Sáng kiến trong khó khăn

Do dịch Covid-19, nhiều sự kiện lớn về văn hóa, nghệ thuật trên thế giới phải hủy hoặc hoãn. Trong bối cảnh đó, các tổ chức nghệ thuật và giới nghệ sĩ đã mạnh dạn thay đổi cách hoạt động, đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tiếp tục phục vụ công chúng.

Nghệ sĩ I.Lê-vít biểu diễn trực tuyến ở Berlin (Đức). Ảnh DW.COM

Nghệ sĩ I.Lê-vít biểu diễn trực tuyến ở Berlin (Đức). Ảnh DW.COM

Không ít viện nghiên cứu nghệ thuật, bảo tàng và phòng trưng bày nổi tiếng trên thế giới phải tạm thời đóng cửa do dịch Covid-19 lây lan. Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp treo biển không đón khách. Một triển lãm “bom tấn” nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của một họa sĩ người Italy thời Phục hưng cũng phải đóng cửa, chỉ vài ngày sau khi khai mạc tại Rome. Tương tự, lễ hội âm nhạc lớn nhất ở Vương quốc Anh không thể diễn ra. Ở New York (Mỹ), đèn cũng tắt ở khu phố Broadway, khiến nhiều buổi biểu diễn phải hủy.

Đó chỉ là một vài thí dụ về những sự kiện được mong chờ nhưng không thể diễn ra trong năm 2020. Các chương trình bị hủy ảnh hưởng không chỉ đến công chúng, mà còn toàn bộ hệ thống, dẫn đến tổn thất tài chính khổng lồ. Với triển lãm Nghệ thuật Art Basel ở Hồng Công (Trung Quốc), tác động từ quyết định hoãn được cảm nhận ở nhiều cấp độ, từ nhà tổ chức đến phòng trưng bày và cả ngành du lịch. Năm ngoái, sự kiện từng thu hút gần 90 nghìn khách từ hơn 70 quốc gia. Để giảm thiểu thiệt hại, các nhà trưng bày đã triển lãm thông qua phòng xem trực tuyến. Theo Giám đốc toàn cầu của Art Basel, thời gian này, các phòng trưng bày triển khai cách tiếp thị kỹ thuật số, nhằm giữ chân khán giả.

South by Southwest (SXSW) là liên hoan phim và âm nhạc, kéo dài hai tuần, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách đến thành phố Austin thuộc bang Texas (Mỹ). Theo thị trưởng thành phố, phiên bản SXSW 2019 từng đem tới 350 triệu USD cho kinh tế địa phương, vì thế quyết định đóng cửa SXSW năm nay là rất khó khăn. SXSW 2020 bị hủy đã gây hoảng loạn, nhất là với các nhà làm phim lần đầu tìm kiếm các kênh phân phối.

Việc không thể tụ tập đông người khiến các nghệ sĩ và doanh nghiệp phải xem xét và đổi mới cách tổ chức. Nghệ sĩ dương cầm I.Lê-vít, sống tại Berlin (Đức), sau thời gian buồn bã nghĩ về phòng hòa nhạc trống khán giả đã mạnh dạn thử nghiệm “hòa nhạc trực tuyến tại nhà” trên các trang mạng xã hội Twitter và Instagram. Hay như với H.Ma-ri-át, người sáng lập một công ty nghệ thuật có trụ sở tại London (Anh), kế hoạch biểu diễn hoành tráng năm 2020 đã phải thay đổi vào phút cuối. Dự kiến, khoảng 20 nghìn người sẽ chứng kiến một chương trình nghệ thuật chiếu sáng hồ nước và phong cảnh núi non hùng vĩ ở vùng nông thôn Ireland. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, chương trình đành phải được ghi hình và trình bày dưới dạng “phiên bản kỹ thuật số đặc biệt”. Ma-ri-át nhấn mạnh, dù sao cách tổ chức này vẫn khuyến khích trí tưởng tượng và hỗ trợ các nghệ sĩ.

Ở Italy, nơi cả nước bị cách ly, các nghệ sĩ tích cực biểu diễn trực tuyến. Họ coi thời gian này lại là “cơ hội tốt” để xem xét lại thói quen tổ chức chương trình và thử nghiệm các hình thức sản xuất sản phẩm văn hóa mới. Giới chuyên gia nhận định, “triển lãm ảo” vẫn có thể thu hút đông khán giả.

Còn tại Trung Quốc, các nhà thiết kế thời trang đã thích nghi với điều kiện làm việc mới. Do hạn chế đi lại, nhiều nhà sáng tạo buộc phải bỏ lỡ các tuần lễ thời trang lớn ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, họ mau chóng bắt tay vào Tuần lễ thời trang Thượng Hải, được tổ chức với sự hỗ trợ của kỹ thuật số.

NAM HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44095902-sang-kien-trong-kho-khan.html