Sao chổi chiếu mệnh
Những ai không may gặp vận hạn, liền than thở 'Sao Chổi chiếu mệnh...'. Nghĩa là coi sao Chổi là sao xấu chuyên gieo tai họa. Không lý giải điều ấy có thật không bài viết chỉ xin đi tìm các lớp mã bao bọc quanh cái mã 'chổi' quen mà cũng lạ này.
Ở phương Tây, trong ngày lễ Halloween (tiếp biến sang ta mấy năm nay), trong các truyện cổ tích nói về nhân vật ác không thể thiếu hình tượng phù thủy cưỡi chổi, đầu đội chiếc mũ nhọn.
Trong bộ phim “Harry Potter” nổi tiếng mới đây thì hình ảnh phù thủy cưỡi chổi là cảnh quay công phu thú vị, tạo nhiều hiệu ứng về cảm giác. Chiếc chổi thì có tội gì đâu, nhưng vì là phương tiện cho phù thủy nên bị ghét oan. Điều này có nguyên cớ của nó, không ở cái chổi thật mà lại ở trên... giời. Trên trời có chòm sao giống hình cái chổi nên người trần gian gọi là sao Chổi!
Truyền thuyết cổ xứ Babylon có tên là “Sử thi Gilgamesh” (ra đời khoảng năm 2.600 TCN) kể về bầu trời đang yên bình bỗng sao Chổi xuất hiện gây nên những đám cháy khủng khiếp, khí quyển đầy lưu huỳnh. Rồi những trận mưa gây lụt lội kinh hoàng. Người La Mã cho rằng ngày sao Chổi xuất hiện là ngày Cesar Đại đế bị ám sát (năm 44 TCN).
Đến thế kỷ V một giáo sĩ Do Thái Moses Ben Nachman coi sao Chổi là nguyên nhân gây ra nạn Đại hồng thủy. Ở thế kỷ XII, Giáo hoàng Calixte II cho rằng sao Chổi (Halley) là công cụ của quỷ dữ, do vậy phải làm phép tẩy trừ. Chưa đủ, tại nước Anh bảo thủ, giữa thế kỷ XIV sao chổi Halley bị các giáo sĩ kết tội đã gieo rắc dịch hạch đen...
Đến tận ngày nay phương Tây vẫn bị ám ảnh bởi sao Chổi đến mức đạo diễn Steven Spielberg làm bộ phim giả tưởng (của Hollywood- 1998) có tên “Deep Impact” miêu tả nhiệm vụ hai tàu không gian Mỹ chở bom hạt nhân để phá hủy một sao Chổi đang tiếp cận trái đất. Nhân loại hú hồn vì khỏi một cơn “càn quét”!
Bộ phim ăn khách, doanh thu cao là nhờ những cảnh quay hiện đại nhưng cái chính là “đánh” đúng vào một “vô thức cộng đồng” quan niệm sao Chổi mang cái xấu đến. Nó sẽ “quét” thành quả của con người trong quỹ đạo “quét” của nó. “Chiêu” này được cho vào sách giáo khoa của môn học mới có tên “Kinh tế học văn hóa” chuyên nghiên cứu văn hóa để làm kinh tế!
Ở phương Đông, một số dân tộc Bắc Á gọi sao Chổi là “yêu nữ” (vì gần với phụ nữ) mang đến sự tàn phá, chết chóc.
Tại sao sao Chổi lại bị ghét như vậy? Lẽ đơn giản là vì nó giống cái chổi, mà cái chổi thì chỉ để “quét” cho sạch. Có thể một vài lần nào đó trong lịch sử sự xuất hiện của sao này ngẫu nhiên trùng với một đại họa nào đó dưới trần. Thế là người ta liên tưởng ngay đến đặc trưng “quét” của chổi mà gán ghép, suy diễn.
