Sáng rõ lý luận và thực tiễn hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội

LTS: Tại Hội thảo khoa học 'Tổng cục Chính trị-75 năm với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam' do Tổng cục Chính trị (TCCT) tổ chức, các ý kiến phát biểu và tham luận gửi tới hội thảo đã làm rõ hơn quá trình ra đời, phát triển của TCCT gắn với hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) qua các giai đoạn cách mạng; đồng thời làm sáng rõ lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm về hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội qua các thời kỳ lịch sử. Báo Quân đội nhân dân tiếp tục giới thiệu một số ý kiến phát biểu và tham luận gửi tới hội thảo.

Trung tướng NGUYỄN QUANG CƯỜNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3: Kinh nghiệm CTĐ, CTCT trong diễn tập khu vực phòng thủ

 Trung tướng NGUYỄN QUANG CƯỜNG

Trung tướng NGUYỄN QUANG CƯỜNG

Quán triệt Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu 3 thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các cuộc diễn tập KVPT theo kế hoạch.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành các cuộc diễn tập, Thường vụ Đảng ủy, BTL Quân khu 3 phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo tiến hành toàn diện các nội dung CTĐ, CTCT, trực tiếp góp phần vào thành công của các cuộc diễn tập KVPT tỉnh, thành phố. Nổi bật là hoạt động CTĐ, CTCT đã giúp nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của diễn tập KVPT; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và động viên cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia diễn tập quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ kết quả hoạt động CTĐ, CTCT trong diễn tập KVPT tỉnh, thành phố những năm vừa qua, Đảng ủy, BTL Quân khu 3 rút ra một số kinh nghiệm, đó là cấp ủy, chỉ huy các cấp phải xác định quyết tâm cao, sớm có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ diễn tập KVPT sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm cho các thành phần tham gia diễn tập.

Nắm chắc, thực hiện đúng nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp trong diễn tập KVPT các tỉnh, thành phố; nhất là cơ chế lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó cơ quan quân sự, công an làm nòng cốt. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị cho diễn tập, nhất là công tác lựa chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia diễn tập...

Thiếu tướng TRỊNH VĂN QUYẾT, Chính ủy Quân khu 2: Hiệu quả CTĐ, CTCT trong phòng, chống thiên tai

 Thiếu tướng TRỊNH VĂN QUYẾT

Thiếu tướng TRỊNH VĂN QUYẾT

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và trực tiếp của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2, hoạt động CTĐ, CTCT đã phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chỉ tính từ năm 2015 đến đầu năm 2019, thiên tai xảy ra trên địa bàn quân khu 380 vụ mưa dông lốc, lũ ống, lũ quét; 32 vụ sạt lở đất, đá; 14 vụ sét đánh, 50 vụ đuối nước... Để ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai cho nhân dân, từ năm 2015 đến nay, Quân khu 2 đã huy động 80.815 lượt cán bộ, chiến sĩ và 1.289 lượt phương tiện, xe ô tô, xe đặc chủng, xuồng máy tham gia khắc phục hậu quả thiên tai; cứu sống 57 người, tìm kiếm được 69 người bị cuốn trôi và lở đất vùi lấp. Giúp đỡ nhân dân sơ tán ra khỏi vùng bị cô lập, chia cắt hoặc có nguy cơ cao...; tổ chức di dời 9.546 nhà đến nơi an toàn, làm mới 1.257 nhà, sửa chữa 11.322 nhà bị tốc mái.

Đạt được kết quả đó, hoạt động CTĐ, CTCT của các đơn vị trong toàn quân khu đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả trên các nội dung, như: Tiến hành đồng bộ các hoạt động công tác tư tưởng, cán bộ, tổ chức, chính sách..; trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục tập trung quán triệt quan điểm, nguyên tắc, phương châm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và quân khu; tăng cường củng cố quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ; xây dựng, phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất được quân khu rút ra là sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu với cấp ủy, chính quyền địa phương 9 tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc kịp thời, sâu sát của các tổ chức đảng và cán bộ các cấp; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực tự ứng phó, chỉ đạo tại chỗ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trong vùng ảnh hưởng là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thiếu tướng, TS ĐỖ HỒNG LÂM, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân: Chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái

 Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm

Thiếu tướng, TS Đỗ Hồng Lâm

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, báo chí quân đội từng bước được đầu tư, phát triển cả về quy mô, nhân lực và trang bị, phương tiện; thực hiện tốt vai trò là tiếng nói của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, là diễn đàn tin cậy của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Trên trận địa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí quân đội là kênh thông tin chính thống, quan trọng trong tuyên truyền và khẳng định những giá trị cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những kết quả nổi bật là luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng; cổ vũ, động viên những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực tuyên truyền đấu tranh chống thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Nhiều bài viết có tính chiến đấu cao, định hướng rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống"…

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện. Điều đó đòi hỏi báo chí quân đội phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là trong đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch. Theo đó, cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với báo chí, hoạt động báo chí trong quân đội; tích cực tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; tiếp tục phát huy vai trò xung kích đi đầu trong đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa; xây dựng đội ngũ nhà báo chiến sĩ "vừa hồng, vừa chuyên".

