Sáng mãi những tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ
Cấp bậc, vị trí và hoàn cảnh tuy khác nhau, nhưng khi khoác lên mình màu áo của lực lượng, họ đều phấn đấu, chiến đấu hết mình vì sự bình yên của nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự trên mọi miền Tổ quốc…Những tấm gương bình dị của họ một lần nữa minh chứng cho tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Lao vào "biển lửa" cứu người
Dầm mình trong dòng nước lạnh, lặn lội đêm khuya trên sông nước tìm tung tích, thi thể nạn nhân; trèo lên những tòa nhà cao tầng; băng mình qua ngọn lửa để cứu người, tài sản… là công việc của những người lính cứu hỏa.
Gần một năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng, suýt cướp đi tính mạng của mình, mỗi khi nhớ lại, cháu Nguyễn Hoàng Giang (19 tuổi, Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) đều xúc động nhớ đến người lính cứu hỏa đã cứu mình. Người đã băng qua khói, lửa cõng Giang từ tầng 4 xuống đất, cướp Giang về từ bàn tay tử thần chính là Trung úy Vũ Ngọc Hoàng – Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Đống Đa (Hà Nội). Nhắc đến Trung úy Hoàng, không chỉ gia đình anh Giang mà nhân dân Thủ đô đều yêu mến vì hành động dũng cảm, vì nhân dân phục vụ.
Nhớ lại khoảng khắc ngôi nhà bị cháy, cận kề cái chết, cháu Nguyễn Hoàng Giang cho biết, khi thấy xung quanh khói bao phủ, biết nhà bị cháy nên đã rất hoảng loạn, tuyệt vọng… Khi được đưa ra khỏi vụ cháy, Giang bị hôn mê. Tỉnh dậy ở bệnh viện, điều đầu tiên Giang muốn biết người đã cứu mình và được gia đình thông tin đó là Trung úy Vũ Ngọc Hoàng.
Trung úy Vũ Ngọc Hoàng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" vừa được Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân.
Nhớ lại buổi sáng gần một năm trước, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ, khi anh đang chữa cháy, cứu nạn ở tầng 3 thì đồng đội chạy lên tầng 4 và hét lên: "Còn nạn nhân". Anh Hoàng vội vàng chạy lên, khi đó Giang đang nằm giữa sàn, xung quanh khói lửa mù mịt. Kiểm tra sơ bộ thấy nạn nhân đã ngất, tim đập nhưng hơi thở yếu. Anh Hoàng ngồi xuống để đồng đội đưa nạn nhân lên lưng.
"Lúc đó tôi đã hít khá nhiều khói, đã thấm mệt. Cầu thang lại nhỏ nên tôi phải đi nghiêng, rồi chững lại khoảng 2 phút vì đuối sức và cả hơi nóng phả vào. Tôi chỉ có thể cõng bằng một tay bởi tay kia phải bám vào tường, tay vịn cầu thang bằng gỗ cũng cháy hết sạch" - Trung úy Hoàng nhớ lại khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc.
Cõng được nạn nhân ra ngoài, anh Hoàng gần như kiệt sức. Người lính chỉ kịp định thần nhận chai nước từ một đồng đội khác, rồi nhìn nạn nhân, cầu mong cho cậu kiên cường trước lưỡi hái của thần chết.
"Tôi chưa từng nghĩ công việc này sẽ có khi nào đem lại điều tệ nhất xảy ra với mình, bởi đã xác định làm lính PCCC, phải chấp nhận điều đó. Trong nhiều tình huống, tôi biết sẽ phải đối mặt với nguy hiểm. Nhưng ở vụ cháy đó, bản năng của một con người đã giúp tôi có được sự liều lĩnh bỏ bình thở để cứu người. Tôi không dám tự nhận mình là vị thần hay "anh hùng" mà mọi người thường gọi, bởi bất kì người lính nào trong tình huống đó cũng sẽ làm vậy", anh Hoàng chia sẻ.
