Sáng mãi tinh thần những người 'dời non lấp biển'. Bài 2: Tuổi trẻ xông pha, về già gương mẫu
Nếu như trong thời chiến, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) luôn có mặt ở những nơi chiến tranh ác liệt nhất để phục vụ chiến đấu và chiến đấu, thì trong thời bình, họ cũng luôn là những người nêu gương sáng trong các phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế, hoạt động xã hội, mẫu mực nuôi dạy con cháu thành đạt. Dù tuổi đã cao, những cựu TNXP mà chúng tôi được gặp vẫn luôn sống đẹp, sống có ích giữa đời thường.
Khó khăn đến mấy cũng cho con học hành
Bây giờ đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng nguyên tắc sống, làm theo tấm gương Bác Hồ từ những việc nhỏ nhất vẫn được ông Nguyễn Văn Thính, 76 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh duy trì. Đặc biệt, ông luôn biết cách truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng cho cán bộ, Nhân dân ở địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như trong lao động sản xuất, cuộc sống thường ngày; giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ sống có mục đích, lý tưởng và có ích cho gia đình, xã hội.
Khi vừa lên 5 tuổi, cậu bé Thính nhận được hung tin quân địch bắt và bắn thủ tiêu mất xác bố (bố ông là Trung đội trưởng du kích xã Trung Giang). Lòng căm hận và quyết tâm chung sức cùng Nhân dân đánh đuổi kẻ thù đã sớm nung nấu trong lòng đứa trẻ nhỏ. Do đó, tuổi thiếu niên ông đã cùng gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng. Năm 1966, ông là người đầu tiên ở xã tham gia TNXP. Từ đây, trên tuyến đường Trường Sơn, Đường 9, biên giới Việt - Lào nhiều nơi in dấu chân chàng thanh niên vùng biển cùng đồng đội gùi cõng đạn dược, lương thực tiếp tế cho bộ đội; cáng thương binh vượt qua mưa bom, bão đạn về nơi chữa trị.
Mặc dù chỉ tham gia TNXP trong 7 tháng nhưng đây là thời gian giúp ông rèn luyện khí chất cách mạng, tạo động lực để ông cùng đồng đội chiến đấu anh dũng. Khi là bộ đội tại đơn vị K8 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, năm 1968, trong một lần tham gia chiến đấu tại nhà thờ Trí Bưu, thị xã Quảng Trị, ông bị thương ở chân, được đưa ra Bắc chữa trị. Vết thương ổn định, ông được cử đi học chính trị tại Hà Nội và Quảng Bình, rồi nhận công tác tại Huyện đội Gio Linh, biệt phái về xã Trung Giang.
Thời gian này, ông tham gia chiến đấu tại cảng Cửa Việt và tiếp tục bị thương. Khi sức khỏe tạm ổn, năm 1973 ông được cử làm cán bộ Hợp tác xã Trung Giang, sau đó được điều đi tuyến trước hoạt động cách mạng tại khu tập trung Câu Nhi (Hải Lăng). Năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông trở về địa phương làm cán bộ Hợp tác xã Cát Sơn và kinh qua nhiều vị trí khác nhau ở xã Trung Giang như: Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã… Ở nhiệm vụ nào, ông cũng đi đầu gương mẫu, đặt lợi ích tập thể lên trên hết.
Nhiều năm làm cán bộ xã, đồng lương của ông Thính ít ỏi, với hơn 1 sào đất của bố mẹ để lại, vợ chồng ông chỉ đủ xây dựng căn nhà cấp bốn để có chỗ che nắng, che mưa nhưng lại không có điều kiện tăng gia sản xuất. Thêm vào đó, con đông, cuộc sống thiếu thốn đủ đường nhiều lúc khiến gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn.
“Tôi còn nhớ, hơn 40 năm trước vì thương bố mẹ, muốn nhường cho các em được đi học, con trai đầu của chúng tôi là Nguyễn Văn Lộc đòi nghỉ học đi làm công nhân để có tiền phụ giúp gia đình. Chồng tôi đã tìm mọi cách khuyên nhủ, động viên Lộc dù khó khăn đến mấy bố mẹ cũng tạo điều kiện tốt nhất để con tiếp tục đến trường, làm gương cho các em. Ông tìm mượn những loại sách hay của các bậc tiền bối đi trước nói về tầm quan trọng của việc học đưa về nhà cho các con cùng đọc. Tôi thì sáng sớm đã gánh mắm ruốc đi bán, đổi thực phẩm và hàng hóa tận các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh để có thêm tiền cho con ăn học.
Thấu hiểu được sự thương yêu, muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho mình, Lộc quyết tâm học hành. Qua nhiều năm nỗ lực học tập và công tác, hiện Nguyễn Văn Lộc là Giám đốc Nông trường Hòa Bình (Gia Lai). Lần lượt 4 người em của Lộc noi gương anh đầu tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định, gồm: Nguyễn Văn Vang hiện là Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Măng Giang (Gia Lai); Nguyễn Quang Hợp, bộ đội hải quân (Sơn Trà, Đà Nẵng); Nguyễn Thị Mỹ Lệ là cán bộ chuyên trách dân số xã; Nguyễn Thị Mỹ Duyên là Bí thư Xã đoàn”, bà Dung, vợ ông Thính chia sẻ.
