Sao chổi khổng lồ chuẩn bị ghé thăm Trái Đất, và đây là cách giúp bạn theo dõi hiện tượng kỳ thú

Một trong những sao chổi hoạt động xa nhất từng được phát hiện sẽ tiếp cận gần Trái Đất nhất vào ngày 14 tháng 7 sắp tới và bạn có thể xem trực tiếp hiện tượng này (nếu biết cách).

Sao chổi C/2017 K2 (PanSTARRS), được gọi tắt là K2, được Kính viễn vọng Không gian Hubble phát hiện lần đầu tiên khi nó ở vùng ngoài cùng của hệ Mặt trời vào năm 2017. Vào thời điểm đó, K2 được coi là sao chổi hoạt động xa nhất từng được phát hiện, mặc dù tới thời điểm hiện tai, nó không còn danh hiệu đó nữa do năm ngoái, các nhà khoa học đã phát hiện ra sao chổi Bernardinelli-Bernstein. Tuy nhiên, theo những quan sát và nghiên cứu mới đây, K2 sẽ tiếp cận rất gần Trái Đất, vào ngày 14 tháng 7, lúc đó sao chổi sẽ cách Trái đất khoảng 270 triệu km.

C/2017 K2 (PanSTARRS) là một sao chổi đám mây Oort với quỹ đạo hypebol hướng vào, được phát hiện vào tháng 5 năm 2017 ở khoảng cách xa hơn quỹ đạo của Sao Thổ khi nó cách Mặt trời 16 AU (2,4 tỷ km).

C/2017 K2 (PanSTARRS) là một sao chổi đám mây Oort với quỹ đạo hypebol hướng vào, được phát hiện vào tháng 5 năm 2017 ở khoảng cách xa hơn quỹ đạo của Sao Thổ khi nó cách Mặt trời 16 AU (2,4 tỷ km).

Theo đó, chúng ta có thể xem trực tuyến đường đi của sao chổi này bằng cách theo dõi webcast trực tiếp của Dự án Kính viễn vọng Ảo, bắt đầu lúc 6:15 chiều (2215 GMT) vào ngày 14 tháng 7. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có thể xem trên Space.com, cũng thông qua sự hỗ trợ của Dự án.

Trong 5 năm qua, K2 đã liên tục di chuyển về phía Trái Đất. Sao chổi này được tạo thành từ phần lớn là khí đông lạnh, đá và bụi, do đó nó sẽ hoạt động mạnh hơn khi đến gần mặt trời; hơi ấm của mặt trời làm nóng sao chổi rất nhanh, khiến băng rắn của nó chuyển trực tiếp thành khí và tạo thành những đám mây bao quanh sao chổi.

Điều thú vị là K2 đã hoạt động khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2017 giữa quỹ đạo của Sao Thổ và Sao Thiên Vương, cách mặt trời khoảng 2,4 tỷ km - xa hơn khoảng 16 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến mặt trời.

C/2017 K2 (PanSTARRS) đã ở trong chòm sao Draco từ tháng 7 năm 2007 đến tháng 8 năm 2020. Tính đến tháng 6 năm 2022, độ không chắc chắn 3-sigma trong khoảng cách hiện tại của sao chổi từ mặt trời là± 5000 km.

C/2017 K2 (PanSTARRS) đã ở trong chòm sao Draco từ tháng 7 năm 2007 đến tháng 8 năm 2020. Tính đến tháng 6 năm 2022, độ không chắc chắn 3-sigma trong khoảng cách hiện tại của sao chổi từ mặt trời là± 5000 km.

Những quan sát ban đầu cho thấy sao chổi có một hạt nhân lớn và một khối mây khí khổng lồ. Theo những quan sát và dữ liệu từ Kính viễn vọng Canada – Pháp – Hawaii (CFHT), hạt nhân của K2 có thể rộng từ 30 đến 160 km, tuy nhiên dữ liệu từ Kính viễn vọng Không gian Hubble lại cho thấy phần nhân của sao chổi "khổng lồ" này chỉ là 18 km.

