Sang Tây, thấy gì để học…

Tôi may mắn nhiều lần được đi học tập, công tác, nghiên cứu khoa học tại một số nước khắp 5 châu lục trên thế giới. Mỗi lần đi, đều để lại những bài học, kinh nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ, đều có thể áp dụng vào thực tiễn công việc hằng ngày, cũng như sự đổi thay trong cuộc sống, dù chỉ là những điều rất nhỏ. Chuyến đi Canada hồi tháng 7-2019 cũng không là ngoại lệ…

Một góc thành phố Toronto.

Một góc thành phố Toronto.

1. Chúng tôi đến Toronto - thành phố đông dân nhất đất nước rộng lớn Canada thuộc bang Ontario, nơi có thác nước Niagara đẹp hàng đầu thế giới, khi đã gần 7 giờ tối. Sau hành trình bay và đợi chờ quá cảnh (ở sân bay Quảng Châu, Trung Quốc) dài dặc, mỏi mệt gần 20 tiếng đồng hồ, những tưởng sẽ rất uể oải. Nhưng cũng như những lần bay dài tới Angola, Mỹ, New Zealand, hay tầm trung tới Đức, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, thậm chí là gần gụi như Lào, Singapore…, sự háo hức, tò mò với những cảm nhận đầu tiên về vùng đất mới luôn khiến tôi tỉnh như sáo. Lên xe là ngó nghiêng những con đường, ruộng đồng, cỏ cây, phố xá, con người.

Càng vào gần trung tâm thành phố Toronto sôi động bậc nhất Canada, đường giao thông càng nhộn nhịp, tầng nấc, chật chội hơn. Nhưng tuyệt nhiên không thấy sự lộn xộn, không thấy kiểu tham gia giao thông "điền vào chỗ trống” nhanh nhảu, láu cá, ích kỷ, vi phạm pháp luật như ở nước mình. Điều đó cũng không có gì là lạ, chả phải vì bệnh "sính ngoại”, bởi ngay như ở Thủ đô Vientiane, hay cố đô Luang Prabang của nước bạn Lào tôi từng đến thôi, cũng thấy rõ ràng là người dân hiếm khi bóp còi ô tô, xe máy trên đường. Và hiếm là, tôi chưa một lần nhìn thấy ai vượt đèn đỏ, dù giữa khi trưa vắng vẻ, hay buổi tối quạnh hiu không một bóng cảnh sát giao thông.

Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, cảnh sát giao thông ở Toronto nói riêng, Canada nói chung không đứng ngoài đường điều hành, xử phạt những người vi phạm pháp luật giao thông. Bác tài xế người Việt Nam tôi vội chưa kịp ghi tên nói rằng, ở Toronto cũng xảy ra tình trạng tắc đường thường xuyên, nhưng cảnh sát giao thông chỉ xuất hiện khi xảy ra tai nạn. Trên các tuyến đường đều có gắn camera và cảnh sát đều biết hết. Điều quan trọng, nếu người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông sẽ bị phạt rất nặng, với mức 200 đô-la Canada và bị trừ 3 trong tổng số 8 điểm tối đa khi được cấp bằng lái xe để hành nghề. Nếu bị trừ hết số điểm được cấp, người vi phạm sẽ phải thuê luật sư rất tốn tiền, thậm chí sẽ bị mất việc vì không được cấp lại bằng lái xe.

2. Hôm chúng tôi xuống Montreal - thành phố đông dân thứ hai Canada, thủ phủ tỉnh bang Quebec, lái xe đón chúng tôi từ sân bay cũng là một người Việt. Lần này thì tôi đã không vô tâm quên việc hỏi tên bác tài như ở Toronto. Vẫn những con đường cao tốc phẳng lỳ. Vẫn mênh mông đất đai ngút ngàn, cây cối tốt tươi… Nhưng ở Montreal không có nhà chọc trời giống như ở Toronto. Bác tài Andres Nguyễn (tên thuần Việt là Nguyễn Nam) lý giải rằng, ở Montreal có tòa nhà chữ thập ở giữa trung tâm thành phố, đêm có đèn quay trên nóc tòa nhà như ngọn hải đăng báo hiệu tàu thuyền và cả máy bay biết được phương hướng, địa điểm để đi, để đến... Mặt khác, Montreal là hòn đảo, cấu tạo địa chất không thể vững chắc như đất liền nên khó xây nhà cao tầng chắc chắn.

Nhưng có một điều cũng giống như ở Toronto, thậm chí nghiêm khắc hơn theo cảm nhận của tôi, đó là việc tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. "Nếu lái xe quá tốc độ sẽ bị xử lý, uống rượu rồi lái xe gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự, bất kể là ai. Sau khi bị xử phạt, những lái xe vi phạm thường không có việc làm vì không ai dám nhận”, bác tài Andres Nguyễn cho biết.

3. Tất nhiên, không chỉ ở Toronto và Montreal, việc tuân thủ giao thông và xử phạt vi phạm giao thông mới được chú trọng; tại Vancouver - thành phố đáng sống nhất Canada, luôn trong tốp đầu thế giới, cũng không là ngoại lệ. Nhưng ở Vancouver, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện khác, không chỉ là việc thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông. Ông Hoàn là người gốc Hà Nội, sang Vancouver đã được gần 40 năm. Trước ông buôn bán nhỏ ở phố Tàu sôi động, sầm uất. Giờ, ở tuổi bát thập cổ lai hy, ông đến độ dưỡng già, nên nghỉ ngơi. Ông nói rằng: "Tôi sang đây đã 38 năm, chưa gặp người cảnh sát nào ngoài đường cả. Nhưng khi bị nhận thông báo phạt thì nên chấp hành, bởi không có sự nhầm lẫn nào cả. Nếu 15 ngày không nộp phạt thì sẽ bị tăng thêm tiền phạt. Cứ phạt nhiều, phạt nặng thì sẽ phải thay đổi ý thức, sẽ chừa, sẽ nghiêm hết”, ông Hoàn nói. Tất nhiên, ông Hoàn cũng than vãn rằng, "pháp luật nghiêm quá đôi khi cũng… vớ vẩn, chuyện bé xíu cũng ra tòa, ví như treo cờ cao quá mà hàng xóm có ý kiến cũng kiện ra tòa”.

Điều bất ngờ thú vị là ở Vancouver, tôi có gặp Tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên – con trai trưởng nhà văn Nam Cao, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Ông Thiên sang Vancouver từ năm 2010, vì người con duy nhất của ông sau khi du học đã ở lại làm việc, định cư tại Canada. Với kinh nghiệm, vốn sống 12 năm học tập, làm việc ở Nga, nhiều năm ở Trung Quốc và đã may mắn đến được hơn 30 nước khắp các châu lục, ông Thiên nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới nơi xứ người xa xôi. Ông Thiên cho rằng, sống ở Canada không sung sướng nhưng được cái thanh bình, nhìn chung nhiều vấn đề xã hội, môi trường tốt. Vancouver là nơi sống tốt nhất ở Canada... "Cộng đồng người Việt ở Vancouver nói riêng, Canada nói chung cũng có vấn đề này vấn đề khác, nhưng nhìn chung không có vấn đề gì lớn. Thế hệ trẻ còn làm ăn, vui chơi, thời gian đâu mà quan tâm các vấn đề khác. Điều quan trọng nhất là bà con ta hòa nhập, lĩnh hội được cuộc sống. Ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nước sở tại tốt, những nét xấu phổ biến như khi ở nhà dần biến mất”, ông Thiên nói.

Nguyễn Tri Thức

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/137323/sang-tay,-thay-gi-de-hoc.htm