Sàng lọc loại học sinh ra khỏi lớp chuyên có nên không?
Không chỉ Hà Nội, mà thực tế nhiều nơi cho thấy, trong trường THPT chuyên áp lực về điểm số rất lớn, nếu học sinh không đạt được kết quả tốt phải chuyển sang lớp đại trà. Tuy nhiên, có nên sàng lọc, loại học sinh ra khỏi lớp chuyên?
Sức ép mang tên trường chuyên
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa thông báo tới các trường THPT, đầu học kỳ II sẽ tổ chức sàng lọc học sinh chuyên lớp 10 và lớp 11 để loại học sinh học lực trung bình, hạnh kiểm trung bình, học sinh bị lưu ban ra khỏi các lớp chuyên của các trường THPT chuyên. Đồng thời Hà Nội sẽ tuyển bổ sung học sinh chuyên khối 10, 11 cho 4 trường THPT gồm: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; THPT chuyên Nguyễn Huệ; THPT chuyên Chu Văn An; THPT Sơn Tây.
Theo ghi nhận tại một số trường chuyên, lớp chuyên THPT tại Hà Nội, chuyện khảo sát để phân loại học sinh, thậm chí chuyển những trường hợp học sinh từ lớp chuyên sang lớp thường cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, đầu vào của các thí sinh qua thi tuyển đều là những học sinh có học lực tốt nên phần lớn là chỉ tuyển thêm các chỉ tiêu còn thiếu, chứ không phải để thay vào chỗ còn thiếu do học sinh bị phân loại chuyển sang các lớp thường. Đánh giá của nhiều trường THPT tại Hà Nội cho thấy, dù không có các lớp chuyên nhưng đều có khảo sát để sắp xếp lại các lớp chọn để giáo viên có kế hoạch dạy, ôn tập cho học sinh hiệu quả.
"Khảo sát để sàng lọc học sinh hiện nay đã thực hiện ở khá nhiều trường THPT ở Hà Nội, trong đó có trường không phải là trường chuyên. Thậm chí, tổ chức thi khảo sát để chọn học sinh nào quyết định ở lại hoặc sang lớp khác. Việc này cũng khá cần thiết vì sẽ giúp nhà trường phân loại học sinh, những em có học lực tương đồng vào một lớp giáo viên có kế hoạch dạy học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc loại học sinh ra khỏi lớp chuyên khi thực hiện cần tránh tâm lý không tốt cho học sinh, nhà trường cần thông báo rõ quy định này. Và nếu có bị chuyển sang lớp thường cũng là điều bình thường vì ở nơi phù hợp còn hơn là ngồi nhầm chỗ", một giáo viên dạy THPT tại Hà Nội chia sẻ.
Một số giáo viên tại Hà Nội cũng nhận định, có học sinh học ngày, học đêm để trúng tuyển vào trường, lớp chuyên. Nhưng khi vào học, không có năng khiếu lại thiếu đam mê dẫn đến không có động lực học tập, dẫn đến tình trạng tự ti, chán nản. Do đó, dù áp lực nhưng sàng lọc học sinh cũng là cần thiết để giúp học sinh cố gắng hơn. Còn với các bậc phụ huynh và học sinh nếu phải chuyển khỏi lớp chuyên, đồng nghĩa với việc bị bạn bè bàn tán, gia đình vốn đang kỳ vọng sẽ cảm thấy thất vọng với kết quả này.
Học ép và cốt chỉ để đi thi?
Không chỉ Hà Nội, từ nhiều năm nay, câu chuyện về sức ép từ học trường chuyên, lớp chuyên cũng đã được đề cập khá nhiều, bởi để vào lớp 10 trường chuyên, nhiều học sinh ngay từ những năm lớp 6 cũng đã phải căng mình ra để học thêm, luyện thi. Thực tế nhiều nơi cho thấy, trong trường chuyên áp lực về điểm số rất lớn nếu học sinh không đạt được kết quả tốt phải chuyển sang lớp đại trà. Khi ở lớp đại trà mà vẫn không theo được thì nhà trường sẽ làm tư tưởng để học sinh chuyển sang các trường công lập không chuyên. Từ đó, dẫn đến mặc cảm cho học sinh và chính với cả phụ huynh.
Từng là một học sinh trường chuyên, chị Mỹ Hạnh, một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ: "Từng trải qua 7 năm học trường chuyên, nên giờ tôi không muốn con mình bị cuốn vào vòng xoáy của học hành, thi cử cốt để vào được trường chuyên. Tôi mong con mình tránh được việc thi cử càng nhiều càng tốt nên tôi đã tư vấn cho con thi vào trường công lập bình thường, tôi không chấp nhận con mình phải học giỏi bằng mọi giá. Học trường bình thường nếu học tốt vẫn có thể đỗ vào các trường đại học top đầu tại Việt Nam và giành học bổng du học. Học trường chuyên sẽ rất áp lực, nhất là khi thất bại ở các kỳ thi".
Không chỉ "ngại" trường chuyên, thời gian qua, không ít ý kiến chuyên gia, phụ huynh cho rằng cần xem xét lại vai trò của trường chuyên hiện nay có phù hợp không bởi đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều trường chuyên chỉ lấy thành tích các kỳ thi làm mục tiêu. "Để vào trường chuyên, hầu hết học sinh phải ôn tập rất vất vả trong nhiều năm, lúc vào học cũng phải căng mình bởi học về chuyên sâu, học để ôn thi các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Theo tôi, chúng ta chỉ nên giữ lại các trường THPT chuyên của các trường đại học hiện nay đang có, để các em học chuyên sâu và đi thi quốc tế. Nên xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn như hiện nay để học sinh phát triển toàn diện", phụ huynh Nguyễn Việt Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.
Chia sẻ về câu chuyện tìm kiếm, bồi dưỡng các tài năng học sinh, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều em ở vùng nông thôn, miền núi như Sơn La chẳng hạn đã có em được huy chương tại kỳ thi Olympic quốc tế, điều này cho thấy những học sinh tài năng có ở nhiều nơi chứ không phải chỉ riêng nơi thành thị. Chúng ta cần phát huy, tìm kiếm những tài năng đó. Tuy nhiên làm thế nào để lựa chọn, theo tôi cần tạo điều kiện đối với nhiều học sinh càng tốt, không nên bó hẹp. Các trường phổ thông đều làm công tác giáo dục, phát huy các tài năng chứ không riêng trường chuyên".
Mỗi kỳ tuyển sinh, chủ đề quen thuộc trên các diễn đàn nhưng được quan tâm từ các bậc phụ huynh đó là “Có nên cho con học trường chuyên không?”. Tại các chủ đề này, nhiều ý kiến đưa ra lời khuyên cho rằng trường chuyên có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có chất lượng, học sinh có khả năng sẽ phát huy được thế mạnh của mình… Tuy nhiên, không ít lời khuyên cần phải căn cứ vào năng lực, sở thích của con em trước khi dự thi, bởi nếu không yêu thích, quyết tâm sẽ rơi vào trạng thái “lạc lõng”, không theo kịp chương trình mà buộc phải xin chuyển lớp, chuyển trường.