Sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp

Sau nửa nhiệm kì thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, mang lại những kết quả thiết thực. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn bà ĐỖ THỊ LÝ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

- Thưa bà! Qua nửa đầu nhiệm kì 2016 - 2021, phong trào hoạt động của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay rõ rệt. Kết quả ấy có được là nhờ sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Hội LHPN các cấp trong thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh nhiệm kì 2016 - 2021. Đề nghị bà cho biết rõ hơn về kết quả này?

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Ban Thường vụ (BTV) Hội LHPN các cấp đã điều hành theo quy chế, hạn chế hội họp, không ngừng đổi mới lề lối, phong cách làm việc, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết nội bộ; thực hiện phân cấp, vai trò chủ động, sáng tạo của cấp huyện và cơ sở; chỉ đạo, điều hành theo hướng lựa chọn ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở; đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở, khắc phục dần tình trạng hành chính hóa trong hoạt động hội. Phát động các phong trào thi đua ngắn hạn, đồng thời tập trung vào hỗ trợ đơn vị khó ở địa bàn vùng biển, vùng sâu, vùng xa.

Hằng năm xác định chủ đề hoạt động, lựa chọn các vấn đề ưu tiên để tập trung chỉ đạo và tổ chức kí cam kết nội dung thi đua từ tỉnh đến cơ sở. Các nội dung, phần việc đăng kí thực hiện được định lượng rõ ràng: thể hiện rõ ở cách thức triển khai, dự kiến kết quả, dự kiến quy mô tác động của nội dung phần việc với phong trào và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các hoạt động do hội chủ trì đều có địa chỉ và sản phẩm cụ thể, không chung chung. Với hoạt động phối hợp thực hiện phải thể hiện rõ nét vai trò tham gia của hội. Cấp tỉnh, cấp huyện xác định nội dung, thực hiện kí cam kết trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể BTV Hội LHPN với ban thường vụ (BTV) cấp ủy cùng cấp, qua đó đã có nhiều chuyển biến về mặt nhận thức, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, quyết liệt hơn. Việc cam kết trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể BTV Hội LHPN các cấp với BTV cấp ủy cùng cấp được xác định ngoài các nội dung nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đã cam kết tập trung vào các nhóm vấn đề: công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh... Bên cạnh đó, hội cũng mở rộng việc kí kết các chương trình phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, tổ chức. Thông qua hoạt động phối hợp đã giúp các cấp hội có thêm nguồn lực về kinh phí, cơ chế… trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội.

- Nửa nhiệm kì qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, từ đó đã xây dựng được rất nhiều mô hình ý nghĩa. Đó là những mô hình gì, thưa bà?

- Nhiệm kì 2016 - 2021, các cấp hội phụ nữ hướng mạnh đến việc “làm theo”, hướng đến sự thay đổi trong hành động, trong đó đội ngũ cán bộ hội chuyên trách phải gương mẫu đi đầu nhằm nhân lên những hành động đẹp, gương người tốt, việc tốt, xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện.

 Tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương giúp chị em kết nối thị trường tiêu thụ. Ảnh: L.T

Tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương giúp chị em kết nối thị trường tiêu thụ. Ảnh: L.T

Hội đã chủ động gắn cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lấy việc học tập và làm theo Bác làm tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc vận động. Tiêu chí đặt ra cho mỗi cán bộ chuyên trách tỉnh, huyện và cơ sở lựa chọn ít nhất một hành động cụ thể về “làm theo” Bác, cải tiến lề lối tác phong công tác, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, được thực hiện như: “Người cán bộ đảm đang”, “Cải tiến lối làm việc”, “Làm tốt từ những việc nhỏ nhất”, “Tính kế hoạch trong mỗi hoạt động”... Đối với phụ nữ, vận động chị em rèn luyện phẩm chất đạo đức, duy trì các mô hình thiện nguyện tại cộng đồng như: “Bát cháo yêu thương” và “Sữa đậu nành” cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện; “hũ gạo tình thương”, nhân rộng mô hình CLB “Thu gom ve chai hướng tới phụ nữ và trẻ em nghèo”, phong trào nuôi heo đất tiết kiệm để mua thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; vận động phụ nữ sản xuất, chế biến, tiêu dùng sạch, an toàn vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. Từ các phong trào tiết kiệm, chị em phụ nữ đã quyên góp được trên 1,2 tỉ đồng, các cấp hội đã trích 786,5 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo. Ngoài tiền mặt, hội viên cũng quyên góp 5.1694 kg gạo và 360 ngày công để giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Nhân rộng mô hình “Tiết kiệm mua thẻ BHYT cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn” tại 124 cơ sở hội với số tiền tiết kiệm 1,26 tỉ đồng để mua 1.830 thẻ bảo hiểm y tế tặng cho phụ nữ khó khăn.

