Sáng rõ tư tưởng về xây dựng Đảng
Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Đảng, việc chọn chuyên đề 'Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' để thực hiện trong năm 2020, năm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi công tác xây dựng Đảng đang có rất nhiều việc phải làm.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác
Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) đã nhận định, qua nghiên cứu cho thấy, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn dành sự quan tâm lớn nhất cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Quan điểm của Người được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết với nội dung rất phong phú, cụ thể và sâu sắc. Có hai lần Bác nói đến tư cách người đảng viên. Lần đầu là vào năm 1927, trong tác phẩm "Đường kách mệnh", Bác nói 23 điểm về tư cách của người kách mệnh như: Cần, kiệm, liêm chính, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh vì dân vì nước... Sau thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng cầm quyền, Bác nói đến 12 điều răn về tư cách của một Đảng cách mạng chân chính trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc".
Bác cũng nhiều lần nhắc nhở, chỉnh huấn các cán bộ, đảng viên phải luôn tự phê bình, nhận diện sai lầm để sửa chữa và tránh xa khuyết điểm. Đảng viên phải tự ý thức được việc làm tốt công việc, tu dưỡng, rèn luyện cho trong sạch, không vi phạm kỷ luật của Đảng, quy định của Nhà nước, “ít lòng tham muốn vật chất”. Vi phạm rồi mà không sửa chữa, thì Đảng và Chính phủ sẽ không dung thứ.
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, Người không tách riêng vấn đề chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Đảng, mà luôn gắn chặt với nhau. Vấn đề là làm thế nào để kết hợp được cả hai nhiệm vụ này, trong đó, phải lấy xây dựng làm chính, chỉnh đốn là quan trọng và bức thiết.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, thấm nhuần tư tưởng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Bác, Đảng đã có nhiều nghị quyết, đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ để chống hiện tượng tha hóa về đạo đức, lối sống. Do đó, để bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm cho Đảng mạnh, đủ sức đứng vững trước thách thức của thời kỳ mới, T.Ư Đảng yêu cầu mỗi người cộng sản, mỗi tổ chức Đảng phải đổi mới phong cách làm việc, phương thức lãnh đạo.
Bài bản “chống” và “xây”
Những năm gần đây, chúng ta tiếp tục đặt vấn đề chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII nêu rõ những vấn đề bức thiết trong xây dựng Đảng, đi sâu vào phòng, chống biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hàng loạt cán bộ cấp cao và nhiều cán bộ đảng viên khác bị xử lý kỷ luật. Điều này đánh dấu sự quyết tâm chính trị của Đảng, thể hiện kết quả bước đầu rất quan trọng của việc xây dựng và chính đốn Đảng đi vào nề nếp, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang có rất nhiều việc phải làm. Nhưng không nên nhìn vào số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật mà nghĩ rằng uy tín của Đảng giảm sút. Thực tế đã chứng minh, từ khi đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, siết chặt kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên cấp cao nhất thì uy tín của Đảng không giảm sút mà ngày càng tăng lên. Và một tín hiệu đáng mừng là cùng với sự quyết liệt của T.Ư, các địa phương đã từng bước khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, mạnh tay với những sai phạm. Qua đó, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng tốt hơn và uy tín của Đảng sẽ ngày càng được nâng cao. Đồng thời với “chống” quyết liệt cần phải “xây” một cách bài bản, bắt đầu từ việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần được tiến hành trên nhiều phương diện. Đó là tiếp tục bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, không ngừng hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối, chống biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị, bảo vệ chính trị nội bộ, phát triển kinh tế... Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất thời gian qua do nhiều nguyên nhân, từ yếu tố khách quan, do sự quản lý cán bộ chưa tốt, kỷ luật chưa nghiêm nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là do cán bộ không giữ được mình, ít rèn luyện, tu dưỡng, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm. Vì vậy, càng đòi hỏi ý thức trách nhiệm, nêu gương của mỗi người, từ cán bộ cấp cao đến công nhân viên, từng đảng viên.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sang-ro-tu-tuong-ve-xay-dung-dang-375823.html