Sao Hàn tự tử hàng loạt làm lộ mặt tối của nạn công kích trên mạng
Những vụ sao Hàn Quốc tự tử gần đây: Chỉ trong vòng 1 tháng đã có 2 nghệ sĩ K-pop tự kết liễu đời mình dấy lên sự quan tâm của công chúng về những vụ công kích nhắm vào cá nhân và nạn bắt nạt trên mạng, theo Reuters.
Chúng cho thấy mặt trái của vấn nạn này khi những người đưa ra các bình luận ác ý đứng sau những cú click chuột thường không bị trừng phạt.
Sau những cái chết, cảnh sát Hàn Quốc đang bắt đầu cân nhắc việc xếp bạo lực trên mạng vào loại tội phạm hình sự nghiêm trọng và sẽ khởi động chương trình nhằm giáo dục công chúng làm sao cho không biến mình trở thành “con mồi” bị bắt nạt hay trở thành hung thủ công kích người khác.
Theo thống kê, các vụ bắt nạt trên mạng tăng dần lên mức 150.000 vụ/năm vào năm ngoái. Nhưng đây chỉ mới là “phần nổi” của tảng băng chìm khi nhiều nạn nhân không tìm được công lý hay truy được đến cùng những kẻ bắt nạt mình ở một nơi được xếp hạng là một trong những đất nước kết nối Internet nhiều nhất trên thế giới.
Reuters dẫn lời Jeon Min-su, một nhà điều tra tội phạm mạng của Sở cảnh sát Seoul nhận định: “Sẽ đơn giản hơn với loại bạo hành về thể chất khi nạn nhân có thể đến bác sĩ nhưng với hành vi bạo lực trên mạng, hiện không có cách chữa trị”.
Chủ nhật tuần trước (1-12), thi thể của ca sĩ K-pop- Koo Hara được tìm thấy tử vong ở nhà riêng. Cảnh sát sau đó phát hiện thư tuyệt mệnh thể hiện sự tuyệt vọng trong cuộc sống của cô. Truyền thông cho biết cô đã phải chịu những cuộc công kích cá nhân tàn độc trên mạng và bị bạo hành bởi người yêu cũ.
Bạo hành tinh thần gây trầm cảm
Koo đã nhiều lần lên tiếng chống lại nạn bắt nạt trên mạng. Trước đó cô từng được phát hiện bất tỉnh tại nhà vào tháng 5 và phải nhập viện. Một tháng sau vụ việc, cô tiết lộ mình đang bị trầm cảm và thề sẽ chiến đấu chống lại các bình luận ác ý trên mạng.
Koo là bạn của ngôi sao K-pop Sulli, người được tìm thấy tử vong vì tự tử vào tháng 10. Sulli cũng là người nhiều lần phát biểu chống lại bắt nạt trên mạng.
K-pop là nền công nghiệp giải trí có độ phủ rộng khắp Châu Á nhưng kèm theo đó là những mặt trái khắc nghiệt của nó. Hồi đầu năm nay, một số sao nam K-Pop đã bị cảnh sát thẩm vấn vì tình nghi liên quan đến hành động đánh bạc và mua dâm phi pháp.
Kwon Young-chan, một diễn viên hài nói với Reuters rằng mình từng là nạn nhân của nạn bắt nạt trực tuyến. Kwon nhận định rằng các ngôi sao có rất ít suy nghĩ khi họ bị tấn công và gần như không thể tránh được tin đồn và các cuộc tấn công cá nhân trên mạng.
Khi các thủ phạm viết những bình luận ác ý, trước tiên họ bắt đầu với quy mô nhỏ sau đó mở rộng ra thành một cuộc “tổng tấn công” toàn diện. Những tin đồn và các cuộc tấn công cá nhân trực tuyến xâm nhập vào cuộc sống của các ngôi sao, Kwon nói.
Cả Sulli và Koo đều xuất thân từ các nhóm nhạc nữ sau đó tách ra hát solo, điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn (là trong một tập thể). “Sau khi các nghệ sĩ bắt đầu ra hát solo, họ phải tự mình đối phó với trầm cảm và chiến đấu chống lại tất cả các đòn bắt nạt” - Kwon nói.
Trong khi đó nghị sĩ Park Sun-sook, cựu phát ngôn viên của tổng thống, người lần đầu tiên đề cập đến vấn nạn tấn công trực tuyến vào năm 1998, muốn mọi người có thể yêu cầu các trang web gỡ bỏ những bình luận ác ý. “Các ngôi sao trẻ bị tấn công không có được sự bảo vệ trước nạn bắt nạt trên mạng. Đó là lúc pháp luật và xã hội cần chung tay bảo vệ họ” - bà nói với Reuters.