Sáng tạo rô-bốt giúp trẻ hứng thú trong học tập

Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non thì rô-bốt là một trong những trò chơi được các em thích thú nhất. Bằng các khối hình, chi tiết đơn giản, ngộ nghĩnh, những con số, chữ cái với đủ màu sắc đã cuốn hút trẻ. Qua đó giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung, quan sát, sáng tạo thích thú trong học tập. Mới đây, Trường mầm non Hoa Phượng, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài đã nghiên cứu thành công mô hình đồ chơi rô-bốt. Mô hình này đã đoạt giải ba tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ VI, năm 2020-2021.

Sáng tạo từ thực tiễn

Từ những vật liệu dễ tìm, dễ làm như: tấm xốp cũ, giấy báo cũ, vải nỉ… qua khối óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của 2 cô giáo Trần Thị Xuân Đào và Nguyễn Thị Muội, trong vòng 1 tuần, 1 con rô-bốt mô hình đồ chơi đã ra đời.

Không mất quá nhiều thời gian và tốn chưa đến 100 ngàn đồng mua dụng cụ, các cô giáo đã có thêm đồ dùng dạy học, học sinh có thêm đồ chơi mới. Cô Nguyễn Thị Muội, chủ nhiệm đề tài cho biết, để hoàn thành mô hình đồ chơi rô-bốt, gồm 5 công đoạn, đầu tiên là đo, cắt các khối cầu, khối trụ, các hình khối, sau đó dùng giấy nhám chà cho láng và mịn, dùng cọ quét một lớp hồ, dán kín giấy báo rồi lấy vải nỉ bọc lại. Tiếp đến, nối các bộ phận đầu, cổ, thân, tay, chân để tạo thành mô hình đồ chơi rô-bốt.

Cô giáo Nguyễn Thị Muội đưa đồ chơi robot vào giảng dạy cho các em mẫu giáo giúp các em nhận biết hình khối và chữ cái (Ảnh chụp trước 17-4-2021)

Cô giáo Nguyễn Thị Muội đưa đồ chơi robot vào giảng dạy cho các em mẫu giáo giúp các em nhận biết hình khối và chữ cái (Ảnh chụp trước 17-4-2021)

Sau khi mô hình đồ chơi rô-bốt hoàn thiện và đầy đủ bộ phận, để tạo hứng thú và kích thích trẻ, các cô đã trang trí phần đầu rô-bốt với những chi tiết rất ngộ nghĩnh và hóm hỉnh, bằng cách dùng đề-can để cắt mắt, miệng, tóc… tạo hình cho rô-bốt. Ngoài ra, còn trang trí thêm áo, mũ để rô-bốt trông thật dễ thương. “Trong quá trình làm, khó khăn nhất là làm sao để rô-bốt đi lại và mình điều khiển nó được. Từ đó, chúng tôi đã nghĩ ra cách gắn 1 đoạn dây thun dưới bàn chân rô-bốt, còn 2 tay thì cột 2 sợi dây và dùng 2 thanh tre cột với đoạn dây đó để điều khiển cánh tay của rô-bốt. Bằng sức người điều khiển thì rô-bốt đã đi lại được” - cô Muội chia sẻ.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều trường đã có các đề tài, mô hình, giải pháp đoạt giải cao bởi tính hiệu quả trong giảng dạy. Tuy nhiên, trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ VI, năm 2020-2021, tỷ lệ các sản phẩm tham gia còn thấp. Chính vì thế cần tập trung tuyên truyền, triển khai hội thi sâu rộng và toàn diện hơn.

Ths Nguyễn Thị Lan Hương,
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước

Mô hình đồ chơi rô-bốt được làm mới với nhiều màu sắc, tận dụng được các nguyên vật liệu đã qua sử dụng để làm các khối hình học cơ bản, hấp dẫn, thu hút sự yêu thích của trẻ. Với bộ đồ chơi này, trẻ sẽ được trải nghiệm, lắp ghép, tháo gỡ trên chính đồ chơi. Ngoài ra, trẻ còn được học chữ cái, làm quen với toán, được vận động tay chân, trí não, trên chính những khối hình học cơ bản của rô-bốt.

…Giúp trẻ phát triển toàn diện

Cô Trần Thị Xuân Đào, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng, đồng chủ nhiệm đề tài cho biết: “Qua mô hình đồ chơi rô-bốt này, chúng tôi áp dụng dạy trẻ mẫu giáo từ 3-6 tuổi rất nhiều nội dung, đáp ứng được mục tiêu giáo dục cần đạt và các nội dung trong chương trình giáo dục mầm non. Đó là dạy trẻ làm quen với toán, nhận biết, gọi tên khối cầu, khối vuông, khối chữ nhật, khối trụ và nhận dạng các khối hình; dạy trẻ nhận biết số đếm, số lượng, làm quen với chữ cái…”.

Các em mẫu giáo Trường mầm non Hoa Phượng được trải nghiệm với đồ chơi rô-bốt (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Các em mẫu giáo Trường mầm non Hoa Phượng được trải nghiệm với đồ chơi rô-bốt (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Mô hình đồ chơi rô-bốt không chỉ là bộ giáo cụ trực quan, sinh động phục vụ việc dạy học của giáo viên mà còn là bộ đồ chơi cho trẻ rất có ý nghĩa. Mô hình đã được áp dụng tại Trường mầm non Hoa Phượng trong năm học 2020-2021, với sự tham gia của cô và trẻ mẫu giáo. Kết quả cho thấy, trẻ rất say mê, hứng thú, chơi không biết chán, thậm chí còn tranh giành nhau chơi. Giải pháp được tập thể trường, phụ huynh đánh giá là đồ dùng sáng tạo, độ bền cao, chi phí thấp, đảm bảo an toàn khi trẻ chơi, phù hợp lứa tuổi trẻ mẫu giáo.

Cô Phan Thị Minh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng cho biết, mô hình đồ chơi rô-bốt nhỏ gọn, đơn giản nhưng đã đáp ứng được hiệu quả vui chơi, giảng dạy cho trẻ mẫu giáo, góp phần làm phong phú thêm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, thỏa mãn nhu cầu vui chơi, hứng thú của trẻ và nâng cao hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Trong thời gian tới, chúng tôi khuyến khích giáo viên tiếp tục áp dụng các mô hình như thế này vào phục vụ giảng dạy của các cô và việc học cũng như vui chơi của trẻ.

Trong năm học 2020 -2021, khi dùng đồ chơi rô-bốt để tổ chức cho trẻ lớp chồi chơi trò chơi vận động “Thi xem tổ nào nhanh”, trẻ vô cùng thích thú. Trẻ nào cũng muốn được trực tiếp chơi cùng rô-bốt. Vì vậy, giờ hoạt động sôi động hơn so với việc tổ chức theo cách không có đồ chơi rô-bốt.

Cô Phan Thị Khánh Vân,
giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài

Có thể thấy, mô hình đồ chơi rô-bốt của các cô Trường mầm non Hoa Phượng không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có giá trị cao về giáo dục. Nhờ mô hình này mà việc tổ chức trò chơi cho trẻ sinh động hơn. Đây cũng là đề tài gợi mở nhằm tuyên truyền đến cha mẹ học sinh có thể tận dụng những nguyên vật liệu không dùng làm thêm đồ chơi cho con trẻ tại nhà, hạn chế các con xem tivi, điện thoại quá nhiều khi ở nhà phòng, chống dịch Covid-19.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/129170/sang-tao-ro-bot-giup-tre-hung-thu-trong-hoc-tap