Do đó, khi sao chổi này tiếp cận gần nhất với Trái Đất, nó sẽ mang lại cơ hội tốt cho các đài quan sát chuyên nghiệp đo lường xem hạt nhân thực sự lớn đến mức nào.

Khi sao chổi tiếp tục tiến về phía bên trong hệ mặt trời, nó cũng ngày càng sáng hơn. Trong lần tiếp cận gần nhất vào ngày 14/7, sao chổi dự kiến sẽ sáng hơn hiện tại rất nhiều, tuy nhiên điều đáng tiếc là nó vẫn quá mờ đối với mắt thường của con người, nên rất khó để có thể theo dõi trực tiếp bằng mắt thường. K2 sẽ ở trong tầm nhìn của kính thiên văn trong suốt mùa hè trước khi khởi hành để tiến gần nhất đến mặt trời, sẽ xảy ra vào ngày 19 tháng 12.

Sao chổi là một thiên thể bay ngoài không gian, nó gần như một tiểu hành tinh, nhưng không được cấu tạo từ đất đá mà chủ yếu là từ băng. Sở dĩ chúng có tên là sao chổi vì thường có hình thù kỳ dị, đầu nhọn, đuôi to giống một chiếc chổi quét nhà. Các nhà khoa học đã mô tả nó giống như "một quả bóng tuyết bẩn" vì nó chứa carbonic, metan, nước đóng băng lẫn với bụi và các khoáng chất. Một học thuyết nữa đặt ra đã bác bỏ thuyết gọi sao chổi là "sao" vì người ta cho rằng nó chỉ là một khối khí lạnh trong đó chứa đầy các mảnh vụn và bụi vũ trụ. Nó là "mẹ" của những vì sao băng rực sáng trên bầu trời, vì khi bị vỡ ra, nó sẽ tạo thành từng đám sao băng và bụi vũ trụ rơi vào khoảng không. Tùy thời điểm và vị trí bị vỡ của sao chổi, người ta có thể quan sát được những đám sao băng từ Trái Đất.

Nghiên cứu của Cơ quan hàng không Châu Âu (ESA) cho rằng, sao chổi bắt nguồn từ đám mây Oort bên ngoài hệ mặt trời và là ranh giới giữa hệ mặt trời với các hệ hành tinh khác. Sao chổi chứa đựng các vật chất của thời kỳ khai sinh hệ mặt trời, do vậy chúng trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học để trả lời câu hỏi về quá trình tiến hóa của hệ mặt trời cũng như các hệ hành tinh khác trong vũ trụ. Đa phần các sao chổi có quỹ đạo elip rất dẹt, phân bố ngẫu nhiên ngoài không gian. Đuôi của sao chổi có được là do khi đi qua mặt trời (quỹ đạo hình elip của sao chổi có tâm là mặt trời), băng của sao chổi tan chảy tạo thành chiếc đuôi, nhưng cũng vì những chuyến ghé thăm rất gần mặt trời đó mà đuôi của sao chổi ngày càng ngắn đi do băng bị thất thoát.

Không một hành tinh nào trong hệ mặt trời so sánh được với sao chổi về mặt thể tích. Nó gồm 3 phần: lõi chổi, sợi chổi và đuôi chổi. Lõi chổi cấu tạo bằng những hạt thể rắn đậm đặc, ánh sáng tỏa xung quanh là các sợi chổi. Lõi kết hợp với sợi tạo thành đầu chổi, còn đuôi không phải có ngay từ lúc hình thành sao chổi mà có được khi nó đi ngang qua mặt trời. Những cơn gió mặt trời đã thổi bạt các phân tử của sao chổi và tạo thành chiếc đuôi rực sáng phía sau, thậm chí có chiếc đuôi của sao chổi kéo dài hàng triệu km.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/sao-choi-khong-lo-chuan-bi-ghe-tham-trai-dat-va-day-la-cach-giup-ban-theo-doi-hien-tuong-ky-thu-7202237135829656.htm