Giờ đây, hạnh phúc của vợ chồng ông Thính là được nhìn thấy con thành đạt, cháu chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ. Để thời gian không trôi qua lãng phí, đặc biệt là không dựa vào các con về kinh tế, hằng ngày vợ chồng ông thu mua phế liệu, vừa có việc làm, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống tuổi già. Những khi rảnh rỗi, gia đình sum vầy, ông luôn nhắc nhở con cháu phải đặt việc học lên hàng đầu, đặc biệt là trong suy nghĩ, hành động, luôn nghĩ đến và làm theo những lời dạy của Bác Hồ.
Tỏa sáng giữa đời thường
“Vì độc lập tự do của dân tộc, biết bao đồng đội, đồng chí của chúng tôi đã hy sinh xương máu, ngã xuống trong chiến tranh. May mắn được sống, nhìn thấy hòa bình, đất nước ngày càng đổi mới trong tôi lúc nào cũng cảm thấy biết ơn họ. Tôi tâm nguyện rằng, dù tuổi cao nhưng còn khỏe, minh mẫn là phải làm những việc gì thật có ích. Vì vậy, tôi tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục cống hiến hết mình với công tác xã hội, làm gương để lớp trẻ có động lực làm theo”, bà Hoàng Thị Thanh Hồng, cựu TNXP ở Khu phố 2, Phường 1, thị xã Quảng Trị chia sẻ.
Tuổi đời vừa mười sáu, người con gái đầy sắc xuân là Hoàng Thị Thanh Hồng lúc ấy sinh sống cùng bố mẹ ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong ghi danh lên núi rừng Trường Sơn làm chiến sĩ TNXP. Gần một năm trời, trên tấm lưng bé nhỏ của Hồng lúc nào cũng vận chuyển trên 50 kg đạn dược, lương thực, thực phẩm; bất cứ lúc nào đơn vị điều động, bà và đồng đội đều có mặt dọn dẹp đất đá do đạn bom làm hư hỏng đường, thông tuyến cho xe quân ta qua.
Vất vả là vậy nhưng vốn là người tính tình cởi mở, có năng khiếu văn nghệ, mỗi khi ngồi nghỉ ngơi, Hồng thường pha trò, hát, đọc thơ cho mọi người nghe, tạo không khí vui vẻ, giúp đội nữ TNXP quên những mệt mỏi, đói khát. Trong một lần đang tham gia mở đường 74, bà cuốc phải bom bi nên bị thương nặng ở bụng, đứt nhiều đoạn ruột. Bà được đồng đội đưa đi cứu chữa kịp thời. Sau khi bị thương, sức khỏe yếu hẳn, không thể tiếp tục làm công việc nặng nên bà được điều động về làm cán bộ văn thư đánh máy tại Công ty Cầu đường 6 Bình Trị Thiên. Thời gian này, bà kết duyên với một đồng nghiệp trong đơn vị, lần lượt sinh được 2 người con gái, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng không khí gia đình luôn ấm áp.
Năm 1988, bà Hồng chuyển công tác về Xí nghiệp Gốm Thanh Quảng làm kế toán kiêm thủ quỹ. Năm 1996, chồng bà mất do bệnh nặng, một mình bà vốn sức khỏe yếu nay phải gồng gánh nuôi hai người con ăn học. Sau khi nghỉ hưu, đồng lương ít ỏi bà phải nhận làm thêm việc kế toán của các công ty tư nhân, bán bảo hiểm… để có tiền trang trải mọi sinh hoạt phí trong gia đình.
Khi các con trưởng thành, có việc làm ổn định, bà dành toàn tâm, toàn lực cho công tác xã hội. Là người tâm huyết, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trước hết nên bà được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội TNXP Phường 1, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh, Ủy viên BCH Chi hội Người cao tuổi, thành viên tổ “Dân vận khéo” Khu phố 2, thị xã Quảng Trị.
Đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng bà vẫn làm trôi tròn, luôn quan tâm, hết lòng vì quyền và lợi ích của hội viên; vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, tham nhũng; tích cực tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, bà vận động hội viên TNXP tham gia xây dựng quỹ heo đất. Theo đó, mỗi hội viên TNXP trích thu nhập, tiết kiệm 1.000 đồng/ngày để giúp đỡ hội viên TNXP có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, bà là người đứng ra phát động phong trào thu gom ve chai để giúp đỡ những trường hợp TNXP khó khăn. Dù số tiền thu về từ bán ve chai bình quân mỗi năm chỉ 500 - 700 nghìn đồng nhưng thể hiện tấm lòng của những cựu TNXP luôn sát cánh động viên đồng đội vượt qua khó khăn vươn lên sống tốt hơn, tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu. Bên cạnh đó, việc thu gom ve chai còn góp phần bảo vệ môi trường.
