Sáng suốt lựa chọn bầu những người thực sự có đức, có tài
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Quốc hội quyết định tổ chức vào ngày Chủ nhật 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được diễn ra trong bối cảnh Đảng ta vừa tổ chức rất thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống. Hơn nữa, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta tuy đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới; các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tích cực xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Để đảm bảo cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, trước đó, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành các Nghị quyết về tổ chức Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp đó, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.
Đến nay, những công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã hoàn tất. Qua 3 lần hiệp thương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp đã chọn được những người đủ tiêu chuẩn theo quy định, đại diện cho các thành phần trong xã hội đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bầu cử là làm sao lựa chọn bầu được những người thực sự xứng đáng, đủ đức, đủ tài để làm đại biểu nhân dân. Điều này đòi hỏi chúng ta cần làm tốt những công việc sau đây:
Trước hết, phải thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Nói về bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn… Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội”. Từ năm 1946, ngay trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta, Bác Hồ cũng đã nhắn nhủ với cử tri và Nhân dân cả nước: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu”.
Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo công tác bầu cử cũng nêu rõ: “Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Thứ hai, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân; bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo quy định của pháp luật; đại biểu được bầu có chất lượng, với cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đảm bảo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Thứ ba, đây là dịp để Nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Qua đó, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Câu khẩu hiệu “Sáng suốt lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp” có ý nghĩa vừa nhắc nhở, vừa cảnh báo mỗi cử tri trong việc lựa chọn để bầu hoặc không bầu cho ai cũng phải cân nhắc một cách kỹ lượng. Thực tế đã cho thấy, có những người được cử tri tin tưởng gửi gắm bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhưng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, không hành động như lời hứa với cử tri, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của cử tri và Nhân dân. Do đó, trước khi quyết định bầu cho ứng cử viên nào, cử tri cần lưu ý:
Cần phát huy dân chủ, trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao nhất trong bầu cử. Đây là quyền rất quan trọng của mỗi công dân và nếu mỗi người thực hiện tốt quyền này thì chúng ta sẽ bầu được những người đại biểu thực sự xứng đáng, thực sự vì nước, vì dân mà hành động.
Tham gia bầu cử để chọn được người xứng đáng là vì tương lai của đất nước, vì quyền lợi của chính mình. Do đó, cử tri cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng danh sách, hồ sơ của các ứng cử viên trước khi quyết định bầu cho ai; phải tự tay đi bỏ phiếu để “chọn mặt gửi vàng”; đồng thời kiên quyết loại bỏ những phần tử cơ hội, tham nhũng, thoái hóa biến chất.
Chọn bầu ứng cử viên không chỉ chú trọng về chất lượng mà còn phải đảm bảo về cơ cấu; có như vậy mới thể hiện đầy đủ quyền đại diện cho các thành phần trong xã hội và phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của các đại biểu trên các lĩnh vực.
Cần nêu cao ý thức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch đối với cuộc bầu cử.
Với cách làm bài bản, chặt chẽ, dân chủ và đầy trách nhiệm, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào danh sách những người ứng cử và cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn bầu những đại biểu thật sự ưu tú, xứng đáng với sự kỳ vọng của Nhân dân. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp; để thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương trong chặng đường 5 năm tiếp theo. Tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là thiết thực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.