Sáng thêm phẩm chất đảng viên
13 năm tuổi Đảng, đảng viên Nông Văn Thắng, Trưởng thôn Bản Xen, xã Bản Xen, huyện Mường Khương luôn tích cực chăm lo cho kinh tế gia đình, vừa nhiệt tình với công việc của thôn. 'Là đảng viên phải gương mẫu đi đầu, có như vậy người dân mới tin và nghe theo những gì mình vận động', anh Nông Văn Thắng bộc bạch.
Tôi về thôn Bản Xen một ngày cuối tháng 8 trong những ngày mưa rả rích. Con đường bê tông dẫn vào thôn thẳng tắp, hai bên cánh đồng lúa xanh mướt. Ngay đầu xóm, một ngôi nhà mới xây hai tầng khang trang, đẹp đẽ, một cán bộ xã đi cùng chỉ tay: Đó là nhà của đảng viên, Trưởng thôn Nông Văn Thắng!
Thấy có khách, người đàn ông đang chú tâm vãi ngô cho đàn vịt đứng vây xung quanh ngẩng đầu lên nói với ra: Cứ vào nhà ngồi chơi, đợi mình quải thêm ít cám cho cá, đến giờ rồi chúng đang chờ chực.
Tiếng chưa dứt nhưng đôi chân anh đã rảo nhanh vào bếp, bê ra chậu cám đi về phía ao cá. Cái ao rộng cả nghìn mét vuông, sau vài tiếng vỗ tay của anh Thắng, mặt nước xao động mạnh, đàn cá nhanh chóng quần tụ lại chỗ quen thuộc. Cánh tay anh Thắng vung đến đâu đàn cá tranh nhau đớp mồi đến đó, nước bắn tung tóe.
Khi cả khách và chủ yên vị bên ấm trà nóng, anh Thắng mới giãi bày: Sáng nào cũng vậy, nguyên cho lợn, gà, vịt, cá và đàn trâu ăn, mình mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Một mình xoay xỏa với chúng cũng khá vất vả, nhà nông mà, nếu không chăm chỉ thì không có thu nhập.
Sinh năm 1983 tại thôn Bản Xen, Nông Văn Thắng kiên định với quyết định ở lại địa phương lập nghiệp. Ngay từ khi còn trẻ, anh đã tích cực tham gia các hoạt động đoàn và các hoạt động của thôn, nên khi mới 24 tuổi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Sau khi lập gia đình (năm 2005) ra ở riêng, Nông Văn Thắng nhận thấy việc cấy lúa vừa vất vả, hiệu quả kinh tế không cao, thế là anh quyết định chuyển đổi sang đào ao nuôi cá. Ngày mới chuyển đổi, nhiều người trong thôn nghi ngờ về hiệu quả, nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn họ đã bị thuyết phục khi thấy đàn cá của gia đình anh lớn nhanh, bán được giá. “Nếu so sánh, 1 sào ruộng cấy lúa, mỗi năm tổng thu chỉ được trên dưới 3 triệu đồng, nhưng nếu chuyển sang nuôi cá, chỉ tính riêng 1 tấn cá rô phi bán đổ đã được 30 triệu đồng” - anh Thắng tâm sự.
“Thừa thắng xông lên”, anh Thắng bàn với vợ chuyển đổi nốt diện tích ruộng lúa sau nhà sang đào ao. Giờ đây, với hơn 3.000 m2 mặt nước, anh nuôi chủ yếu cá trắm, rô phi, chép, mỗi năm thu về ngót trăm triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả từ nuôi cá, nhiều hộ trong thôn cũng bắt đầu chuyển đổi diện tích ruộng lúa sang đào ao. Hiện, thôn Bản Xen có hơn 20 hộ đang theo đuổi mô hình nuôi cá thương phẩm.
Ngoài nuôi cá, gia đình anh Thắng còn nuôi gà, vịt, trâu và lợn. Thời gian gần đây do dịch bệnh nên số lượng đàn lợn giảm hẳn, còn mấy năm trước, lúc nào trong chuồng cũng có vài chục con, có thời điểm lên tới hơn 70 con. Cùng với 2 ha chuối, mỗi năm mô hình kinh tế tổng hợp này cho gia đình anh thu nhập vài trăm triệu đồng. Vợ đi công tác, nên mọi việc chăm lo, vun vén kinh tế gia đình gần như một tay anh đảm đương. Nhờ cần cù lao động, tích cóp, năm 2017, gia đình anh đã xây được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 800 triệu đồng. Anh Thắng nói rằng: Nhiều thanh niên thường chọn đi làm ăn xa, thu nhập không bền vững và chỉ mang tính thời vụ, còn mình nghĩ khác, chỉ có gây dựng kinh tế trên chính quê hương mình mới bền vững.
Tiên phong trong tìm hướng đi phát triển kinh tế gia đình, anh Thắng đã thành công. Theo anh, muốn vận động, tuyên truyền bà con nghe theo thì chính bản thân mình phải làm trước, thực tế sẽ thuyết phục hơn nghìn lần lời nói suông. Mặc dù bận rộn với công việc chăn nuôi của gia đình, nhưng khi được các đảng viên tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn, rồi bây giờ là Trưởng thôn, anh luôn nhiệt tình, trách nhiệm, cố gắng sắp xếp thời gian, chăm lo cho công việc chung của thôn.
Nhớ đợt vận động bà con hiến đất mở mới tuyến đường Na Hà Cha (đường liên thôn), đoạn qua địa phận của thôn dài hơn 500 mét, vấn đề đặt ra là làm sao để người dân tình nguyện hiến đất. Sau nhiều ngày trăn trở, anh Thắng (lúc đó là Bí thư Chi bộ) đã tổ chức họp chi bộ để các đảng viên bàn bạc, thống nhất cách làm, rồi phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Sau buổi họp thôn triển khai, anh cùng các đảng viên xuống từng nhà tuyên truyền, giải thích về chủ trương làm đường và vận động hiến đất. “Cũng có một số hộ so đo thiệt hơn trong chuyện hiến đất, tôi phải đến nhiều lần, kiên trì và kiên quyết trong vận động, thuyết phục. Cuối cùng bà con cũng nghe ra và đồng ý hiến đất, đồng thuận trong việc mở mới tuyến đường” - anh Thắng cười.
Đến nay, 100% đường liên thôn, liên gia trong thôn Bản Xen đều được đổ bê tông sạch đẹp; hộ nào cũng có nhà tiêu hợp vệ sinh, có chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Trong số 158 hộ của thôn có hơn 80 hộ thuộc diện khá, giàu; chỉ còn 6 hộ nghèo thuộc diện thiếu lao động hoặc có vấn đề về trí não.
Là đảng viên, đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ thôn từ năm 2012 đến năm 2019, rồi chuyển sang làm Trưởng thôn cho đến nay, điều anh Thắng tâm đắc nhất là khi đi vận động bất cứ công việc gì đều được người dân lắng nghe, ủng hộ, tạo thành phong trào chung của cả cộng đồng. Cá biệt, có trường hợp trong thôn có ý định cho con tảo hôn, khi anh đến vận động họ không nghe, thậm chí chửi mắng và đuổi về. Nhưng bằng sự thân tình và chân thành giải thích, cuối cùng họ nghe ra đã hoãn việc cưới cho con và thêm quý trọng anh hơn. “Trước đây, mình phấn đấu vào Đảng để cống hiến, giờ mình vui vì đã phần nào hiện thực hóa được điều đó. Người đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu, có như vậy mới được dân tin, dân quý” - đảng viên Nông Văn Thắng trải lòng.