SÁNG TẠO NHƯNG ĐỪNG LAI CĂNG, MẤT GỐC

Phim 'Vị' của một đạo diễn trẻ vừa bị Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định cấm phổ biến sau khi hội đồng duyệt xem xét kỹ lưỡng tác phẩm này. Với thời lượng gần 1/3 bộ phim là cảnh khỏa thân tập thể, phim này đã vi phạm Luật Điện ảnh nên buộc phải cấm chiếu tại Việt Nam.

Trước đó, tháng 4-2021, nhà sản xuất phim “Vị” đã bị thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt vì đã gửi phim tham dự Liên hoan phim Berlin tại Đức khi phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhiều nhà làm phim tư nhân biết trước tác phẩm của mình khó “lọt” cửa thẩm định nên mang đi thi... chui. Với thị hiếu và nền văn hóa khác nhau, tất nhiên có tác phẩm được giải tại LHP quốc tế và thế là họ quay về dùng giải đó gây sức ép, đòi công chiếu trong nước. Phải nói thêm rằng, đa số các giải đoạt được không phải là giải chính của LHP, phần nhiều mang tính chất động viên với những người mới tham gia. Ví như bóng đá có giải cho cầu thủ trẻ vậy.

 Một cảnh quay phim ''Ròm''. Ảnh: vietnamplus.vn.

Một cảnh quay phim ''Ròm''. Ảnh: vietnamplus.vn.

Chưa bàn tới việc các nghệ sĩ dùng nghệ thuật để tuyên ngôn gì, nhưng hệ lụy thì nhãn tiền. Nhiều người hẳn còn nhớ, những bộ phim tuy được đầu tư rất công phu như “Bụi đời Chợ Lớn” nhưng bị cấm chiếu vĩnh viễn vì vô số cảnh bạo lực; phim “Ròm” ngập tràn tệ nạn, phải chỉnh sửa mới được phép công chiếu... Trong thời đại công nghệ, mọi thứ đòi hỏi phải nhanh và tức thì, giới trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ hiện ngay trước mắt, không có thời gian cho trí tưởng tượng. Tiếp nhận những sản phẩm văn hóa đầy rẫy những đen tối, bế tắc cuộc đời, cổ xúy lối sống bản năng, bạo lực... khiến những người trẻ lớn lên có cái nhìn lệch lạc, thiên kiến về cuộc sống, méo mó về thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thế nên đã có nhiều nhóm người trẻ bắt chước phim, hành xử như giang hồ trên mạng xã hội.

Mấy năm gần đây là thời điểm nở rộ của bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Những cái mới, cái sáng tạo của nghệ sĩ được tôn trọng. Hàng loạt “hoa thơm, cỏ lạ” của làng điện ảnh liên tiếp xuất hiện khiến khán giả có nhiều cơ hội “đổi gió”. Tuy nhiên, nền văn hóa Việt Nam bên cạnh những thứ khả biến, có những thứ bất biến. Làm thế nào để sự du nhập những cái mới không phải là những cơn gió độc, đặc biệt khi nghệ thuật khó có thể đo lường một cách khách quan? Để trả lời câu hỏi trên, đơn giản là những thành quả nghệ thuật ấy phải được sản sinh bởi các chuẩn mực phổ quát. Ba tiêu chí chân-thiện-mỹ như thước đo đã được công nhận từ xưa, để người làm nghệ thuật không “đá bóng lộn sân”. Tại Việt Nam, đó còn là những tác phẩm không đi ngược với thuần phong mỹ tục, nếp sống, nếp nghĩ nhân văn của người Việt.

Trong nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, việc sáng tạo những cái mới, lạ để góp phần tạo ra sự tươi tắn, thích thú cho công chúng là điều đáng khuyến khích. Nhưng bất cứ sự sáng tạo nào cũng phải tuân thủ những nguyên tắc của nghệ thuật là hướng công chúng đến những giá trị chuẩn mực, tốt đẹp, nhân văn để qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa, môi trường đạo đức xã hội văn minh, tiến bộ. Còn sự sáng tạo nào mang tính chất sùng ngoại, lai căng, mất gốc chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng thì sự sáng tạo đó vô nghĩa, cần phải phê phán, loại bỏ.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/sang-tao-nhung-dung-lai-cang-mat-goc-665610