Sáng tạo xuất sắc của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trong tổ chức hệ thống binh trạm
Hơn 80 năm tuổi Đảng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông đã có công rất lớn đối với tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn và có thời gian giữ cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn dài nhất, trong thời kỳ ác liệt nhất, mang tính quyết định nhất. Gần 10 năm chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn là quãng thời gian thể hiện đậm nét bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược quân sự xuất sắc của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ông là người đã đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn, cùng hàng trăm nghìn chiến sĩ Trường Sơn tạo nên trận đồ bát quái, cơ động; là “kiến trúc sư” của hệ thống binh trạm trên đường Trường Sơn nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp; đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đầu năm 1967, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến Nam Quân khu 4 được chỉ định kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh 559 bảo đảm tăng cường công tác chỉ huy vận tải chiến lược. Lúc bấy giờ, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường. Trong khi đó, tại Trường Sơn, việc chi viện chiến trường miền Nam còn rất khó khăn vì địa bàn tác chiến quá dài và rộng, lực lượng mỏng, khí hậu khắc nghiệt, địch thường xuyên rải thảm bom. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã tổ chức khảo sát tình hình cầu đường, hoạt động của các lực lượng trên toàn tuyến, trước hết là các binh trạm từ Đường số 9 trở ra. Sau khảo sát, ông đã đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh; đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Theo sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, mặt trận Trường Sơn được tổ chức thành các binh trạm và được tổ chức như một đơn vị binh chủng hợp thành; có căn cứ bảo đảm hậu cần; lực lượng giao liên, vận tải, bệnh xá, trạm sửa chữa xe ô tô, kho tàng, lực lượng công binh bảo đảm giao thông; lực lượng pháo cao xạ để sẵn sàng đánh địch; biết nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào đặc điểm chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược, khắc phục cách làm cũ chỉ biết vận tải đơn thuần.
Từ hoạt động thực tiễn trên đường Trường Sơn, ngay trong mùa mưa năm 1967, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất kiện toàn và tổ chức lại 9 binh trạm. Đổi phiên hiệu các binh trạm trên trục dọc 1, 2, 3, 4, 5, 6 thành binh trạm 31, 32, 33, 34, 35, 36; Binh trạm 8 thành Binh trạm 37; Binh trạm 7 trên trục đường ngang B45 thành Binh trạm 42; Binh trạm 21 trên trục đường ngang B46 thành Binh trạm 44. Bố trí lại thế trận và phân chia mỗi binh trạm phụ trách cung đường từ 100km đến 130km; tổ chức diễn tập thực binh cấp binh trạm binh chủng hợp thành có vận tải ban ngày (năm 1967). Từ thành công của hệ thống binh trạm trong diễn tập, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị các binh trạm tổ chức ngay đợt đột kích vận chuyển, thu được thắng lợi bước đầu; chỉ thị các binh trạm hoàn thiện và điều chỉnh hệ thống kho tàng theo quy hoạch, bảo đảm bí mật; mở hệ thống đường cho các đội hình xe tiếp cận vận chuyển với yêu cầu mỗi đại đội có một đường riêng để tập kết đội hình; mở đường vòng tránh trọng điểm; thiết lập sở chỉ huy tiền phương binh trạm ở trọng điểm chủ yếu; chỉ đạo xây dựng Binh trạm 32 thành mô hình chỉ huy vận tải đội hình tiểu đoàn tập trung, thực hiện chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn... Đến năm 1970, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh 559 đã lãnh đạo phát triển hoàn thiện hệ thống binh trạm trên đường Trường Sơn. Trong số 25 binh trạm (9, 14, 15, 16, 27, 28, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 41, 42, 44, 46, 47, 50, 51, 52, 53) thuộc Bộ tư lệnh có 20 tiểu đoàn vận tải ô tô, 28 tiểu đoàn pháo phòng không, 38 tiểu đoàn công binh, 4 tiểu đoàn thuyền máy, 8 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn đường ống xăng dầu, 11 tiểu đoàn giao liên, tiểu đoàn sản xuất, 19 đội điều trị, xưởng đại tu ô tô, 5 xưởng trung tu ô tô, trường đào tạo quân y, 69 đại đội độc lập cơ động thuộc các binh chủng. Việc tổ chức xây dựng và phát triển hệ thống binh trạm trên đường Trường Sơn trong giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” đã đánh dấu bước trưởng thành lớn của Bộ đội Trường Sơn, phù hợp với xu thế phát triển của cục diện chiến trường và chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị. Hệ thống binh trạm này vừa có khả năng bảo đảm vận chuyển chiến lược, chiến dịch quy mô lớn, có đủ sức mạnh phục vụ và tham gia các kế hoạch tác chiến chiến lược, tự đánh địch bảo vệ vận chuyển, sẵn sàng làm đội dự bị tăng cường cho các hướng chiến dịch khi thời cơ quyết định. Nhờ hệ thống binh trạm này mà Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972... đã giành được thắng lợi to lớn. Việc xây dựng, phát triển hệ thống binh trạm trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã thể hiện không chỉ tầm nhìn mà còn thể hiện sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây cũng chính là kinh nghiệm quý báu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Binh đoàn 12 là đơn vị kế tục truyền thống của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn luôn phát huy truyền thống anh hùng của Bộ đội Trường Sơn; noi gương đạo đức cách mạng và phẩm chất của cố Trung tướng-Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Sau khi đất nước thống nhất, Bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng. Tháng 10-1977, Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh. Năm 1989, Binh đoàn có thêm tên doanh nghiệp là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Năm 2022, Binh đoàn được Bộ Quốc phòng tái thành lập 3 lữ đoàn dự bị động viên, được Chính phủ công nhận công ty mẹ Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng, chức năng, nhiệm vụ; là cơ sở để Binh đoàn ổn định lâu dài, phát triển vững chắc thời gian tới. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Binh đoàn không ngừng phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, từng bước hội nhập, phát triển, trở thành một doanh nghiệp Quân đội có uy tín trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi; khẳng định được vị thế, uy tín, thương hiệu Trường Sơn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Từ năm 2020 đến nay, Binh đoàn đã tham gia và triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Ialy mở rộng; xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sân bay Phan Thiết và nhiều gói thầu cao tốc Bắc-Nam... Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động của Binh đoàn đều mang trong mình phẩm chất cao quý, tinh thần tự lực tự cường; có trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn, sẵn sàng vượt qua khó khăn để xây dựng Binh đoàn ngày càng phát triển.
Đại tá, TS NGUYỄN HỮU NGỌC, Tư lệnh Binh đoàn 12