Sáng mãi nghĩa tình những người bạn nước Nga: Kỳ cuối - Sắt son bên Người

Cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới. Đó là những ngày đêm căng thẳng, rất ít khi trên bầu trời vắng tiếng máy bay địch quần thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam tặng nhà du hành vũ trụ Liên Xô German Titov tại Hà Nội, ngày 21-1-1962.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam tặng nhà du hành vũ trụ Liên Xô German Titov tại Hà Nội, ngày 21-1-1962.

Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho thi hài Bác, Bộ Chính trị quyết định di chuyển Bác từ Hà Nội lên K9 (khu Di tích Đá Chông ngày nay). Thời điểm này, K9 là một địa danh tuyệt đối bí mật, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ yên giấc ngủ của Người và các chuyên gia y tế Liên Xô không được ra ngoài và không được tiếp xúc với nhân dân trong khu vực. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, bạn đã “đồng cam cộng khổ” với chúng ta bằng nghĩa tình của những người bạn son sắt thủy chung. Tình cảm ấy mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi cán bộ, chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người làm việc với các chuyên gia, trực tiếp chứng kiến, có người chỉ được nghe kể lại, nhưng niềm cảm động thì dường như ai cũng giống ai.

Kể với chúng tôi câu chuyện về những người bạn ấy, Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nam Điền, nguyên Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, đối với các bạn, chiến tranh đã lùi xa 25 năm, giờ sang Việt Nam, lại là lên đường ra mặt trận. Song niềm tôn kính và một tình yêu to lớn đối với Lãnh tụ của chúng ta đã tạo động lực cho những chuyên gia y tế Liên Xô để họ vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng chúng ta bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh gian khổ.

Cũng trong những ngày kháng chiến, ngay sau ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa, những người bạn xứ sở tuyết trắng lại tiếp tục hiện thực hóa mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta là xây dựng Lăng của Người. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Viện nghiên cứu thiết kế Cục Tổ chức xây dựng Mátxcơva chủ trì cùng với các viện kế chuyên ngành khác. Các kiến trúc sư và kĩ sư nước bạn đã dồn tất cả tình cảm và trách nhiệm vào công việc để đưa vào công trình những kỹ thuật tiên tiến nhất. Là một trong những kiến trúc sư Việt Nam được tham gia thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Vạn khẳng định: Lăng Bác chính là kết quả của lòng dân, ý Đảng và tình hữu nghị cao đẹp.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn, chúng ta được đón Bác kính yêu về Lăng, được thường xuyên đến thăm viếng Người và đều có chung một cảm giác Bác đang ở rất gần, luôn luôn ở bên ta trong mọi thử thách, khó khăn, gian khổ của cuộc sống.

Mọi công việc liên quan đến chăm sóc, giữ gìn thi hài Bác và vận hành hệ thống kĩ thuật ở Lăng được tiếp nối một cách nghĩa tình, kể cả khi mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và các chuyên gia Liên Xô đã tạo tiền đề cho sự hợp tác giữa chúng ta với các nhà khoa học của Liên bang Nga sau này trong việc giữ yên giấc ngủ Bác Hồ

50 năm với những thăng trầm, với bao điều còn – mất, nhưng hình ảnh của một nước Nga với những nhà khoa học chí nghĩa, chí tình vẫn còn mãi trong trái tim và niềm biết ơn sâu nặng của nhân dân Việt Nam. Với mỗi cán bộ, chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện sĩ Lô-pu-khin luôn được nhắc đến với một trí tuệ khoa học thần kì và đôi bàn tay vàng của nhà phẫu thuật tạo hình nổi tiếng. Viện sĩ đã lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà riêng ở Matxcova. Rồi Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ka-zel-xép, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu về dung dịch ướp, người sang Việt Nam 14 lần, đã từng chia ngọt sẻ bùi ở các nơi sơ tán trong thời gian chống Mỹ cứu nước để trực tiếp giữ gìn thi hài Bác. Rồi, Phó tiến sĩ Valleri Vaxilievxki, nguyên Chủ nhiệm Khoa Thực nghiệm, chuyên gia hàng đầu về chiếu sáng và nghiên cứu màu sắc thi hài da. Ông cùng các chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu, thiết lập hệ thống chiếu sáng thi hài như hiện nay ở trong Lăng, vừa đảm bảo cho mọi người vào Lăng viếng Bác luôn nhận thấy anh minh của Người, vừa thấy Bác hồng hào, đầy đặn như đang ngủ. Đặc biệt, trong số đó, có hai cha con ông Zilkin, hai chuyên gia thuộc hai thế hệ mà mỗi khi nhắc đến, mọi người đều cảm động.

Ngày 4.10.1975, để tỏ lòng biết ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Đảng, Nhà nước ta đã tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam cho ba đồng chí chuyên gia tiêu biểu nhất: Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích Đê-bốp, Viện sĩ y học, Viện trưởng Viên nghiên cứu khoa học Lăng Lê Nin; Ga-ron Gri-gô-rê-vích I-xa-cô-vích, kiến trúc sư Công trình Lăng; Nhi-cô-lai Mét-vê-đe-ép, Tổng công trình sư công trình Lăng. Qua các thời kỳ, nhiều tập thể và cá nhân khác của đoàn chuyên gia được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Lao động và Hữu nghị.

Tri ân những người bạn luôn sắt son cùng chúng ta giữ yên giấc ngủ Bác Hồ bằng tất cả tấm lòng và sự trân trọng, nhưng mỗi chúng ta đều cảm thấy chưa bao giờ là đủ. Nghĩa tình và dấu ấn của những người bạn nước Nga sẽ còn ấm áp và tỏa sáng trên hành trình chúng ta bên Bác kính yêu.

HỒNG LINH – NGỌC HOA (Phát thanh Quân đội nhân dân)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-bac/201909/sang-mai-nghia-tinh-nhung-nguoi-ban-nuoc-nga-ky-cuoi-sat-son-ben-nguoi-749509/