Sao chép bao nhiêu để luận văn không bị coi là 'đạo văn'?

Một số cơ sở đào tạo đã có quy định nếu luận văn có tỷ lệ sao chép, trùng lắp với các công trình tương tự đã công bố cao sẽ không được bảo vệ.

Ngày 28-3, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Kỹ năng nghiên cứu, phân tích, bình luận bản án trong luận văn theo định hướng ứng dụng chuyên ngành luật”.

Hội thảo với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ gần 20 cơ sở đào tạo, cơ quan chuyên ngành của TAND, VKSND, các công ty luật, văn phòng luật sư trên cả nước và các học viên cao học đang học tại trường với 35 tham luận; tập trung vào các vấn đề như phân tích, bình luận những định hướng, yêu cầu cơ bản đối với việc viết luận văn thạc sĩ chuyên ngành luật...

Hội thảo khoa học do trường Đại học Sài Gòn tổ chức. Ảnh: SONG MAI

Hội thảo khoa học do trường Đại học Sài Gòn tổ chức. Ảnh: SONG MAI

Trong tham luận về một số gợi ý trong quá trình thực hiện luận văn, đề án theo định hướng ứng dụng chuyên ngành luật trong điều kiện Việt Nam hiện nay của TS Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ Tư pháp đã lưu ý vấn đề các tác giả trong quá trình hoàn thành luận văn, đề án cần phải kiên trì, trách nhiệm nhằm rà soát lại nội dung, cách trích dẫn tài liệu, hình ảnh…

Theo TS Bình, hạn chế lớn thường gặp phải trong luận án, đề án là các số liệu, thông tin không chính xác, không phù hợp; nguyên nhân đến từ việc “cắt dán” trong quá trình thực hiện mà không kiểm tra, chỉnh sửa kịp thời. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đã quy định bắt buộc các luận văn, đề án trước khi bảo vệ phải trải qua quy trình kiểm soát để đảm bảo tính trung thực (thường gọi là quy trình thẩm định chống “đạo văn”), nếu tỷ lệ sao chép, trùng lắp với các công trình tương tự đã công bố cao sẽ không được bảo vệ.

TS. Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM phát biểu tại hội thảo. ẢNH: SONG MAI.

TS. Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM phát biểu tại hội thảo. ẢNH: SONG MAI.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thắc mắc về việc định hướng cho học viên lựa chọn bản án để làm luận án, đã có danh mục bản án theo từng chuyên ngành hình sự, tố tụng hình sự; dân sự, tố tụng dân sự hay chưa? Các quyết định của hội đồng trọng tài có coi là chất liệu để học viên khai thác hay không?

Theo TS Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM, hiện nay đã có bộ phận phân chia bản án theo từng lĩnh vực hình sự, dân sự... Đề tài của sinh viên ở lĩnh vực nào sẽ thu thập loại án lĩnh vực đó. Các bản án công bố trên hệ thống đều có hiệu lực pháp luật. Khi bản án đang có hiệu lực pháp luật có kháng nghị giám đốc thẩm, thì sẽ rút lại trên hệ thống. Bên cạnh đó, về quyết định của hội đồng trọng tài, theo ông Hải, hội đồng trọng tài cũng là một cơ quan xét xử theo luật định. Nếu sinh viên làm đề tài liên quan lĩnh vực tranh chấp về trọng tài thương mại thì vẫn sử dụng các quyết định này để đưa vào phân tích, đánh giá.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/sao-chep-bao-nhieu-de-luan-van-khong-bi-coi-la-dao-van-post726140.html