Sáng nay không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, tuần thứ 3 cách ly xã hội chỉ có 2 ca bệnh

Bộ Y tế sáng 22-4 cho biết đã 6 ngày liên tiếp Việt Nam chưa có ca mắc Covid-19 mới. Hà Nội đã 8 ngày liên tiếp không có ca bệnh mới, còn TP HCM là 15 ngày; cả nước chỉ có 2 ca bệnh trong tuần thứ 3 cách ly xã hội từ 15-4 đến 21-4.

Bộ Y tế sáng nay 22-4 cho biết sau ca mắc Covid-19 thứ 268 được công bố sáng 16-4, đến nay tròn 6 ngày Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Tổng số ca mắc trong cả nước vẫn là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%); 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).

Niềm vui của bác sĩ và bệnh nhân khỏi bệnh/ra viên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Ảnh: Ngô Nhung

Niềm vui của bác sĩ và bệnh nhân khỏi bệnh/ra viên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Ảnh: Ngô Nhung

Dù không ghi nhận ca bệnh mới nhưng tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.022, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 358; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.263 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.401.

Tại Hà Nội, đã có 8 ngày liên tiếp không có ca mắc mới, còn ở TP HCM, trong 15 ngày qua cũng không phát hiện thêm ca nhiễm.

Trong 9 cơ sở y tế đang có bệnh nhân Covid-19 điều trị, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là nơi có nhiều bệnh nhân nhất với 44 ca bệnh (1 người nước ngoài, 43 người Việt). 8 cơ sở còn lại, mỗi nơi có 1 bệnh nhân.

Hôm nay 22-4, dự kiến sẽ có thêm 6 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh. Cả nước hiện có 216/268 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 81% tổng số bệnh nhân).

Thống kê cho thấy từ ngày 15-4 đến 21-4 (tuần thứ 3 thực hiện cách ly xã hội), cả nước chỉ ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 47 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh.

268 ca mắc Covid-19 của Việt Nam tính tới 6 giờ ngày 22-4 - Nguồn: Bộ Y tế

268 ca mắc Covid-19 của Việt Nam tính tới 6 giờ ngày 22-4 - Nguồn: Bộ Y tế

Bản đồ dịch tễ của Việt Nam nhiều ngày qua không ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới - Nguồn: Bộ Y tế

Bản đồ dịch tễ của Việt Nam nhiều ngày qua không ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới - Nguồn: Bộ Y tế

Cũng trong hôm nay 22-4, dự kiến tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, các nhóm địa phương nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh thực hiện quy định giãn cách xã hội. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 báo cáo về các nhóm nguy cơ để "chốt" lại trong cuộc họp ngày 22-4. Nếu tình hình an toàn nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.

Hiện 12 địa phương được xếp vào nhóm "nguy cơ cao", trong đó có Hà Nội và TP HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 đến 22-4 hoặc 30-4, nếu tình trạng có lây nhiễm. 16 tỉnh ở nhóm tiếp theo "có nguy cơ" được chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, có lộ trình thực hiện Chỉ thị 16 đến 22-4, tùy vào tình hình thực tiễn. Nhóm "có nguy cơ thấp" gồm 35 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15.

Trước đó, Thủ tướng cũng lưu ý khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế nhưng không lơ là, chủ quan, thỏa mãn. Cùng đó, các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người khi không thật sự cần thiết, rửa tay thường xuyên… vẫn phải tiếp tục thực hiện.

WHO khuyến cáo về tháo dỡ "giãn cách xã hội" với Việt Nam

Ngày 21-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương họp báo trực tuyến, theo đó thông báo về diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở khu vực, các biện pháp WHO ứng phó cũng như những tình huống mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai. Tại đây, ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, bày tỏ sự quan ngại về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số điểm nóng trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, đồng thời đánh giá cao nỗ lực chống dịch của một số nước, trong đó có Việt Nam.

"Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương. Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn. Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỉ lệ ca mắc Covid-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỉ lệ 3 ca bệnh/1.000.000 dân"- ông Takeshi Kasai nói.

Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng thẳn thắn đưa ra khuyến cáo: "Việt Nam nên cẩn trọng xem xét bắt đầu tháo dỡ hạn chế như thế nào. Không nên là tất cả cùng lúc". Ông Kasai cho rằng việc nới lỏng, dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội cần dựa trên các yếu tố như dữ liệu thực tế về dịch Covid-19, khả năng nhận thức của người dân về dịch bệnh, và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, cũng như khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế".

N.Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/sang-nay-22-4-khong-ghi-nhan-ca-mac-covid-19-moi-chi-co-2-ca-benh-trong-tuan-thu-3-cach-ly-xa-hoi-20200421220352524.htm