Sáng mãi nghĩa tình những người bạn nước Nga: Kỳ đầu - Trong nỗi đau dân tộc
Năm 1969, khi Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa, khi niềm đau thương và mất mát đang thấm sâu trong mỗi người dân thì một đoàn chuyên gia Liên Xô lặng lẽ rời Mát - xcơ - va tới Việt Nam. Không chỉ sẻ chia với chúng ta niềm đau thương đó, đoàn chuyên gia còn đảm đương một trọng trách vô cùng lớn lao: Giúp chúng ta một việc rất trọng đại là gìn giữ thi hài Bác để sau ngày thống nhất, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam được về thăm viếng Người.
50 năm từ ngày Bác về với thế giới người hiền, nói về đoàn chuyên gia đến từ xứ sở bạch dương, trong trái tim Thầy thuốc nhân dân, Đại tá, Tiến sĩ Vũ Văn Bình, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm xúc động vẫn dâng trào: 5 chuyên gia bạn cử sang giúp Việt Nam rất hoàn hảo, gồm: Viện sĩ Đê - bốp chuyên sinh hóa hàng đầu thế giới chuyên về dung dịch bảo quản thi hài; Viện sĩ, Giáo sư Lô - pu - khin, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Mát - xcơ - va, người phẫu thuật hàng đầu của thế giới cũng như nước Nga thời đó; Phó Giáo sư Mi - kha - lốp, Chủ nhiệm Khoa Hình thái Viện Lăng Lê-nin, người chuyên ướp về bảo quản thi hài; Tiến sĩ Sa - ta - rốp, người chuyên giỏi về pha chế dung dịch, sang trực tiếp pha chế dung dịch giữ gìn thi hài Bác; ông Luri, người duy nhất đến giờ còn sống, bác sĩ sang trợ giúp đoàn lãnh đạo và lo các thứ thiết bị và dụng cụ giữ gìn thi hài Bác.
Bác đi xa khi chiến tranh vẫn còn chưa dứt ở một nửa đất nước. Trong khi kinh tế của chúng ta còn nghèo, khoa học giữ gìn thi hài là một hoạt động vô cùng khó và mới, thì sự hiện diện của những chuyên gia nước bạn càng quý giá vô cùng. Phải làm sao để giữ được tất cả những đường nét đặc trưng của Bác như thuở sinh thời, để khi thăm viếng, mọi người vẫn cảm nhận được sắc thái anh linh như khi Người còn sống. Muốn vậy, cần phải đạt được các yêu cầu về y tế, kĩ thuật, thậm chí cả về an ninh. Với y tế, đây là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên ngành khác nhau như giải phẫu, sinh hóa, vi sinh vật. Về kĩ thuật, cũng luôn đòi hỏi bảo đảm thông số nhiệt độ và độ ẩm ổn định theo yêu cầu của y tế. Đại tá Vũ Văn Bình cho biết: Giải tỏa tất cả những khó khăn đó, bạn đã đến bên chúng ta bằng sự trọn vẹn, nghĩa tình nhất, không những sang giúp chúng ta về tiền của mà đã đưa sang toàn bộ trí thức, công nghệ ướp, bảo quản mà bạn đã làm ướp Lê Nin. Bạn sang là làm trực tiếp, không phân biệt công việc gì là của giáo sư, công việc gì của kĩ thuật viên.
Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn, các chuyên gia và tổ y tế đã nâng niu từng sợi râu, sợi tóc, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay Bác. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc đều được cân nhắc trước khi tiến hành nhằm đạt kết quả cao nhất. Công việc này không chỉ nhằm chuẩn bị cho những ngày tang lễ Bác mà còn liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ lâu dài thi hài của Người. Với tất cả lòng kính yêu với Lãnh tụ Hồ Chí Minh, với tài năng, kinh nghiệm và tinh thần khoa học cao nhất, bạn đã giúp chúng ta khởi đầu sự nghiệp giữ gìn thi hài Bác một cách hoàn hảo. Trong chiếc hòm kính do các chiến sĩ Công binh của Quân đội nhân dân Việt Nam sản xuất, Bác nằm thanh thản như đang nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng; bộ quần áo kaki quen thuộc như còn đang phập phồng theo nhịp thở.
Để đảm bảo thi hài Bác được bảo quản tốt nhất trong những ngày quốc tang, các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt đã làm việc hết sức mình. Sau mỗi ngày ngừng lễ viếng, họ lại gấp rút và thận trọng kiểm tra thi hài Bác, hiệu chỉnh các thiết bị máy móc, làm vệ sinh công nghiệp để những ngày viếng tiếp theo được tốt hơn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta không ai quên được ngày đầu tiên, khi Ban Tổ chức lễ tang cùng các chuyên gia tiến hành tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị cho lễ viếng Bác. Khi nâng chiếc nắp hòm kính lên, đặt máy đo kiểm nhiệt độ, độ ẩm, thấy kết quả hiện trên mặt máy báo hiệu mọi sự đều hết sức ổn định, Viện sĩ thông tấn, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Đê -bốp không ghìm được xúc động đã quay sang ôm chầm lấy bác sĩ Nguyễn Gia Quyền. Giữa không khí trang nghiêm ấy, không kìm nén được niềm cảm động, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã òa khóc nức nở. Vừa khóc, Thủ tướng vừa bắt tay cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô, khiến các chuyên gia cũng không cầm được nước mắt.
Trong nỗi đau của dân tộc, những người đồng chí đã không chỉ dành cho chúng ta sự sẻ chia sâu sắc của những người bạn lớn, mà còn dành cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam những thành tựu khoa học đỉnh cao của đất nước Liên Xô, giúp chúng ta thực hiện một sứ mệnh thật lớn lao, là giữ gìn thi hài Bác cho muôn đời sau, để giờ đây công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là nơi hội tụ niềm tin trên đường ta bước tiếp.
Vâng, nghĩa tình ấy đã luôn tỏa sáng và sâu nặng, không chỉ từ khi Bác mất mà cho tới mãi sau này. Chính phủ và các nhà khoa học Liên Xô đã luôn cùng nhân dân Việt Nam sắt son một lòng bên Bác kính yêu.
Hồng Linh - Ngọc Hoa (Phát thanh Quân đội nhân dân)
Bài cuối: Sắt son bên người