Sáng tạo để nâng cao khả năng làm chủ khí tài
Là đơn vị bảo đảm hóa học, Tiểu đoàn Phòng hóa 38, Bộ Tham mưu Quân khu 3 được trang bị một lượng lớn khí tài, xe máy, trong đó nhiều trang bị vận hành thực tế không chỉ đòi hỏi tuân thủ quy tắc an toàn nghiêm ngặt mà còn tiêu hao nhiều nhiên liệu, tốn kém công sức bảo quản, bảo dưỡng… khó khăn trong công tác huấn luyện. Chính vì thế Tiểu đoàn đã có nhiều sáng chế, mô hình giúp cho công tác huấn luyện đạt được hiệu quả cao.
Trước khi đến Tiểu đoàn Phòng hóa 38, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tham mưu Quân Khu 3 giới thiệu khá nhiều về phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện của các đơn vị trực thuộc. Trong buổi huấn luyện của Đại đội 2, chúng tôi đã được “thực mục sở thị” cán bộ đơn vị đang huấn luyện cho bộ đội thực hiện các thao tác trên mô hình xe thả khói KH1.
Xe thả khói KH1 có đặc điểm khi thực hiện nhiệm vụ trong thực tế, để vận hành được xe này yêu cầu cần có thao trường rộng lớn xa dân cư, hơn nữa thao tác vận hành khó khăn, chi phí khá cao. Xuất phát từ thực tiễn đó, Đại úy Nguyễn Văn Chung, Đại đội trưởng Đại đội tiêu tẩy 2 đã sáng chế ra mô hình xe thả khói KH1. Mô hình khắc phục được những bất cập trong huấn luyện với xe KH1, chi phí vận hành 1 giờ chỉ khoảng 10.000 đồng. Mô hình này đã đoạt giải A tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ Quân khu 3 và đoạt giải Nhì tại Hội thi cấp toàn quân.
Nói về hiệu quả của mô hình, Đại úy Nguyễn Văn Chung, Đại đội trưởng Đại đội tiêu tẩy 2, Tiểu đoàn 38, chia sẻ: “Quá trình huấn luyện xe thả khói KH1, bản thân tôi và các đồng đội nhận thấy những bất cập. Sau nhiều ngày nghiên cứu, tôi đã cải tiến mô hình xe thả khói, dựa trên cơ sở nguyên lý của xe thả khói thật để áp dụng vào huấn luyện cho bộ đội. Khi mô hình xe thả khói KH 1 được áp dụng trong huấn luyện, bộ đội đã được thực hành nhiều hơn và nắm chắc thao tác kỹ thuật, do đó khi thực hành sử dụng trên xe thật, bộ đội tự tin hơn và làm chủ được trang bị”.
Bên cạnh khí tài như xe thả khói KH1, Tiểu đoàn Phòng hóa 38 còn được biên chế nhiều phương tiện, máy móc được nhập khẩu từ nước ngoài như máy báo độc tự động GSA-12, mỗi lần máy hỏng đều phải gửi về Nhà máy X61 để sửa chữa, giá thành phụ tùng thay thế rất cao. Chính vì thế, mô hình máy báo độc tự động GSA12 đã được ra đời, và đem lại hiệu quả cao trong việc huấn luyện.
Đề cập về đột phá của đơn vị trong năm 2020 trong công tác huấn luyện, Đại úy Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phòng hóa 38, cho hay: “Để nâng cao chất lượng huấn luyện năm 2020, Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn xác định hai nội dung: Đó là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ các cấp và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng hiệu quả trong huấn luyện. Từ những sáng kiến, mô hình học cụ trực quan, sinh động, dễ thao tác, bộ đội đã nhanh chóng nắm bắt được cách thao tác vận hành và làm chủ được vũ khí trang bị cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm an toàn cho người sử dụng”. Còn chiến sĩ Nguyễn Đức Hà, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội Trinh sát Phóng xạ hóa học chia sẻ: Quá trình tham gia huấn luyện, tôi nhận thấy các đồng chí cán bộ huấn luyện luôn tận tâm trách nhiệm trong công việc, phương pháp truyền đạt các nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, giúp cho chúng tôi tiếp thu kiến thức nhanh hơn”.
Hiệu quả từ phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật kết hợp với giáo dục ý thức, trách nhiệm và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ là một trong những giải pháp hàng đầu đã và đang là nhân tố cơ bản để Tiểu đoàn Phòng hóa 38 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện trong nhiều năm qua, góp phần bảo đảm tốt công tác phòng hóa cho LLVT Quân khu 3 trong mọi tình huống.
Bài, ảnh: HỒNG KHÁNH CHI