Sáng tạo trẻ - khơi dậy ngọn lửa đam mê khoa học
Xác định được vai trò và vị trí quan trọng của phong trào 'Sáng tạo trẻ', những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng chương trình hành động, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động 'Mỗi thanh niên một ý tưởng, sáng kiến sáng tạo'... Qua đó, đã xuất hiện nhiều gương thanh, thiếu niên tiên tiến với những sáng kiến hiệu quả.
Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn trao giấy chứng nhận cho nhóm tác giả đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng 2018”. Ảnh: Phượng Lệ
Mô hình “Thiết bị thí nghiệm nghiên cứu dòng điện trong chất điện phân, lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân dùng trong chương trình vật lý và hóa học phổ thông” của nhóm tác giả Phạm Tùng Lộc, Phạm Lê Anh, Nguyễn Thu Hường, Phạm Khánh Trang, Bùi Đình Nguyên (Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh), đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng 2018” cấp tỉnh, giải 3 cuộc thi cấp Trung ương là một điển hình. Đây là mô hình nhằm khắc phục quan niệm sai lầm: Lực từ không tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân và khắc phục những hạn chế của thiết bị thí nghiệm cũ đồng thời nghiên cứu, chế tạo mới thiết bị thí nghiệm chưa có, từ đó chế tạo mới một thiết bị thí nghiệm vừa cho phép nghiên cứu dòng điện trong chất điện phân, vừa cho phép nghiên cứu lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân để sử dụng trong việc học tập các kiến thức vật lý và hóa học phổ thông. Thiết bị thí nghiệm chế tạo mới cho phép tiến hành 11 thí nghiệm, cụ thể như: Thí nghiệm 1 chứng minh nước nguyên chất không dẫn điện; thí nghiệm 2 chứng minh dung dịch muối, axit, bazơ dẫn điện; thí nghiệm 3 chứng minh hiện tượng dương cực tan xảy ra... Thiết bị thí nghiệm chế tạo có giá thành rẻ hơn, độ bền như thiết bị thí nghiệm hiện có ở trường phổ thông nhưng số thí nghiệm có thể tiến hành với thiết bị thí nghiệm là nhiều hơn (11 thí nghiệm). Việc cho phép tiến hành nhiều thí nghiệm của thiết bị thí nghiệm đã chế tạo có thể giúp học sinh nghiên cứu được nhiều kiến thức vật lý và hóa học, được đào sâu, mở rộng các kiến thức; đồng thời có thể sử dụng cho sinh viên các trường kỹ thuật, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học năm thứ 2 để tiến hành thí nghiệm về định luật Faraday (thuộc tín chỉ thí nghiệm vật lý đại cương). Đặc biệt, có thể đưa vào đổi mới các chương trình trong sách giáo khoa vật lý THPT.
Là gương thanh niên Lê Canh Linh, Phòng Hậu cần (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) với sản phẩm “Bếp đun củi cơ động”. Đây là sản phẩm được nghiên cứu, cải tiến từ các loại bếp đun củi, bếp than, bếp trấu, bếp Hoàng Cầm, có thể mang vác nhẹ nhàng, sử dụng được trong mọi địa hình, thời tiết và khí hậu. Cán bộ, chiến sĩ sau khi được huấn luyện đều thực hành đun nấu dễ dàng, bảo đảm nấu ăn cho tổ đội dưới 10 người, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của Bộ đội Biên phòng. Bếp được thiết kế theo hình hộp, có thể tháo rời từng bộ phận, có ống hút gió để lửa cháy nhanh, tiết kiệm chất đốt, có túi đựng bếp mang vác khi hành quân. Chi phí giá thành sản xuất bếp thấp, tiết kiệm được chất đốt. Hiệu quả ứng dụng về môi trường, xã hội và quốc phòng là bếp đun củi cơ động có tính năng an toàn cao, không có nguy cơ cháy lan; than – tro được gom xử lý tập trung, giảm khói bụi; dễ ngụy trang, cơ động trong huấn luyện, chiến đấu.
Có thể khẳng định, phong trào “Sáng tạo trẻ” đã được các cấp bộ đoàn tổ chức triển khai có hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng và đạt được nhiều kết quả nhất định. Thông qua phong trào đã khuyến khích đoàn viên, thanh niên phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong học tập, công tác, lao động, sản xuất - kinh doanh. Từ năm 2018 đến 30-6-2019, toàn tỉnh đã có 5.919 ý tưởng, sáng kiến, giải pháp của đoàn viên, thanh niên. Trong đó có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp được Hội đồng khoa học tỉnh, hội đồng khoa học cấp ngành, đơn vị đánh giá cao. Nhiều ý tưởng, sáng kiến được ứng dụng thực tế trong giảng dạy, học tập, lao động, sản xuất làm lợi cho địa phương, đơn vị, trong đó có 35 mô hình, giải pháp được chọn cử tham gia hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” cấp tỉnh và toàn quốc (đạt 1 giải nhì, 12 giải khuyến khích); 75 mô hình sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tham dự cuộc thi cấp Trung ương (đạt 1 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích); 2 công trình, mô hình được tuyên dương giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc”...
Tuy vậy, các công trình, mô hình sáng tạo còn hạn chế về số lượng, chưa đầu tư nhiều cho các lĩnh vực mới, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tuổi trẻ toàn tỉnh. Để phong trào “Sáng tạo trẻ” phát triển sâu rộng và mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật... Thông qua các phong trào này, ngày càng khẳng định vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng quê hương giàu mạnh.