Sáng tạo, phong phú và có chiều sâu
Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới vùng biển, hải đảo; các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng đã thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và Nhân dân; đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ.
Lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp
Theo Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng, năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật đa dạng.
Cụ thể như tổ chức phổ biến tập trung, trực tiếp nói chuyện pháp luật, tư vấn hướng dẫn, tìm hiểu pháp luật; cung cấp các thông tin, tài liệu tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống thông tin nội bộ, bảng, biển, biểu ngữ, tranh cổ động niêm yết tại cơ quan, đơn vị; phát loa, mở băng tuyên truyền; tủ sách pháp luật, túi sách pháp luật, tờ rơi, tờ gấp pháp luật, bảng tin, bản tin của các cơ quan, đơn vị, khu dân cư; phối hợp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, diễn đàn, tọa đàm, sân khấu hóa, ngày Pháp luật...
Trong năm 2023, các đơn vị, cơ quan đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 35.983 cuộc với 1.007.556 lượt người; tuyên truyền nhỏ lẻ cho 42.251 lượt người; tuyên truyền qua loa phóng thanh địa phương và loa biên phòng là 35.998 giờ; cấp phát 52.524 tờ rơi. Các đơn vị tuyến biển, đảo tổ chức tuyên truyền cho 31.563 lượt tàu cá, với 184.892 lượt thuyền viên không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; vận động 1.019 chủ tàu thuyền trưởng, 547 lượt ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép; cấp phát 13.096 tờ rơi, 1.792 cuốn tài liệu; tặng 19.387 lá cờ Tổ quốc, 683 ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 530 chiếc áo phao.
Tính đến hết năm 2023, các đơn vị, cơ quan bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương thành lập 1.587 tổ với 39.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên mốc biên giới; 14.822 tổ tự quản an ninh trật tự với 232.737 thành viên; 3.219 tổ tự quản tàu thuyền an toàn với 77.134 thành viên; 916 bến bãi an toàn, 54 đội sản xuất an toàn trên biển.
Nổi bật là Ban Chỉ đạo Đề án 1371 (Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027") Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị làm điểm và phối hợp với Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội tổ chức chương trình Tọa đàm "Giao lưu điểm sáng pháp luật vùng cao" tại xã Chiềng sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cuộc tọa đàm đã thu hút đông đảo Nhân dân trên địa bàn tham dự và được đông đảo khán giả truyền hình cả nước đón xem.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam". Cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong lực lượng bộ đội biên phòng mà còn thu hút mọi tầng lớp Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc tham gia. Cuộc thi đã tuyên truyền những nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Củng cố, duy trì các câu lạc bộ pháp luật
Theo thống kê của Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng, đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương củng cố, phát triển và duy trì hoạt động của trên 2.000 câu lạc bộ pháp luật và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 1.084 trung tâm tư vấn pháp luật; trên 1.100 tổ tuyên truyền pháp luật với số lượng từ 7 - 12 người; 9.828 tổ hòa giải.
Phát huy vai trò của câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, trung tâm tư vấn pháp lý, tổ tuyên truyền pháp luật; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, pháp luật các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, PBGDPL mỗi tuần từ 1 - 2 buổi vào các phiên chợ, tại các bãi ngang, bãi cá, khi ngư dân khai thác làm ăn trên biển về.
Năm 2023, lực lượng Bộ đội biên phòng đã tổ chức hàng nghìn đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở; thu hút trên 6,8 triệu lượt người nghe về chủ trương, đường lối của Đảng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, 3 văn bản với biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc... và các văn bản pháp luật mới ban hành về quốc phòng, an ninh và các vấn đề có liên quan đến đời sống xã hội; quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, âm mưu thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước của thế lực thù địch, phản động.
Các đơn vị cũng lan tỏa mô hình, cách làm hay hiệu quả như giới thiệu các văn bản pháp luật dưới hình thức đa dạng, phong phú; trình chiếu, kết hợp hình ảnh, phim tư liệu giới thiệu văn bản luật trên website, ứng dụng app, mạng xã hội; triển khai các mô hình "Tổ tư vấn tâm lý pháp lý", "Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án". Hệ thống tủ sách ngăn sách, pháp luật của các đơn vị cơ sở thường xuyên được củng cố, bổ sung với nhiều tài liệu và sách pháp luật phù hợp với từng đối tượng...
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng bộ đội biên phòng cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; gắn tuyên truyền, PBGDPL với tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua. Các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm khoa học, khả thi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền pháp luật; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các cơ quan thông tin báo chí để tuyên truyền, vận động; nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển đảo.