Sáng tạo trong đổi mới của ngành Giáo dục Bắc Giang
Những sáng tạo, cách làm hay tạo đà đưa Bắc Giang bứt phá vào nhóm giáo dục tiên tiến dẫn đầu cả nước.
Chặng đường 10 năm thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện với ngành GDĐT Bắc Giang là những thay đổi rõ rệt cả về tư duy và kết quả giáo dục. Trong đó có những sáng tạo, cách làm hay để tạo đà đưa Bắc Giang bứt phá vào nhóm giáo dục tiên tiến dẫn đầu cả nước.
Giáo dục với diện mạo mới
Bắc Giang là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, song người dân Bắc Giang có truyền thống hiếu học, trọng đạo. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển GDĐT, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã nghiêm túc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Sự nghiệp GDĐT tỉnh Bắc Giang phát triển vững chắc, chất lượng và hiệu quả giáo dục được duy trì, ổn định và từng bước được nâng lên, vị thế của giáo dục Bắc Giang ngày càng được khẳng định so với cả nước. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, GDĐT Bắc Giang đã có những bước phát triển mới và những thành tựu nổi bật.
Đơn cử, quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học trên địa bàn phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn tỉnh có 760 cơ sở giáo dục (CSGD) , 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, tăng cường về cả số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa.
Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sự nghiệp GDĐT. Trong đó, tích cực xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT, xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tỷ lệ kiên cố hóa toàn tỉnh Bắc Giang đạt 93,8%. Toàn tỉnh có 710 trường chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 94,5%), 155 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 20,6%); thông qua các chương trình, đề án và các nguồn xã hội hóa, toàn tỉnh đã huy động 2.320.883 (triệu đồng) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.
Theo ông Tạ Việt Hùng, một trong những khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là việc dạy học đối với bậc học GDMN, mà khó khăn nhất là phòng học. Khi đó, trong tổng số 3307 phòng học chỉ có 1948 phòng học kiên cố chiếm 57,2%. Tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 870 (ngày 31/12/2014) quy định mức hỗ trợ xây dựng trường mầm non trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Bắc Giang ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình trường mầm non, trong đó có trường tư thục.
Đến năm 2023 trong tổng số 4101 phòng học mầm non đã có 3742 phòng học kiên cố chiếm 91,2% (tăng 23.6%), có 20 trường mầm non tư thục và 621 nhóm trẻ độc lập tư thục do vậy đã giải quyết được chỗ học cho 10.773 trẻ nhà trẻ và 6.334 trẻ mẫu giáo ra lớp.
Chủ động trong đổi mới và sáng tạo
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đã có gần 3 năm học bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Ngành GDĐT Bắc Giang đã đi đầu chủ động, sáng tạo và linh hoạt ứng phó dịch bệnh một cách hiệu quả, có nhiều kết quả đánh giá ngoài về chất lượng giáo dục được nâng lên như cùng trong năm 2022 bị ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh, nhưng kết quả tốt nghiệp THPT có điểm bình quân đứng thứ 11 toàn quốc, số lượng đạt giải HS giỏi văn hóa quốc gia đạt 66 giải (cao nhất từ khi tái thành lập tỉnh, đứng thứ 8 toàn quốc).
Năm 2023, Bắc Giang có 59/89 thí sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải. Trong đó có 4 giải Nhất, 14 giải Nhì, 16 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.Bắc Giang tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chất lượng giải.
Để có được kết quả đó là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp Ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành với những sáng tạo, cách làm hay được Bộ GDĐT đánh giá cao.
Đơn cử, Bắc Giang đi đầu trong toàn quốc về giao chủ động thực hiện chương trình GDPT cho các CSGD một cách mạnh mẽ từ năm 2014 (Sở GDĐT ban hành Khung chương trình, các CSGD căn cứ Khung chương trình đó để chia nhỏ kế hoạch đến từng giờ dạy cho phù hợp với năng lực HS và với điều kiện của nhà trường). Phải đến năm 2017, Bộ GDĐT mới chính thức hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai nội dung như trên.
Từ năm 2014, tỉnh Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công mô hình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Từ kết quả đó Bộ GDĐT đã nhân rộng mô hình này ra các trường phổ thông trong cả nước. Một số trường TH, THCS trong tỉnh Bắc Giang tổ chức sinh hoạt chuyên môn đa quốc gia, qua đó đã nâng tầm kiến thức và năng lực giảng dạy cho giáo viên.
Tiếp đó, Bắc Giang xây dựng hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến chuẩn hóa phục vụ đổi mới hoạt động dạy và học. Đồng thời, đổi mới xây dựng công cụ chuyển đổi số toàn diện công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông; xây dựng phần mềm trường học số (thư viện học liệu điện tử toàn ngành, hỗ trợ các trường chuyển đổi số), dự kiến hệ thống sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trong quý I năm 2023.
Bắc Giang triển khai hiệu quả phần mềm học liệu “baitap12bg” dành riêng cho học sinh tiểu học tỉnh Bắc Giang. CBQL phê duyệt kế hoạch bài dạy của GV qua mạng, GV được sử dụng kế hoạch bài dạy trực tuyến; nhà trường sử dụng học bạ, sổ liên lạc điện tử quản lý HS. Trong năm học 2020-2021 phối hợp với Microsoft Việt Nam đã cung cấp cho GV và HS hơn 500 ngàn tài khoản miễn phí để triển khai các hoạt động giáo dục, dạy học trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams một cách hiệu quả và an toàn.
Với số lượng tài khoản đó, trong năm học 2021-2022, ngành giáo dục Bắc Giang đi đầu trong cả nước và được Bộ GDĐT nêu điển hình về việc linh hoạt trong tổ chức dạy học khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngành GDĐT Bắc Giang đã yêu cầu các CSGD trang bị mỗi khối lớp 1 phòng dạy học có thể đảm bảo tốt vừa dạy trực tiếp và vừa dạy trực tuyến để triển khai đồng thời 3 phương án dạy học (phương án 1 là tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt; Phương án 2 tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi có đa số học sinh ở vùng an toàn đi học trực tiếp và một bộ phận học sinh ở vùng dịch Covid-19 có nguy cơ cao không thể đến trường học. Phương án 3 tổ chức dạy học trực tuyến khi HS phải nghỉ học ở trường vì Covid-19).
Mô hình dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến của tỉnh Bắc Giang được Bộ GDĐT đánh giá rất cao và triển khai nhân rộng tới các tỉnh, thành phố khác.
Điểm nổi bật của đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang cũng cho biết, UBND tỉnh đã ban hành các đề án phát triển trường THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2025. Bên cạnh đó là đề án nâng cao chất lượng bồi dưỡng HS giỏi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó tiếp tục thực hiện tốt công tác đầu tư, ban hành cơ chế chính sách, bồi dưỡng đội ngũ GV, phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu, đảm bảo nâng cao chất lượng học sinh giỏi, nâng cao tính liên thông và phát triển bền vững giáo dục Bắc Giang.
Tới đây, Bắc Giang sẽ đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Bắc Giang về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó sẽ nêu bật những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Qua đó đồng bộ giải pháp tiếp tục phát triển sự nghiệp GD&ĐT.