Nhưng vấn đề còn nằm trong vô thức văn hóa rất xa xưa, có từ tín ngưỡng tôn sùng tự nhiên của người phương Tây. Thoạt kỳ thủy cái chổi rất được tôn sùng vì nó được dùng để làm sạch đền thờ thiêng liêng nên được để nơi trang trọng, dễ thấy trong đền. Cái chổi dựng ngược mang hình cái cây (một biểu tượng của cây vũ trụ?!) nên được người nguyên thủy dùng trong việc tế lễ. Vào các ngày hội người ta lấy chổi thiêng trong đền dựng ngược rồi nhảy múa chung quanh. Tự nhiên cái chổi trở thành vật trung tâm, kết nối mọi người!
Kinh Tân Ước xuất hiện vào thế kỷ I SCN, trong đó đã nói đến cái chổi chủ yếu được người phụ nữ dùng để quét dọn nhà cửa, thu vén, chăm sóc gia đình. Trong từ vựng Latinh cổ cái chổi (broom) đồng nghĩa với một loài thực vật sống thành bụi (cây). Trong tiếng Anh cổ từ “besom” chỉ cái chổi.
Cả hai từ này, theo các nhà ngôn ngữ học đều gắn liền, mang tính biểu tượng cho quyền lực của người phụ nữ. Mà phù thủy thường là một bà già khó tính nên phải có cái chổi đi kèm để biểu trưng cho quyền lực mang tính tiêu cực (gắn với quan niệm về cái xấu, không hay của sao Chổi).
Tại sao phù thủy lại “cưỡi” chổi? Vì gắn với hình tượng sao Chổi trên trời luôn di chuyển. Sao Chổi di chuyển (bay) để gây tai họa thì phù thủy phải cưỡi chổi “bay” đi gây cái ác, cái không hay!
Truyền thuyết Trung Hoa kể (trong tập “Sưu thần ký”) một người lái buôn tên là Âu Minh, một lần đi thuyền qua hồ Thanh Thảo được thủy thần tặng một người hầu tên Như Nguyệt. Từ đó Âu Minh ăn nên làm ra, trở thành giàu có.
Một ngày mồng một Tết vì làm vỡ bình quý nên Như Nguyệt bị Âu Minh đánh. Cô liền chui vào đống rác góc nhà. Vợ Âu Minh vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác đổ đi. Nhà Âu Minh nghèo hẳn. Thế là thành tín ngưỡng thờ Thần Tài (Như Nguyệt) ở góc nhà, dưới đất và kiêng quét nhà vào những ngày đầu năm mới.
Cổ tích Việt Nam kể ngày xưa ở trên trời có một người đàn bà nấu ăn rất khéo chuyên việc cơm nước cho Ngọc Hoàng. Nhưng bà lại có tính hay ăn vụng. Bà lại có nhân tình là một lão chăn ngựa. Nhiều lần bà lấy trộm rượu thịt, thậm chí có lần còn đưa tình nhân vào nhà bếp chè chén.
Một lần Ngọc Hoàng mở tiệc đãi quần thần, quen mui, ông lão lẻn vào bốc trộm... Việc bại lộ, người đàn bà bị đày xuống trần gian và bị biến thành cái chổi. Câu đố có câu: “Cả nhà có bà la liếm” có lẽ gắn liền với cổ tích này. Dân gian gọi chổi là “bà” tức có ý kính trọng nhưng mang phận “la liếm” tội nghiệp! Rõ là có cái tình thương rất Việt!
Vẫn chưa hết. Ngọc Hoàng thay người nấu bếp khác nhưng thức ăn không ngon bằng người cũ nấu. Lại thấy người phạm tội vất vả quanh năm suốt tháng và có ý ăn năn hối lỗi Ngọc Hoàng bèn lệnh cho trần gian để chổi nghỉ ba ngày Tết!
Trong văn viết thì ở “Thánh Tông di thảo” (thế kỷ XV) có truyện “Ma chổi”, nhân vật chính cũng là nữ. Truyện kể anh học trò trọ học ở một làng theo lời đồn là có ma. Anh chưa biết thế nào là ma nên muốn gặp. Hằng ngày anh phải đi qua cái miếu nhỏ, trong miếu có bàn thờ và chiếc chổi.
