Sáng mãi truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng

ĐTO - Cách đây 65 năm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo, trong đó việc mở đường Hồ Chí Minh là sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta.

Đường Trường Sơn xưa (Nguồn: Báo Hà Giang Online)

Đường Trường Sơn xưa (Nguồn: Báo Hà Giang Online)

SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Để giữ vững liên lạc giữa 2 miền Nam - Bắc, ta chỉ có một tuyến liên lạc qua miền tây Quảng Trị. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.

Năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước bước ngoặt đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1/1959) về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tháng 5/1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (gọi là Đoàn 559) làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc với phương thức vận chuyển ban đầu hết sức thô sơ như: đi bộ, mang vác, gùi thồ...

Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Ngày 19/5/1959 được lấy làm Ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Sự phát triển Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và hệ thống đường Hồ Chí Minh theo từng giai đoạn đã đáp ứng yêu cầu cách mạng miền Nam: Giai đoạn 1960 - 1964 là giai đoạn đầu xây dựng tuyến chi viện chiến lược. Giai đoạn 1965 - 1968, tuyến vận tải cơ giới đường Hồ Chí Minh vươn sâu chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ xâm lược. Giai đoạn 1969 - 1972, mở rộng đường Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ xâm lược. Giai đoạn 1973 - 1975, hoàn thiện thế trận đường Hồ Chí Minh, cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, Bộ đội Trường Sơn ngày càng lớn mạnh (với lực lượng ban đầu gần 500 đã phát triển với gần 120.000 cán bộ, chiến sĩ) và đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng hệ thống đường vòng tránh, đường sông, đường thông tin liên lạc. Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy... được xây dựng đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường.

ĐÓNG GÓP NỔI BẬT CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN

Tính chung toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.

Từ năm 1959 - 1975, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Đặc biệt, từ năm 1973 - 1975, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam; luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn đảm bảo chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia. Đây là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung của Nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và bạn bè quốc tế.

Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một tuyến đường vận tải chiến lược được xây dựng hoàn chỉnh để chi viện cho chiến trường với sự đa dạng thành phần lực lượng và hoạt động tác chiến. Cùng sự phát triển liên tục của công tác vận tải chi viện cho chiến trường và nghệ thuật quân sự trên chiến trường Trường Sơn luôn có sáng tạo và phát triển, đó là: Nghệ thuật tổ chức lực lượng, tổ chức thế trận, tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, tổ chức mạng đường và hệ thống binh trạm, cung trạm, kho tàng, bến bãi; nghệ thuật đánh địch, mở đường, bảo đảm hành quân, bảo đảm giao thông, bảo đảm vận chuyển; nghệ thuật tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị để xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN ANH HÙNG

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta giành thắng lợi, đầu tháng 7/1975, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế.

Tháng 10/1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 và Binh đoàn 14 trực thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế. Đến năm 1979, Tổng cục Xây dựng kinh tế và Binh đoàn 14 giải thể, Binh đoàn 12 chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng, là đơn vị kế thừa truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cầu đường chiến lược, chiến dịch phục vụ nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; trước mắt làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc. Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn, cán bộ, chiến sĩ, công nhân và viên chức Binh đoàn 12 luôn có mặt ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trải rộng trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố trong nước và 5 tỉnh của nước bạn Lào.

Hơn 10 năm sau Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một số đơn vị thuộc Binh đoàn 12 đã xây dựng 9 tuyến đường của nước bạn Lào với tổng chiều dài hơn 360km, 36 cầu vĩnh cửu và một số công trình kinh tế, văn hóa; huy động hàng ngàn chuyến xe vận chuyển giúp bạn hàng ngàn tấn lương thực. Ở trong nước, từ năm 1977 - 1988, Binh đoàn 12 đã mở mới, sửa chữa, nâng cấp trên 5.500km đường; 5.147m cầu, 31.758m cống bê tông, đào đắp hàng chục triệu mét khối đất đá. Tên của Binh đoàn 12 gắn liền với nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Quá trình xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là đơn vị kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Ghi nhận những chiến công và thành tích vẻ vang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1959 - 1975), Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao Vàng cho các thế hệ Bộ đội Trường Sơn và nhiều Huân, Huy chương khác. Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Binh đoàn 12.

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia, phục vụ chiến đấu, làm nên con đường huyền thoại Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Trong 16 năm (1959 - 1975), các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.

Phú Nghĩa

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/sang-mai-truyen-thong-bo-doi-truong-son-anh-hung-122487.aspx