Sáng nay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân

Sáng nay (12-6), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động với chủ đề Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước

Buổi gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang, 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dự kiến, cùng dự có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; lãnh đạo một số ban xây dựng Đảng Trung ương, một số ủy ban của Quốc hội, một số bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo tỉnh, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà Tết cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Bắc

Được biết từ năm 2016 đến nay đã 5 lần Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động. Cụ thể:

Ngày 30-4-2016, tại Nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai diễn ra sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt và đối thoại với 3.000 công nhân đại diện cho người lao động ở 8 tỉnh phía Nam.

Ngày 22-4-2017, tại Cung thể thao Tiên Sơn (đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ 2.000 công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tâm huyết của những công nhân trực tiếp lao động; những kiến nghị, đề xuất của người lao động cũng như các doanh nghiệp.

Ngày 20-5-2018, tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với khoảng 1.000 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ngày 5-5-2019, tại Hội trường Thành ủy (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP HCM) diễn ra Chương trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 với chủ đề "Công nhân, lao động kỹ thuật cao - Động lực phát triển đất nước".

31-5-2020, tại Công ty TNHH Điện tử Foster, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà công nhân và người lao động tỉnh Bắc Ninh nhân dịp Tháng Công nhân 2020.

Thủ tướng tặng quà cho các đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng tặng quà cho các đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Bắc

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết sau 5 lần Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động (từ 2016 – 2020), nhiều chính sách, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động đã được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành những cơ chế, chính sách, giúp cho công nhân lao động đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc…

Theo ông Hiểu, Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động không chỉ thuần túy giải quyết những vấn đề cụ thể, mà còn là định hướng để hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công nhân lao động và tổ chức công đoàn; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; là dịp để lãnh đạo thấu hiểu hơn các vấn đề của công nhân lao động.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại thiết thực, thực chất, giải quyết được những vấn đề công nhân quan tâm nhất, bức xúc nhất. Vấn đề nào giải quyết được ngay thì giải quyết sớm để người lao động yên tâm làm việc. Vấn đề nào liên quan đến sửa đổi, hoàn thiện chính sách thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có kế hoạch, giải pháp cụ thể.

Đặc biệt, thông qua Chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ mong muốn gửi lời động viên, cảm ơn những nỗ lực của công nhân, người lao động cả nước trong 2 năm khó khăn do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ cũng truyền thông điệp để công nhân lao động cả nước tiếp tục chung tay với Chính phủ nỗ lực, góp trí tuệ và tâm sức trong giai đoạn phát triển phục hồi kinh tế.

Để chuẩn bị cho Chương trình, ngày 16-5, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn, các cơ quan báo chí công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước; đến nay đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề.

Tăng lương tối thiểu, giải quyết các chính sách về nhà ở cho công nhân, hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ xây dựng cơ sở trông trẻ, hỗ trợ tín dụng để người lao động không phải tìm đến "tín dụng đen" khi gặp khó khăn là những nội dung được công nhân quan tâm nhất

Tăng lương tối thiểu, giải quyết các chính sách về nhà ở cho công nhân, hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ xây dựng cơ sở trông trẻ, hỗ trợ tín dụng để người lao động không phải tìm đến "tín dụng đen" khi gặp khó khăn là những nội dung được công nhân quan tâm nhất

Thứ nhất là tăng lương tối thiểu từ 1-7-2022. Thứ hai là sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần. Nhóm vấn đề thứ ba là chỉ đạo đôn đốc giải quyết các chính sách, trong đó có 3 nội dung chính là: Người lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do Covid-19; hỗ trợ các em học sinh mầm non là con công nhân lao động ở các khu công nghiệp theo Nghị định 105; hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Chính phủ. Thứ 4 là giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở, trường học và các thiết chế công đoàn hỗ trợ đời sống công nhân.

Nhóm vấn đề thứ năm là các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động. Công nhân lao động mong có chính sách riêng, khi có tín dụng tốt sẽ hạn chế được tình trạng vay "tín dụng đen".

Thứ sáu là nhóm vấn đề về học nghề, đào tạo nghề, ước muốn nâng cao tay nghề, kiến thức. Thứ bảy là việc xử lý DN vi phạm pháp luật với người lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH… ảnh hưởng đến an sinh của người lao động, nhất là trong thời điểm thai sản, nuôi con nhỏ.

Thứ tám là vấn đề khám chữa bệnh. Công nhân lao động gặp khó khăn khi đi khám chữa bệnh do có rất ít bệnh viện gần KCN, khu nhà trọ. Hơn nữa, do thời gian eo hẹp nên họ chỉ đi khám được cuối tuần mà những ngày này lại không được hưởng bảo hiểm.

Vấn đề thứ 9 công nhân lao động quan tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn, chợ và mong muốn có những điểm chợ gần nơi làm việc, họp đến giờ họ tan ca… và vấn đề cuối cùng là đảm bảo an ninh, an toàn tại nơi làm việc, nơi ở.

3 vấn đề được công nhân lao động quan tâm và gửi nhiều câu hỏi nhất là: Tăng lương tối thiểu từ 1-7-2022; giải quyết các chính sách về nhà ở cho công nhân, hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ xây dựng cơ sở trông trẻ và vấn đề hỗ trợ tín dụng để người lao động không phải tìm đến "tín dụng đen" khi gặp khó khăn.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/sang-nay-thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-doi-thoai-voi-cong-nhan-20220611120805286.htm