị điện - điện tử Trịnh Xuân Hùng được xem là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất, mang lại nhiều lợi ích cho công ty.
Chúng tôi gặp anh Trịnh Xuân Hùng khi anh đang cùng với đồng nghiệp dò tìm điểm chảy nghi ngờ tại một đường ống nước trong khu dân cư, nhờ thiết bị nghe lắng nhựa mà công nhân nhanh chóng tìm ra chỗ đường ống nước bị rò. Tiếp tục dò những đoạn ống khác, anh Ngọ Duy Dũng, đồng nghiệp vừa cười vừa nói: “May nhờ có thiết bị này mà tai tôi đã không còn đau khi phải nghe lắng nhiều đường ống, từ đó công việc thuận tiện và dễ dàng hơn so với trước”. Trước đó, thiết bị nghe lắng dò tìm điểm chảy được thiết kế hoàn toàn bằng inox, có nhiều nhược điểm như dễ bị lẫn tạp âm bên ngoài, độ nhạy kém, gây đau tai cho người nghe, tuổi thọ sản phẩm ngắn… Khắc phục những hạn chế trên, tăng hiệu quả công việc, năm 2022 anh Hùng đã không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện “Thiết bị nghe lắng bằng nhựa”. Trong vòng 6 tháng liền, anh tra cứu tài liệu khoa học về vật liệu thay thế phù hợp, thiết kế và lắp đặt thế nào để không gây đau tai cho người nghe mà vẫn giữ được hiệu quả. Theo đó, thiết bị được chế tạo dựa trên nguyên lý “thính chẩn âm thanh”, âm thanh phát ra từ vị trí điểm xì, vỡ đường ống sẽ được truyền qua lòng đất, qua đường ống cấp nước, thu vào thiết bị trung gian, sau đó truyền đến bộ phận tụ âm và truyền đến tai người nghe.
Với những ưu điểm trên, sản phẩm đã được công ty cho sản xuất và sử dụng rộng rãi trong các tổ, đội. Quá trình sử dụng, sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ phía công nhân, anh Ngọ Duy Dũng, công nhân nhà máy nhận xét: “Sản phẩm thiết kế gọn nhẹ, thao tác được ở nhiều địa hình phức tạp như ngập nước, bụi rậm, khu vực bất lợi… mà độ chính xác cao, xác định được cả những điểm chảy sâu trong lòng đất hàng mét, dưới lớp bê tông dày...”.
Anh Hùng cho biết: “Làm nghề kỹ thuật nên tôi luôn suy nghĩ bản thân cần liên tục đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, khi làm việc, cứ phát hiện những bất cập trong quá trình làm việc là tôi lại cố gắng tìm tòi, nảy ra ý tưởng cải tiến thực hiện ngay để hỗ trợ công ty phát triển, nâng cao năng suất lao động”. Những sáng kiến đó không chỉ giúp công ty tiết kiệm chi phí, mà còn giúp cho công nhân làm việc an toàn, hiệu quả hơn.
11 năm làm lợi trên 7,5 tỷ đồng
Anh Lê Tam Quân, tổ trưởng tổ bảo trì, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam đã làm lợi cho công ty trên 7,5 tỷ đồng trong vòng 11 năm nhờ sáng kiến: “Thiết kế hệ thống rơle thời gian cho máy ép mếch nhiệt”.
Năm 2012, do yêu cầu sản xuất Công ty Sakurai nhập máy ép mếch nhiệt , tuy nhiên trong quá trình sản xuất máy đã bộc lộ nhiều hạn chế. Máy có nhiệt độ làm việc lên đến 2000C, vì vậy khi tắt máy cần thời gian khoảng 30 phút để máy chạy và giảm nhiệt dần, tránh dừng đột ngột làm hỏng băng tải và khi hết giờ làm đảm bảo không còn điện chạy vào máy. Điều này làm mất thời gian làm việc của công nhân khi họ phải giảm dần nhiệt của máy 30 phút trước giờ tan ca, làm chậm công đoạn khác, ảnh hưởng đến sản lượng công ty và thu nhập của người lao động.
Hiểu được những trăn trở của lãnh đạo công ty, là một kỹ sư điện anh Quân mạnh dạn đề xuất cải tiến kỹ thuật, khắc phục những hạn chế của máy, gồm: 1 tủ điện, 1 attomat tổng, 1 khởi động từ, 1 rơle thời gian, 1 khóa chuyển mạch. Theo đó, đến giờ tan ca, công nhân vận hành sẽ bật khóa chuyển mạch sang chế độ tắt, khi đó hệ thống rơle thời gian sẽ bắt đầu làm việc, sau 30 phút khi máy hạ về nhiệt độ cho phép thì hệ thống sẽ tự động ngắt nguồn điện. Ưu điểm của hệ thống là vận hành dễ dàng, an toàn và chi phí rẻ. Sau khi thử nghiệm hiệu quả trên 1 máy, hệ thống đã được lắp cho toàn bộ máy ép mếch hiện có tại công ty. Sau 11 năm cải tiến đã giúp công ty tiết kiệm được thời gian đáng kể, tăng năng suất lao động, đồng thời tăng thu nhập làm thêm cho công nhân.
Anh Quân cho biết: “Quá trình làm việc chính chúng ta sẽ phát hiện ra những bất cập, hạn chế. Đam mê công việc, chịu khó đầu tư nghiên cứu sẽ giúp chúng ta tìm ra những cải tiến phù hợp, làm lợi cho đồng nghiệp và công ty”.
Phong trào sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất những năm qua đã phát triển sâu rộng trong đội ngũ công nhân Thanh Hóa. Những sáng kiến, sáng tạo của đoàn viên người lao động không những đem lại giá trị làm lợi, tiết kiệm chi phí lớn mà còn góp phần vào nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý, hiệu quả sản xuất, cải tiến môi trường làm việc, làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, đảm bảo an toàn sản xuất trong hoạt động. Anh Lê Văn Thực, Chủ tịch Công đoàn ngành xây dựng Thanh Hóa, cho biết: “Phong trào phát huy sáng kiến kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Để tăng năng suất và chất lượng thì việc thực hiện các sáng kiến rất quan trọng nhằm từng bước đổi mới sản xuất. Vì vậy, hàng năm các đơn vị trên địa bàn luôn đưa ra mục tiêu để công nhân thực hiện các biện pháp cải tiến. Ngoài ra, tổ chức các hội thi kỹ thuật giỏi, thi sản lượng cao để khuyến khích công nhân tham gia. Đồng thời, công ty thành lập bộ phận phân tích đánh giá mức độ cải tiến để có hình thức khen thưởng xứng đáng”.