Một hôm đang học bài anh bỗng nhìn thấy một cô gái trẻ ngoài cửa sổ. Anh chàng xao xuyến. Cô gái tinh nghịch ném vào phòng một bài thơ. Anh mời khách vào nhà. Duyên lửa đương nồng nên bén nhau là dễ hiểu.
Họ yêu nhau mê mệt nhưng dù có đang nồng nàn thì cô gái cứ đến cữ gà gáy là từ biệt với lý do sợ mọi người biết chuyện, dù người tình cố giữ. Từ đấy anh ta xao nhãng học hành, người thì xanh xao gầy gộc, tinh thần bạc nhược, yếu đuối. Thầy học điều tra biết chuyện. Cứu trò, thầy lấy một chiếc khăn đỏ, đốt hương, thổi bùa vào, rồi nói cứ thế, cứ thế...
Như mọi lần, khi cô gái chuẩn bị ra về, anh ta đem chiếc khăn ra tặng. Cô gái hoảng hốt. Giả vờ giận dỗi rồi ngon ngọt tình tứ mà dỗ dành cuối cùng người tình cũng cảm động mà nhận... Sáng hôm sau thầy trò cùng đến miếu cổ. Họ sững sờ thấy cái chổi được chiếc khăn đỏ quấn quanh. Cái chổi lập tức bị đốt. Đang đốt người ta nghe thấy tiếng người con gái kêu gào rồi khóc thảm thiết...
Từ đó không còn ai nói gặp ma nữa!
Câu chuyện cảnh tỉnh con người ta phải cảnh giác với loài yêu ma có thể biến thành thứ thân quen, gần gũi để lừa hại. Nhất là với tuổi học trò thì chỉ biết nên học, nếu mà lăng nhăng yêu đương sẽ gặp ma! Các bậc phụ huynh thời ấy chắc phải rất cảm ơn tác giả, vì đọc câu chuyện này bao chàng quý tử “nhất quỷ nhì ma” cũng phải tu chí, đang đi trọ học mà thấy con gái đẹp thì cũng phải nhắm mắt lại mà nhớ đến chữ nghĩa...
Như vậy, trong tín ngưỡng hay văn chương từ Đông sang Tây thì chổi cũng gần gũi và luôn là biểu tượng cho giới nữ. Trong ca dao Việt nó còn mang tính biểu trưng cho thân phận thấp hèn, đau khổ: “Thân em như chổi đầu hè/ Phòng khi mưa gió đi về chùi chân/ Chùi rồi lại vứt ra sân/ Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”.
Khổ thế, phận người phụ nữ trong xã hội cũ như cái chổi vậy. Nhưng lại có câu ca dao khác “phản biện” lại, chắc là đấu tranh cho sự bình quyền của người phụ nữ: “Chổi cùn cắp nách khăng khăng/ Hễ ai hỏi đến, thì văng nghìn vàng”. Rõ ràng là nâng giá trị người nữ cao lên rất nhiều.
Cái chổi ở thời hiện đại thì chỉ là... cái chổi. Hầu như nó không trở thành một nhân vật nghệ thuật. Bài hát “Bé quét nhà” của nhạc sỹ Hà Đức Hậu thật vui tươi: “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm/ Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ/ Chổi to chổi to bà quét sân kho/ Ấy còn chổi nhỏ bà để dành bé chăm lo quét nhà...” thời nay người lớn cũng ít cho trẻ em hát. Vì nếu chúng hỏi “sân kho” ở đâu thì khó trả lời, vì hình tượng ấy chỉ có ở thời hợp tác xã! Tố Hữu có bài thơ rất hay là “Tiếng chổi tre” nhưng chỉ là “tiếng” chứ không phải chổi!
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/sao-choi-chieu-menh-625819/