Thiếu tướng TRẦN QUỐC DŨNG, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị: Thực hiện tốt chính sách quân đội và hậu phương quân đội

 Thiếu tướng TRẦN QUỐC DŨNG

Thiếu tướng TRẦN QUỐC DŨNG

Kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử và trong thời kỳ đất nước đổi mới, cùng với xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, những năm gần đây, ngành chính sách quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, TCCT, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành mới, bổ sung, sửa đổi đồng bộ các chế độ, chính sách, triển khai thực hiện hiệu quả công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của đất nước…

Với sự chủ động, sâu sát thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đối tượng chính sách, thực hiện chủ trương của Đảng, từ năm 2002 đến nay, ngành đã nghiên cứu, đề xuất nhiều đề án lớn về chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Tính đến nay, toàn quốc đã có gần 4,2 triệu người được hưởng chế độ trợ cấp một lần, chế độ trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí theo quy định.

Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước, cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, hiện có 95,75% số đối tượng người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, 97% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng...

Những kết quả mà ngành chính sách quân đội đạt được trong những năm qua có ý nghĩa chính trị-xã hội to lớn, được nhân dân, đối tượng chính sách ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả đó đã góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ CNXH; tăng cường sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quân đội, hậu phương quân đội ngày càng vững mạnh, tạo nền tảng cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng: Giá trị lịch sử của tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự”

 Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Thực tiễn cách mạng chứng minh: Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” cùng với tư tưởng “người trước súng sau”, lấy chính trị làm gốc; chính trị thể hiện ra trong đánh giặc; quân sự không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại… là những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận Mác-Lênin, đưa học thuyết Mác-Lênin về chiến tranh và quân đội lên tầm cao mới. Đây cũng là cơ sở, nền tảng lý luận, kim chỉ nam cho Đảng ta xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng chất chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Hiện nay, tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị.

Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” không chỉ phù hợp với điều kiện xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vững mạnh trước khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời mà còn có ý nghĩa thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học đối với việc xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” nhấn mạnh vai trò của chính trị đối với quân sự. Điều đó không có nghĩa là tuyệt đối hóa vai trò của chính trị, hạ thấp hay coi thường, xem nhẹ quân sự hoặc tách quân sự, đối lập quân sự với chính trị. Tuyệt đối hóa một mặt nào đó đều dẫn đến sai lầm, bị mắc mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Vì vậy, phải nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc và giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và quân sự trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn lịch sử.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị: Kế thừa và phát triển trong đổi mới đào tạo cán bộ

 Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH

Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) đã đào tạo hàng vạn cán bộ chính trị (CBCT) cấp phân đội, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV). Trong giai đoạn mới, quán triệt quan điểm “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”, nhà trường không ngừng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, để đội ngũ chính trị viên (CTV) có đầy đủ phẩm chất, năng lực, mẫu mực về nhân cách. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ CTV là vấn đề tất yếu, do vậy các chủ thể lãnh đạo, giáo dục, quản lý của nhà trường luôn nhận thức sâu sắc các yếu tố tác động từ bối cảnh mới đến chất lượng đào tạo đội ngũ CTV, để có tư duy đổi mới phù hợp.

Nhà trường tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo CTV. Theo đó cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển trong đổi mới; tích cực rà soát, khắc phục sự trùng lặp về chương trình, nội dung đào tạo giữa các bậc học trong quy trình đào tạo CBCT. Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng “thực học, thực nghiệp”; gắn bó chặt chẽ giữa “lý luận và thực tiễn”, “nhà trường với đơn vị”, giúp cho người học vừa nắm vững kiến thức cơ bản, vừa nắm vững kiến thức chuyên sâu theo chức trách, nhiệm vụ của CTV. Chương trình, nội dung đào tạo phải bám sát mô hình, mục tiêu đào tạo CTV...

Trong đào tạo CTV hiện nay, đổi mới chương trình, nội dung phải gắn chặt với đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng phát huy tính “độc lập, sáng tạo” của người học và đặt người học vào vị trí “trung tâm” của quá trình dạy học. Theo đó, cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đề cao tính chủ động, sáng tạo của học viên trong lĩnh hội kiến thức, rèn luyện phong cách lãnh đạo, chỉ huy; coi trọng phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách đặc thù của CTV trong quá trình đào tạo tại trường...

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-ro-ly-luan-va-thuc-tien-hoat-dong-cong-tac-dang-cong-tac-chinh-tri-trong-quan-doi-604701