Sàng lọc tiền hôn nhân, nâng tầm vóc giống nòi

Mỗi năm, nước ta có khoảng 1,5 triệu người đăng ký kết hôn và chất lượng giống nòi là vấn đề liên quan rất lớn đến sức khỏe sinh sản của các cặp đôi bước vào đời sống vợ chồng

Mới đây, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Đoàn ĐBQH TP HCM - đề xuất nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đây là vấn đề mới được cho là phù hợp xu thế thời đại.

Chặn kịp thời nhiều bệnh nguy hiểm, di truyền

TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức cho hay ông từng chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ đến bệnh viện sinh con mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Những người này khi chuyển dạ bị suy tim cấp khiến các bác sĩ rất đau xót phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới biết một trong hai người có bệnh lý liên quan đến tình dục và di truyền. Sau khi sinh con, nhiều người mới biết con mang bệnh di truyền từ gien lặn, để lại hậu quả lớn. Chưa kể, nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra liên quan đến rối loạn hành vi. Không khám sức khỏe tâm thần tiền hôn nhân nên họ không hay biết và cũng không lý giải được vì sao. Những vấn đề này có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng việc khám sức khỏe trước hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan siêu vi B, C, giang mai hay bệnh di truyền, bệnh tim. "Khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm với người vợ, người chồng tương lai cũng như thế hệ sau" - bác sĩ Thức nhấn mạnh.

Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: THẾ THIÊM

Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: THẾ THIÊM

Hiện nay, các văn bản pháp lý như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nghị định đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Vì vậy, theo đại biểu Đoàn ĐBQH TP HCM, đề nghị cơ quan chức năng quy định công dân trước khi đăng ký kết hôn phải khám sức khỏe và có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn.

Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới đề ra chỉ tiêu đến năm 2030, tỉ lệ nam - nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%.

Các bác sĩ cho biết việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp đôi phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm cũng như tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai thế hệ mai sau. Đây là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về việc khám tiền hôn nhân.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nhấn mạnh mục đích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng, đồng thời phát hiện và điều trị sớm một số bệnh có thể ảnh hưởng vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau, giúp các cặp đôi sinh những đứa con khỏe mạnh. "Nhiều dị tật bẩm sinh hay bệnh tật của con có thể do di truyền từ bố mẹ. Do sự thiếu hiểu biết về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh của trẻ ngay trong giai đoạn bào thai nên nhiều cặp vợ chồng đã sinh con bị dị tật, thậm chí trẻ chết ngay khi chào đời" - bà Hương cảnh báo.

Phù hợp xu thế thời đại

Theo các chuyên gia, ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc bắt buộc. Tuy nhiên, ở nước ta nhiều cặp đôi trong độ tuổi kết hôn, sinh sản chưa coi trọng vấn đề này. Nhiều bạn trẻ chưa có thông tin, kiến thức đầy đủ về việc khám tiền hôn nhân, trong đó vì sợ nếu không may bản thân hoặc bạn mình có bệnh lý gì thì lại ảnh hưởng đến tình cảm... Số khác thì nghĩ mình không có vấn đề gì do sức khỏe bình thường, không có ốm đau, bệnh tật. Ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân lại càng gặp nhiều khó khăn dẫn tới sinh ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều rất cần thiết. Hiện nước ta có khoảng 1,5 triệu người đăng ký kết hôn hằng năm. Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm phát hiện có hay không những căn bệnh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cặp đôi. GS Cử cho rằng để đưa việc này thành quy định bắt buộc thì cần cân nhắc thêm vì hệ thống y tế hiện nay luôn quá tải. Nếu triển khai thêm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe cho khoảng 1,5 triệu người hằng năm sẽ càng làm hệ thống này nặng nề thêm. Bên cạnh đó, tỉ lệ hôn nhân không đăng ký vẫn còn cao, đặc biệt là ở miền núi. Nếu thêm thủ tục hành chính là chứng nhận đã kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân có khả năng tăng thêm sự phức tạp trong quản lý xã hội.

