Sáng tạo để đưa hàng hóa thiết yếu tới người dân trong vùng dịch

Chợ truyền thống vốn là kênh lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng 70% nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong đợt dịch lần thứ 4, tốc độ lây lan của biến thể Delta Ấn Độ rất nhanh nên nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đã phải đóng các chợ truyền thống nhằm đảm bảo an toàn chống dịch. Trước tình hình đó, nhiều mô hình bán hàng sáng tạo đã được các tỉnh, thành triển khai để phục vụ người dân.

Đa dạng phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu

Tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày đang ghi nhận bình quân hơn 3.300 ca nhiễm mới nên nhiều địa phương đã đóng toàn bộ các chợ truyền thống để thực hiện phòng chống dịch. Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng doanh nghiệp bố trí các điểm bán hàng lưu động để giải quyết kịp thời ách tắc phân phối hàng hóa cho người dân.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính từ 11/7 tới 27/7 đã có 1.054 điểm bán hàng lưu động với 1.191 lượt xe bán hàng được thực hiện trên điah bàn. Trong số này, điểm bán do Sở tổ chức là 362 điểm với 513 lượt xe (1 điểm bán có thể bố trí 1 - 2 xe theo nhu cầu sản phẩm của người dân), phân bổ theo nhu cầu của các quận, huyện, TP. Thủ Đức, cung cấp hơn 215 tấn hàng hóa và 292.000 quả trứng cho người dân tại những nơi xe bán hàng lưu động đến hoạt động.

Một điểm bán hàng hóa thiết yếu cố định tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Một điểm bán hàng hóa thiết yếu cố định tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai 149 điểm bán cố định tại các quận, huyện nhằm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, trong đó VN Post có 22 điểm, Pharmacity 36 điểm, Con Cưng 34 điểm, Guardian 52 điểm….

Đặc biệt, mới đây Sở đã công bố chỉ các điểm bán hàng lưu động bằng danh sách hoặc sơ đồ theo từng quận, huyện trên website congthuong.hochiminhcity.gov.vn để người dân dễ theo dõi và tìm kiếm. Đáng chú ý, website này đã cập nhật, thông tin danh sách các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm bán hàng theo từng ngày.

Đưa thực phẩm đến tận tay người dân vùng xa

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, những ngày qua nhu cầu mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân tăng cao, nhất là ở các xã vùng xa, tuy vậy việc mua bán gặp không ít khó khăn do các địa phương đang trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16.

Bà Trần Thị Út (ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết, tại Long An rất nhiều khu chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch nên việc mua thực phẩm thiếu yếu của bà con gặp khó khăn. Rất may địa phương đã kịp thời có những chuyến xe bán lưu động tới tận nơi, kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho chúng tôi.

Được biết, tại huyện Cần Giuộc, Sở Công Thương Long An đã kết nối với các đơn vị cung ứng để thực hiện cung cấp thực phẩm tươi sống (thịt heo, gà, cá), trứng, rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác và được vận chuyển đến điểm bán bằng xe lưu động. Theo đó, rau, củ, quả, thịt gà,… được đơn vị cung ứng đóng gói thành từng phần hoặc phân loại để thuận tiện cho việc bán hàng. Riêng sản phẩm thịt, cá thì do nhân viên của đơn vị cung ứng bán trực tiếp để bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian và địa điểm bán hàng tùy vào sự sắp xếp của chính quyền địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân.

Ở Hậu Giang, từ ngày 21/7 tỉnh này đã phát phiếu đi chợ cho người dân, song song đó Sở Công Thương Hậu Giang còn công bố số điện thoại các điểm bán, đi chợ hộ của Chi nhánh Viettel Hậu Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.

“Hiện nay dịch bệnh trên địa bàn phức tạp nên việc tổ chức cung cấp hàng háo thiết yếu thông qua dịch vụ bán hàng trực tuyến với giá bình ổn, thấp hơn 5-10% so với giá thị trường là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Viettel Hậu Giang tổ chức “Dịch vụ đi chợ hộ” thông qua nhân viên Viettel Post thực hiện mua hàng và giao hàng trực tiếp cho người dân, nhất là người dân trong khu vực bị phong tỏa”- ông Nguyễn Văn Thậm- Phó giám đốc Sở Công Thương chia sẻ.

Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng này, người nhiều dân ở TP. Vị Thanh (Hậu Giang) chia sẻ rằng, mỗi khi cần gì họ chỉ điện thoại là có người đem hàng hóa đến để trước cửa nhà. Dù có hơi bất tiện một chút nhưng vẫn tốt hơn là đi ra đường trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tương tự ở Tiền Giang, theo Sở Công Thương, từ ngày 28/7 đến 2/8/2021 Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân tại 3 huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Tân Phước. Hàng hóa tại các điểm bán được Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang trực tiếp lấy từ các kênh phân phối nhằm đảm bảo an toàn và đúng quy định phòng chống dịch.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sang-tao-de-dua-hang-hoa-thiet-yeu-toi-nguoi-dan-trong-vung-dich-161521.html