Sáng tạo nâng cao giá trị sản xuất
Trong cuộc sống, người lao động luôn là lực lượng chủ lực tạo ra những giá trị sản phẩm cho xã hội. Và ngày càng xuất hiện nhiều nông dân, công nhân lao động sáng tạo trong sản xuất. Họ không những nỗ lực, chăm chỉ mà còn không ngừng sáng tạo, tìm ra giải pháp thông minh để nâng cao năng suất sản phẩm, chất lượng lao động, qua đó làm giàu cho bản thân và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Xuất phát điểm là lao động phổ thông, nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, anh Hứa Văn Hùng làm việc tại bộ phận lắp ráp của Công ty TNHH Jason Furniture Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Xoài III (TP. Đồng Xoài) đã đưa ra sáng kiến nhằm tối ưu hóa kệ đựng linh kiện di động, qua đó tiết giảm được hơn 30% thời gian, giúp nâng cao năng suất lao động. Nhờ cải tiến cách sắp xếp dây chuyền và bảo đảm an toàn lao động đã giúp anh được cân nhắc, bổ nhiệm làm quản lý bộ phận sau 3 năm gắn bó với công ty.
“Tôi làm việc ở đây đã được thời gian dài nên hiểu rõ các vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng. Vì vậy, tôi suy nghĩ làm sao để tối ưu năng lực sản xuất, tiết giảm thời gian. Khi tôi đề xuất giải pháp, sáng kiến, công ty đã cân nhắc và áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, công ty còn khen thưởng xứng đáng. Điều đó làm tôi rất tự hào. Tôi sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực để có nhiều sáng kiến hay hơn nữa, làm lợi cho công ty” - anh Hùng chia sẻ.
Chị Lê Thị Nga, quản lý bộ phận sản xuất Công ty TNHH Jason Furniture Việt Nam cho biết: “Không chỉ lao động chân tay, nhiều công nhân của nhà máy đã chủ động đề xuất sáng kiến. Khi sáng kiến được công nhận và áp dụng vào thực tiễn không những được công ty khen thưởng mà còn tạo điều kiện qua công ty mẹ ở nước ngoài học hỏi, làm việc”.
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong nông nghiệp, những nông dân ham học hỏi, ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật cũng tạo nên nhiều sản phẩm giá trị. Ông Nguyễn Bá Chiêu, nông dân trồng dưa lưới tại xã Lộc Phú là điển hình sản xuất thành công ở huyện Lộc Ninh.
Qua tìm hiểu nhiều mô hình, ông Chiêu chọn 2 giống dưa lưới Hoàng Long và Huỳnh Long để canh tác. Đồng thời, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi khoa học - công nghệ, cải tiến hệ thống tưới nhỏ giọt để áp dụng vào vườn cây nhằm giảm chi phí, tăng năng suất. Hiện ông đang mở rộng quy mô 10 nhà lồng trồng dưa lưới. Mỗi vụ, ông thu từ 150-200 triệu đồng/nhà lồng.
Ông Chiêu cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu làm thủ công. Nhưng bây giờ muốn tăng năng suất, mang lại lợi nhuận cao, nông dân phải biết vận dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất. Muốn thành công phải kiên trì, đôi khi chấp nhận cả thất bại và biết đứng dậy sau vấp ngã”.
Ông Hoàng Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: Ông Chiêu không những ham học hỏi mà còn đang xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng. Hội cũng chú trọng vận động nông dân học hỏi nâng cao kiến thức, đặc biệt đưa những kiến thức như thương mại điện tử, sản phẩm công nghệ… để nông dân nắm bắt, áp dụng vào sản xuất nhằm tiết kiệm thời gian, mang lại giá trị cao nhất.
Từ đội ngũ công nhân sáng tạo trong nhà máy đến những nông dân cần cù, ham học hỏi… ở bất kỳ môi trường nào, họ luôn không ngừng nỗ lực sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/166686/sang-tao-nang-cao-gia-tri-san-xuat