Tuy vậy, điều đáng mừng là đại bộ phận những người kết hôn hiện nay và trong tương lai sinh ra trong thế kỷ XXI có trình độ học vấn khá cao, dễ tiếp thu cái mới. Vì vậy, thay vì sử dụng biện pháp hành chính bắt buộc nên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường cũng như ngoài xã hội để người dân hiểu được khám sức khỏe trước hôn nhân là bảo vệ chính mình và những đứa con của mình. Đưa quy định này vào quy ước cộng đồng để người dân thực hiện và nếu thực hiện, giai đoạn đầu có thể miễn phí cho người khám sức khỏe trước kết hôn.

Bác sĩ Phạm Thúy Nga, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khuyên các cặp đôi nên đi khám sức khỏe trước khi tổ chức đám cưới khoảng 6 tháng. "Thời gian này đủ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị khi các cặp đôi không may phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe. Trường hợp một trong 2 người mắc bệnh truyền nhiễm thì 6 tháng cũng là thời gian hết "giai đoạn cửa sổ" để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất" - bác sĩ Nga lưu ý.

Mỗi năm, 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra với khoảng 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Các dị tật phổ biến như: Down, hội chứng Ewards (rối loạn di truyền hiếm gặp ở thai nhi), dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD (xanh xao, mệt mỏi), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Hàng chục ngàn trẻ may mắn sống sót sau giai đoạn sơ sinh nhưng phải chịu ảnh hưởng suốt đời. Đây không chỉ là nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.

Bác sĩ chuyên khoa II LÝ THÁI LỘC, Trưởng Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM):

Giải quyết ngay vấn đề vô sinh

Mỗi năm, tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) có từ 40.000-45.000 trẻ được sinh ra. Trong khoảng 30.000 lượt khám hiếm muộn chỉ khoảng 200 - 300 lượt khám tiền hôn nhân. Hầu hết khám tiền hôn nhân sẽ kiểm tra sức khỏe sinh sản nên nếu phát hiện các vấn đề bất thường, người bệnh sẽ được can thiệp chuyên sâu. Điều này chỉ có thể thực hiện tại khoa hiếm muộn. Hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa được mọi người quan tâm. Trong khi đó, hiện nay tỉ lệ hiếm muộn ngày càng cao, chiếm khoảng 20% - 30%, tức là 100 cặp vợ chồng có khoảng 20 - 30 cặp hiếm muộn. Để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bền vững, các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân, khi đó các vấn đề gây vô sinh sẽ được giải quyết ngay.

Bác sĩ chuyên khoa II TRẦN NGỌC HẢI, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM):

Xem xét điều kiện kinh tế

Thông thường, người lao động đều được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng giống vậy, chỉ khác một số yếu tố chuyên sâu nhằm kiểm tra một số bệnh lý di truyền như thiếu máu, bệnh lây qua đường tình dục… Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc cần thiết và nên làm bởi điều này giúp nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, khi đề xuất trên được thông qua, cần xem xét yếu tố như điều kiện kinh tế, chi phí này ai trả…

Ông PHẠM CHÁNH TRUNG, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM:

Cần nguồn nhân lực y tế đáp ứng

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước cần thiết giúp các cặp đôi chuẩn bị kiến thức, tâm lý, sức khỏe để khởi đầu cuộc sống mới. Ngoài tầm soát bệnh tật, đây còn là giải pháp giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy vậy, nhiều người còn thờ ơ, e ngại, tạo nên rào cản cho việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Việc chuẩn bị mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là một thách thức. Các cơ sở y tế tuyến quận, huyện chưa bảo đảm cho việc cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân. Để làm tốt công tác này phải có nguồn nhân lực y tế chuyên môn trong lĩnh vực. Các danh mục kỹ thuật cung cấp dịch vụ được quy định rõ ràng với cơ cấu giá hợp lý.

Hải Yến ghi

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/sang-loc-tien-hon-nhan-nang-tam-voc-giong-noi-20231106204131022.htm