Sáng mãi truyền thống lực lượng thanh niên xung phong
Ngày 7-7, tại Khu Di tích lịch sử nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, xã Yên Lãng (Đại Từ, Thái Nguyên), Hội Cựu TNXP Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng TNXP (15-7-1950 / 15-7-2020).
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng hơn 300 cựu TNXP đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của lực lượng TNXP Việt Nam. Theo đó, cách đây 70 năm, tại Núi Hồng, xã Yên Lãng (Đại Từ, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thành lập Đội TNXP công tác Trung ương (tiền thân của Lực lượng TNXP Việt Nam). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều chiến công to lớn, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Điển hình như các đội TNXP chủ lực miền Bắc, làm nhiệm vụ tại mặt trận Điện Biên Phủ, đã mở hàng trăm km đường giao thông, vận chuyển hàng nghìn tấn quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, làm công tác thương binh, liệt sĩ...
Trong đó có 8.000 TNXP được bổ sung cho quân đội, tham gia chiến đấu tại các mặt trận. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng chục vạn TNXP đã xung phong ra tiền tuyến, mở được 102 con đường chiến lược, với tổng chiều dài 4.130km; vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường; tham gia trực chiến, chốt giữ, bảo đảm 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng; san lấp trên 100.000 hố bom; đào 1.135km hầm, hào, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 272 kho tàng. Lực lượng TNXP tham gia phá, gỡ hơn 100.000 quả bom các loại, bắn rơi 15 máy bay Mỹ; bổ sung 16.000 người sang quân đội; 15.000 TNXP được kết nạp vào Đảng... Có 6.051 TNXP đã anh dũng hy sinh; 42.455 người bị thương; 18.000 đồng chí và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin.
Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, Lực lượng TNXP Việt Nam được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng; danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Cùng với đó, có 42 tập thể, 40 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động. Nhiều đồng chí cựu TNXP sau này trở thành lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước, trở thành tướng lĩnh trong Quân đội, Công an nhân dân, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt...
Tại buổi lễ, các đồng chí đại biểu đã dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài TNXP; thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7, xã Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên), nơi công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự ra đời của Ngày thương binh liệt sĩ 27-7.
Cùng ngày, Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm TCCT cùng đại biểu đại diện Tuổi trẻ Quân đội đã dâng hương tại Di tích nơi ra đời Chi đoàn cứu quốc đầu tiên trong Quân đội nhân dân Việt Nam (8-2-1952), tại xã Na Mao (Đại Từ, Thái Nguyên). Đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn điểm di tích suốt 68 năm qua, đồng thời mong muốn lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Thanh niên Quân đội tổ chức các hoạt động hành quân về nguồn, tri ân quê hương cách mạng. Đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT cũng lưu ý, Ban Thanh niên Quân đội và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn cần chú trọng tôn tạo, giữ gìn, chăm sóc cảnh quan môi trường điểm di tích, tích cực phối hợp với tuổi trẻ địa phương đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, qua đó phát huy được giá trị văn hóa của khu di tích.