Sáng mãi tinh thần cách mạng
Tiến sĩ Sanomish Dashtsevel (Mông Cổ) nhấn mạnh trong bài tham luận hội thảo quốc tế 'Việt Nam trong thế kỷ XX' tổ chức tại Hà Nội (tháng 9/2000) rằng: 'Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước. Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ ở các nước châu Á và trên thế giới'.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến thối nát trên đất nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu á. Cách mạng Tháng Tám cũng đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa.
Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến thối nát trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu á”. Người nhận định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”. Do đó, Người khẳng định: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.
Nói về mục đích của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Mục đích Cách mạng Tháng Tám là gì? Là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9 nước ta tuyên bố độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tổng tuyển cử tự do được tổ chức, nhân dân toàn quốc ta đã bầu ra Quốc hội. Quốc hội thông qua hiến pháp và bầu ra Chính phủ Trung ương. Chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh đều do nhân dân cử ra. Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to lớn đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”.
Thomas Hodgkin, trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”. Tác giả đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.
Tiến sĩ Sanomish Dashtsevel (Mông Cổ) nhấn mạnh trong bài tham luận hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” tổ chức tại hà Nội (tháng 9/2000) rằng: “Cách mạng Tháng Tám đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ ở các nước Châu á và trên thế giới”.
Tinh thần quật khởi, giá trị to lớn và những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945- 1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mục đích kháng chiến là để giữ lấy và phát triển những thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tức là hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ”.
Đại hội lần thứ XIII (2021) của Đảng đã đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2045). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...
Tại cột mốc năm 2020, Việt Nam đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại mốc năm 2021, Việt Nam thuộc top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy GDP bình quân đầu người năm 2022 tương đương 4.110 USD.
Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc) thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 đối tác chiến lược (4 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc.
Thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã trở thành một nhân tố tích cực xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã tạo dựng, củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, tạo tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực Châu á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới. Những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và được hoàn thiện thêm một bước trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Đại hội cũng đã xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc gia. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những thành tựu nói trên là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn dân tộc; sự lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sang-mai-tinh-than-cach-mang-i704308/