Bản thân bà Hồng đảm nhận việc chăm sóc, vệ sinh, giữ cho nhà văn hóa Khu phố 2 luôn sạch đẹp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở khu phố, phường bà đều tham gia nhiệt tình. Với sự đóng góp của bà, Hội TNXP Phường 1 được Ban Chấp hành Hội TNXP tỉnh tặng giấy khen; UBND thị xã tặng giấy khen đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của hội; cá nhân bà được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác hội TNXP, phụ nữ, cựu chiến binh…
Người tiên phong ở Gia Giã
Tuổi cao, sức vóc không còn nhanh nhẹn như trước nhưng cựu TNXP người Vân Kiều Hồ Văn Thân ở thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông vẫn miệt mài lao động, phát triển kinh tế. Qua nhiều năm khai hoang, vỡ đất, ông đã góp phần phủ xanh đồi núi trọc ở địa phương. Các loại cây trồng, vật nuôi được ông đưa vào sản xuất, chăn nuôi phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, mang lại sự ấm no cho gia đình. Tấm gương lao động của ông đã góp phần động viên dân bản cùng ra sức thi đua xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng quê hương đẹp giàu.
Sinh ra và lớn lên trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chứng kiến sự mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra nên từ khi còn nhỏ tuổi Hồ Văn Thân ở đã sớm giác ngộ cách mạng. Tuổi thiếu niên, thanh niên, ông cùng gia đình, người dân trong làng nuôi giấu cán bộ cách mạng; hỗ trợ về lương thực, thực phẩm và dẫn đường giúp bộ đội thực hiện nhiệm vụ. Năm 1974, ông hăng hái tham gia vào lực lượng TNXP.
Là người con của núi rừng, thông thạo địa hình nên ông thường giúp đồng đội tránh được những nguy hiểm của thú rừng cũng như quân địch. Nhờ sức khỏe dẻo dai, nhiều lúc thấy đồng đội đau ốm, không đủ sức gùi cõng lương thực, đạn dược, ông chia ra, gùi thêm phần của đồng đội để nhiệm vụ hoàn thành đúng theo kế hoạch. Khi đất nước thống nhất, năm 1975 ông được điều động làm Đại đội trưởng dân công của xã tham gia xây dựng đập Nghĩa Hy, huyện Cam Lộ. Sau đó, ông làm ban kiểm soát thôn, phó chủ nhiệm thôn, kế toán hợp tác xã, bí thư chi bộ thôn.
Hưởng ứng chủ trương khuyến khích người dân khai hoang phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện, sau năm 1980 ông Thân tiên phong vào vùng đất Ka Reng lập nghiệp. Nơi ở mới đường đi hiểm trở, núi rừng hoang vu, xa trung tâm xã, thiếu thốn đủ đường nhưng với tinh thần của người cựu TNXP không ngại khó khăn, gian khổ, ông quyết tâm mở đường, chinh phục vùng “đất chết” này. Ông cần mẫn phát quang cỏ dại trồng tràm, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà.
Qua vài năm đầu bám trụ Ka Reng, bước đầu ông gặt hái được những “quả ngọt”, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, bữa ăn gia đình cải thiện hơn nhiều. Thấy được tương lai nơi đây sẽ giúp người dân quê mình đổi đời, ông tuyên truyền, vận động bà con cùng vào Ka Reng định cư. Với sự chịu khó, ham học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, diện tích rừng tràm của ông phát triển lên đến hơn 10 ha; đàn trâu, bò có thời điểm trên 30 con, lợn 20 con, đàn gà, ngỗng, vịt hơn 100 con.
Tuy nhiên, do mưa lũ đầu nguồn tràn về đã làm hư hại ao cá, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát khiến đàn lợn của ông bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Không nản chí, ông tiếp tục khắc phục, duy trì sản xuất, chăn nuôi. Hiện đàn dê của ông có 25 con, đàn trâu bò trên 10 con, ông còn làm thêm 8 sào ruộng lúa nước. Ông đã xây dựng căn nhà kiên cố khang trang.
Noi gương ông, nhiều người dân trong thôn cũng đến định cư ở Ka Reng, nhờ ông chỉ bảo kinh nghiệm làm ăn nên cuộc sống của họ ấm no hơn. Hiện toàn vùng này có hơn 40 ha lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ; hàng trăm héc ta rừng tràm đã cho thu hoạch; đàn vật nuôi hàng trăm con. Nhờ kinh tế ổn định, nhiều hộ đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các thiết bị sinh hoạt hiện đại…
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thân còn rất coi trọng việc đầu tư nuôi con ăn học. Trong số 7 người con của ông thì có 3 người con có công ăn việc làm ổn định (1 người giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Hiệp, 1 người làm trưởng thôn).
“Hiện phần lớn tài sản tôi chia cho tất cả các con quản lý. Vợ chồng tôi chỉ giữ lại hơn 1 ha rừng và một số vật nuôi để đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Tôi luôn nhắc nhở các con phải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống mới, xứng đáng là những người con mang họ Hồ của Bác”, ông Thân chia sẻ.
Kăn Sương - Thanh Trúc - Lệ Như
Bài 3: Tri ân và chia sẻ