Sáng nay, khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII
Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát huy vai trò của Cựu chiến binh…
Sáng nay (30/12), tại Hà Nội diễn ra Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 với chủ đề “Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”.
Trước đó, chiều 29/12, Đại hội đã diễn ra phiên trù bị với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, đại diện cho hơn 3 triệu hội viên Cựu chiến binh trong cả nước. Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đồng thời, có cơ chế khuyến khích, động viên, phát huy vai trò của Cựu chiến binh tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần cho sự phồn thịnh, hùng cường của đất nước.
Là Cựu chiến binh, đồng thời cũng là 1 DN đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương, ông Đào Văn Mạc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Hội nhận được nhiều sự quan tâm từ Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ doanh nhân Cựu chiến binh hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho Cựu chiến binh là doanh nhân trên cả nước.
Ông Đào Văn Mạc, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ.
Trong nhiệm kỳ 2022-2027, ông Đào Văn Mạc mong muốn Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ đổi mới hơn nữa hình thức, phương pháp phối hợp hoạt động theo phương châm càng xuống cơ sở càng cụ thể hóa, phù hợp với tình hình từng địa phương.
“Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng như Hiệp hội doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam quan tâm sâu sắc đến các cấp, tỉnh, thành trên cả nước, tạo điều kiện cho các doanh nhân Cựu chiến binh phát triển ổn định. Nhiệm kỳ tới này, mong muốn lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng như Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam tạo điều kiện cho các Cựu chiến binh gần gũi, giao lưu, học hỏi, trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh thành, giữa các hội viên câu lạc bộ và các hiệp hội”, ông Mạc bày tỏ.
Ông Dương Xuân Hảo, Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình.
Đánh giá về nhiệm kỳ 2017-2022, ông Dương Xuân Hảo, Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình cho rằng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã hoàn thành 19 chỉ tiêu đề ra. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ Cựu chiến binh khó khăn trong cuộc sống đạt nhiều kết quả, với trên 6.000 Cựu chiến binh được xóa nhà dột nát, nhà tạm, tạo điều kiện cho nhiều Cựu chiến binh vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.
“Trong nhiệm kỳ 7 này có rất nhiều hướng và công việc phải làm nhưng Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần tập trung giúp đỡ cho các hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là hội viên nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào lũ lụt. Sửa đổi lại Điều lệ, tạo điều kiện cho hội viên được vào hội nhiều hơn để cùng gánh vác công việc chung của hội viên”, ông Dương Xuân Hảo kiến nghị.
Ông Tống Thành Phong, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long.
Còn ông Tống Thành Phong, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long mong muốn, Hội Cựu chiến binh các cấp tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đó là đại diện cho ý chí, quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của các Cựu chiến binh, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và tích cực hơn trong các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục hoàn thiện tổ chức hội vững mạnh, đoàn kết, cùng nhau phát triển.
“Thông qua Nghị quyết 05 ở cơ sở cho đến Hội cấp tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long tin tưởng rằng, cấp Trung ương sắp tới sẽ hoàn chỉnh tổ chức biên chế đầy đủ hơn để sau 33 năm trưởng thành sẽ tiếp tục phát triển Hội cựu chiến binh”, ông Phong mong muốn./.