Nhắc tới gia đình, anh Hoàng xúc động khi nói tới vợ mình, một phụ nữ biết hy sinh, cảm thông cho công việc của chồng. Từ khi trở thành lính cứu hỏa, chưa năm nào 30 Tết anh Hoàng được ở nhà, quây quần với gia đình, vợ con.
"Bông hồng thép" giữa đại ngàn Tây Nguyên
Giữa đại ngàn Tây Nguyên, chị được mệnh danh là khắc tinh của tội phạm, là người phụ nữ thép, đó là trường hợp củaThượng tá Y Mai Anh, Trưởng Công an huyện Mang Yang, Công an tỉnh Gia Lai.
Chị Y Mai Anh, dân tộc Ba na, sinh năm 1972, vào ngành từ tháng 6/1994, được phân về Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy. Qua nhiều chức vụ tại một số đơn vị như Phòng PX16, Trại tạm giam, Cơ quan Cảnh sát điều tra..., đến năm 2010 chị được bổ nhiệm là Phó trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy và tháng 12/2018 là Trưởng Công an huyện Mang Yang.
Năm 2013, khi là Phó trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, chị đã cùng đồng đội phá vụ trọng án của một nhóm đối tượng buôn bán ma túy số lượng lớn.
Chị đã cùng anh em trong Đội trọng án lên kế hoạch tỉ mỉ, chia từng nhóm yểm trợ. Để có thông tin tin cậy, chị xây dựng cơ sở liên quan đến vụ việc để nắm được cách thức, địa điểm hoạt động của các đối tượng. Qua nhiều lần trinh sát địa hình, biết nơi ở, cất giấu ma túy, chị Y Mai Anh cùng một đồng nghiệp nữ ngoại tuyến, đóng vai người đi đường áp sát nơi ở của chúng.
Căn nhà chúng thuê tại huyện vùng xa giáp ranh với tỉnh Đăk Lăk, xung quanh đều là đất trống, không có cách tiếp cận, chị quyết định đánh trực diện. Chị Mai Anh thuê một xe ô tô và cải trang thành dân buôn, khi xe dừng trước căn nhà, nhiều đối tượng đang ngồi phía trước canh chừng, chị cùng đồng nghiệp nữ đi vào giả vờ hỏi đường và xin đi nhờ nhà vệ sinh.
Đồng nghiệp đứng tại chỗ canh chừng, chị một mình luồn nhanh ra phía sau, rồi lẻn vào nhà, quan sát rất nhanh, thấy có 2 đối tượng đang phân chia ma túy trong phòng. Căn nhà tối tăm, chị nằm ép ở một góc khuất và nhắn tin cho các tổ trinh sát bên ngoài là đã đúng thời điểm. Sau đó chị ra ám hiệu để lực lượng yểm trợ cùng ập vào, đồng thời chị cũng nhào đến quật ngã đối tượng, cùng đồng đội bắt giữ các đối tượng khác trước sự ngỡ ngàng của chúng. Vụ án kết thúc, Công an tỉnh Gia Lai thu giữ 12 bánh heroin, bắt giữ các đối tượng liên quan. Với thành tích ấy, tập thể Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Gia Lai đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Đến tháng 12/2018, chị Y Mai Anh được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Công an huyện Mang Yang, là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, chính trị của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 12 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã đặc biệt khó khăn với hơn 60% người dân tộc Ba na. Người dân nơi đây trình độ nhận thức còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hoạt động phản động của các tổ chức Fulro, Tin lành Đề-ga, tà đạo Hà Mòn...
Dẫu vậy, phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ, nữ Trưởng Công an huyện Mang Yang cùng đồng đội luôn bám sát địa bàn, đi sâu đi sát nhân dân, tranh thủ tiếp xúc đối với những người có uy tín như già làng, trưởng bản tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân hiểu và tin theo trong thực hiện các chính xác an sinh, xã hội, xây dựng nông thôn mới, tham gia tố giác tội phạm…