Điểm mới trong chỉ đạo triển khai lồng ghép cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW là Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện và cơ sở, tạo sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của từng địa phương, khắc phục tính hình thức trong phương thức triển khai, đăng kí thực hiện, hướng đến tính thực chất, lấy sản phẩm, kết quả đầu ra làm thước đo đánh giá chất lượng của các hoạt động; các mô hình, hoạt động các cấp hội thực hiện có tính bền vững và hướng tới hỗ trợ phụ nữ phát triển về mọi mặt.

- Một nhiệm vụ mới được xây dựng trong nhiệm kì này nhưng lại tạo được hiệu ứng lan tỏa trong các cấp hội phụ nữ đó là vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đề nghị bà cho biết những kết quả đạt được của nhiệm vụ trọng tâm này?

- Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ có mối quan hệ tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ khác của nghị quyết nên khi triển khai nhiệm vụ đòi hỏi các cấp hội phải đổi mới, sáng tạo để theo kịp xu hướng phát triển chung và bám sát định hướng phát triển nền kinh tế của tỉnh; chú trọng “vận động” trước khi “hỗ trợ” và tập trung khai thác các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, đây là điểm mới của nhiệm kì này nên công tác truyền thông nâng cao nhận thức được đặc biệt chú trong. Ngay từ đầu, các cấp hội đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp, đến nay đã tổ chức 25 lớp tập huấn, truyền thông, nói chuyện về xây dựng ý tưởng và lập kế hoạch kinh doanh, lập kế hoạch kinh tế hộ, kĩ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, kĩ năng chuẩn bị kinh doanh, kĩ năng mềm và sử dụng các kênh kĩ thuật số (digital), khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0... cho 932 cán bộ, hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, ý tưởng khởi nghiệp, nữ doanh nhân, thành viên tổ hợp tác... Bên cạnh đó, hội đã tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ 443 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với các hình thức như: đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất tư vấn xây dựng thương hiệu... góp phần giúp chị em nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô thị trường.

Nhằm tìm kiếm, phát hiện và hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Plan phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, các sáng kiến cộng đồng về phát triển kinh tế hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp tham gia cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Bộ Khoa học Công nghệ (VCIC) tổ chức. Kết quả đã có 3/7 ý tưởng của phụ nữ tỉnh tham gia được lựa chọn để tham dự các khóa đào tạo tiền ươm tạo do Trung ương Hội LHPN và VCIC tổ chức, trong đó có 2 ý tưởng được lựa chọn, trao giải và hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng trong số 751 dự án tham gia cuộc thi. Các cấp hội đã nhân rộng 725 mô hình phát triển kinh tế giỏi; nâng tổng số toàn tỉnh đến nay lên 2.053 mô hình, thu nhập bình quân mỗi mô hình trên 100 triệu đồng/năm. Đã thành lập 113 mô hình kinh tế tập thể với 1.817 thành viên tham gia; trong đó có 108 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã với 79 thành viên (đạt chỉ tiêu cả nhiệm kì đề ra).

Tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã do hội đầu tư, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: Tổ chức 3 hội nghị kết nối cung cầu cấp tỉnh; vận động hội viên phụ nữ tham gia các hội chợ trong tỉnh, khu vực; kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong giao thương, giới thiệu sản phẩm, tạo mối liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa phụ nữ các tỉnh của 3 nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây; tổ chức định kì các hội chợ quê, hội chợ xuân, xây dựng facebook thực phẩm Quảng Trị, các chuỗi gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương của các tổ hợp tác, mô hình phát triển kinh tế do Hội phụ nữ quản lí tại tỉnh. Khuyến khích hội viên phụ nữ xây dựng các ý tưởng sáng tạo, phát huy nội lực để khởi sự khởi nghiệp, hỗ trợ giúp cho hội viên phụ nữ hiện thực hóa các ý tưởng khởi sự khởi nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả. Tăng cường kết nối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho các gia trại, trang trại, tổ hợp tác; chủ động đề xuất với tỉnh tham gia chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh; đặc biệt đã tạo được kênh giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương.

- Xin cảm ơn bà!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=140678