'Sao đỏ' trên dãy Phu Xai Lai Leng
Nhiều năm nay, những cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 – Quân khu 4 đã đồng hành, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phía tây tỉnh Nghệ An thực hiện các chương trình, mô hình, dự án phát triển kinh tế, giúp hộ nghèo miền núi vươn lên thoát nghèo.
Để việc hỗ trợ đạt hiệu quả và thiết thực, đơn vị đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết chi bộ, giao nhiệm vụ đến từng đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, phụ trách các hộ gia đình trên địa bàn đóng quân. Cách làm này đã đem lại hiệu quả thiết thực, “đòn bẩy” giúp hộ nghèo miền núi vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Đã gần trưa, những bản làng ở xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương hay khu vực Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đón cái nóng oi ả. Thế nhưng, cung đường dọc đỉnh núi Phu Xai Lai Leng (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) – nơi có nhiều đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống vẫn mù mịt trong lớp sương mù dày đặc. Men theo bìa rừng, chúng tôi quốc bộ đến thăm gia đình bà Mùa Y May ở bản Phù Khả 1 xã Na Ngoi.
Là người dân tộc Mông, đói nghèo đã đeo bám gia đình bà biết bao thế hệ, tưởng như không dứt ra được. Thế mà, giờ đây trong khu vườn hàng nghìn mét vuông, chúng tôi chứng kiến hàng trăm gốc đào, mận xanh mơn mởn. Phía dưới là những đàn gà đang độ sinh sôi, nảy nở.
-Gà đây có mấy chuông thế này?.
-Khoảng 60-70 con to nhỏ. Các anh bộ đội cũng nói, bày cho bà cách chăm sóc, cho ăn, bà hay thả thế này khi có con nào yếu thì bà mua khám, thóc về trộn cho gà ăn.
Những mô hình kinh tế như của gia đình bà May và nhiều hộ dân khu vực biên giới là công sức, hỗ trợ, đóng góp từ lực lượng cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4-Quân khu 4. Để việc hỗ trợ đạt hiểu quả, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 đã ban hành nghị quyết, giao nhiệm vụ đến từng chi bộ, cụ thể hóa Nghị quyết bằng việc phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đại úy Nguyễn Thế Tuấn, Đội trưởng đội xe, phụ trách bản Phù Khả 1 chia sẻ: "Chúng tôi chọn những hộ khó khăn để vực dậy kinh tế. Chúng tôi gắn trách nhiệm đảng viên cùng gia đình phát triển kinh tế hộ gia đình, dần dần thay đổi tập quán phát triển sản xuất, chuyển sang sản xuất hàng hóa vì đường giao thông đi lại thuận lợi, thay đổi họ sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa chứ không tự cung tự cấp nữa"
Với cách làm “Mỗi Chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo”, đến nay đã có 170 hộ nghèo trên địa bàn được cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ và trực tiếp hướng dẫn phát triển kinh tế; 35 hộ gia đình được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thiếu tá Chu Văn Hoàng, cùng cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 3 đã trực tiếp theo dõi, giúp đỡ các gia đình ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn. Từ 1 cặp trâu được Đội sản xuất 3 hỗ trợ, đến nay đàn trâu đã phát triển lên đến hơn 30 con…
"Bộ đội hướng dẫn bà con cách chăn nuôi trồng trọt để thay đổi, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 cũng quan tâm nên bà con thay đổi nhiều. Tương lai thay đổi dần, chủ trương của Đảng, Nhà nước ít dần thì bà con cũng áp dụng được cách làm của Đoàn bộ đội và nhà nước thì có chương trình hỗ trợ càng tốt, không thì bà con cũng tự vươn lên được", ông Lầu Bá Chá – Bí thư Chi bộ bản Liên Sơn cho biết.
Không giống những mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế khác, cách làm của Đoàn KTQP4 là cầm tay chỉ việc, sát sao theo dõi, hướng dẫn, 4 cùng với nhân dân trong thực hiện. Đại tá Chu Huy Lương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP4 khẳng định: Chủ trương “Mỗi chi bộ giúp đỡ 1 đến 2 hộ nghèo, mỗi đảng viên gắn với một hộ nghèo” để chung sức xóa nghèo là cách làm mới, mang lại hiệu quả cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
"Khi thực hiện Nghị quyết này thì hiệu quả là vì anh em ở sát với dân, đặc biệt hiểu được khả năng của từng gia đình có khả năng phát triển được gì, và đưa ra quyết định phương thức đầu tư dân thế nào. Hỗ trợ cây hoặc con giống, và hướng dẫn kỹ thuật cùng với bà con phát triển sản xuất. Mô hình này thì không dùng ngân sách trên cấp mà dùng chính từ nguồn tăng gia sản xuất của các đơn vị làm ra để giúp nhân dân thì nó bền. Gắn chặt tình cảm của cán bộ, chiến sĩ với người dân nơi đây", Đại tá Chu Huy Lương nói.
Ngày 26/4/2023 Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4- Quân khu 4 tròn 50 năm hình thành và phát triển. Thực tiễn đã chứng minh về vai trò của lực lượng “sao đỏ” với nhân dân, đất nước, trên đỉnh Phu Xai Lai Leng. Ông Nguyễn Văn Hải-Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, với tinh thần tiên phong, sáng tạo, lực lượng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 xứng đáng là chỗ dựa để bà con dân bản phát triển kinh tế, bám biên cương.
Xác định kinh tế phát triển, đời sống người dân biên giới được nâng lên, việc xây dựng củng cố hệ thống chính trị địa phương, tuyên truyền đường lối, quan điểm của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thuận lợi…Quan trọng hơn là cách làm của Đoàn KTQP4 đã làm thay đổi trong tư duy, nhận thức của người dân, là đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỉ lại Nhà nước, gắn trách nhiệm, khơi dậy tinh thần vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng phên giậu tổ quốc./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sao-do-tren-day-phu-xai-lai-leng-post1016175.vov