Sao biển gai đe dọa sự tồn tại của san hô khi đại dương ấm lên
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney (Australia) phát hiện sao biển gai có thể chịu được nắng nóng. Điều này làm dấy lên quan ngại về sự tồn tại của san hô trong bối cảnh đại dương ấm lên do biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu công bố ngày 18/10 trên tạp chí Global Change Biology, các nhà sinh học biển Australia cho biết đã kiểm tra khả năng chịu nhiệt của sao biển gai - vốn là loài chuyên ăn san hô. Kết quả cho thấy sao biển non có khả năng chịu nhiệt cao đáng kể so với sao biển trưởng thành, đặc biệt có thể chịu được các điều kiện làm san hô bị tẩy trắng và chết. Các thí nghiệm cho thấy sao biển non có thể chịu được nhiệt độ cao nhất trong khoảng 34 - 36 độ C.
Nhà khoa học Maria Byrne - tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là Giáo sư sinh học biển, cho biết mô hình đo nhiệt độ theo thời gian cho thấy sao biển gai non có thể chịu được mức nhiệt cao gấp 3 lần nhiệt độ khiến san hô bị tẩy trắng. Nghiên cứu cho thấy trước khi phát triển thành sao biển trưởng thành ăn san hô, sao biển gai non có thể sống sót và chờ đợi ít nhất 6 năm để san hô phục hồi sau khi bị tẩy trắng.
Viện Hải dương học Australia coi loài sao biển gai, vốn có gai sắc và nọc độc, sinh ra ở rạn san hô Great Barrier, là nguyên nhân chính khiến san hô chết kể từ năm 1962. Các nhà khoa học thậm chí cảnh báo sao biển có thể hủy hoại 90% lượng san hô tại các rạn bị ảnh hưởng.