Sáng ngời tấm gương người cách mạng

Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên da thịt cũng lành theo năm tháng nhưng ký ức hào hùng thì không thể nào quên. Những người trở về từ chiến trường lấy đó làm động lực để tiếp tục sống và làm gương cho thế hệ sau này.

1. Có dịp đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phạm Thị Uyển (SN 1928, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An), chúng tôi xúc động, cảm phục trước những mất mát, hy sinh của gia đình mẹ cho tự do, độc lập của đất nước. Mẹ Uyển (quê xã An Thạnh, huyện Bến Lức) tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi. Mẹ có chồng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mẹ ruột và mẹ chồng của mẹ Uyển cũng là Mẹ VNAH.

Ngày tiễn chồng, con ra trận, mẹ Uyển chẳng thể ngờ đó là lần cuối cùng được gặp nhau. Cả thời xuân sắc, mẹ cống hiến cho đất nước; hòa bình trở về, mẹ thờ chồng, thờ con, tiếp tục cuộc đời bình dị. Chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng mẹ vẫn luôn tự hào vì con đường mà mình và gia đình đã chọn.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển cảm động trước sự quan tâm, thăm hỏi tận tình của lãnh đạo Trung ương và địa phương

Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Uyển cảm động trước sự quan tâm, thăm hỏi tận tình của lãnh đạo Trung ương và địa phương

Ngoài 90 tuổi, mẹ Uyển vẫn minh mẫn, sống vui với con cháu. Mẹ nói, được sống vui, sống khỏe, quây quần bên con cháu là mơ ước cuối cùng của mẹ. Mẹ hay nhắc con cháu phải tiếp nối truyền thống gia đình, đem sức mình xây dựng quê hương. Mẹ Uyển nói: “Tôi mong thế hệ trẻ sau này ra sức thi đua học tập, rèn luyện, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Phát huy truyền thống cách mạng, gia đình, tôi sống gương mẫu, động viên con cháu phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình’’.

2. Thương binh Nguyễn Văn Chiêm (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) là nông dân sản xuất giỏi, trước đây, khi còn khỏe, ông tham gia Hội Cựu chiến binh (CCB) và có nhiều đóng góp cho phong trào Hội. Hai bàn tay ông chỉ còn 2 ngón ở bàn tay phải. Những mảnh đạn ngày ấy còn nằm chi chít trong cánh tay và bắp chân, một bên tai bị hỏng do bom nhưng ông vẫn quyết tâm trở thành một "thương binh tàn nhưng không phế". Nhà có mảnh ruộng nhỏ, ông tự mình chăm sóc. Dù lúa hay thanh long, dưới bàn tay chăm sóc của ông cũng đều cho năng suất cao. Ngoài ra, khi có bất cứ phong trào nào ở địa phương, ông đều tham gia đóng góp rất nhiệt tình.

Giờ đây, khi tuổi đã cao, không tham gia công tác Hội nữa nhưng ông vẫn được nhiều người tín nhiệm. Có việc gì cần lời khuyên hay phân giải, xóm giềng thường tìm tới ông. Nói về chuyện đó, người CCB chỉ cười: “Giúp được ai, làm được gì thì làm. Sức khỏe của tôi bây giờ cũng khó đoán lắm. Tôi có một mảnh đạn trong tim, bác sĩ nói không mổ được vì đã lớn tuổi rồi nên giờ tôi tâm niệm là sống vui, sống có ích mỗi ngày với gia đình, con cháu, xóm làng”.

Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phước Tân Hưng đến thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Văn Chiêm nhân ngày 27/7

Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phước Tân Hưng đến thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Văn Chiêm nhân ngày 27/7

3. CCB Võ Văn Ba (ấp 2, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) cũng giữ cho mình tâm niệm đó từ sau ngày trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam. Sau khi xuất ngũ, ông tích cực lao động, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Với vai trò là Chi hội phó Chi hội CCB ấp 2, ông Ba quan tâm chăm lo đời sống hội viên CCB ấp, kết nối sửa chữa nhà cho thương binh có hoàn cảnh khó khăn trong xã.

Trong đợt dịch Covid-19, ông tình nguyện tham gia trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, vận động hơn 250 phần quà, 1 tấn thanh long, 1 tấn chanh để tặng hội viên CCB trong xã.

Cựu chiến binh Võ Văn Ba tặng chiếc nón bộ đội cho Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

Cựu chiến binh Võ Văn Ba tặng chiếc nón bộ đội cho Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

Không chỉ vậy, ông còn dành tặng kỷ vật thời chiến của mình cho Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức. Chiếc nón tặng cho Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự huyện là kỷ vật quý nhất của ông. Với ông, đó là minh chứng cho những ngày tháng hào hùng, niềm tự hào từng là Bộ đội Cụ Hồ. Ông trao lại cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện với hy vọng kỷ vật của ông sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những gì mà cha anh đã trải qua. Chính vì điều đó, ông cũng vận động hội viên CCB trong xã trao tặng những món kỷ vật cho Phòng truyền thống, góp phần giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ./.

Thùy Minh - Mộc Châu - Trần Thoa

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/sang-ngoi-tam-guong-nguoi-cach-mang-a139177.html