Sao lại so sánh học trực tuyến phòng dịch với học trực tiếp trên lớp?
Học trực tiếp trên lớp các con có sự tương tác với thầy cô và các bạn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay mọi người đều phải khắc phục.
“Quan điểm của cá nhân tôi thì hiệu quả của việc dạy trực tuyến nếu so với dạy trực tiếp ở trên lớp thì không thể bằng được, nhưng chúng ta cũng không nên so sánh như vậy.
Khi học trực tiếp trên lớp thì các con có sự tương tác với thầy cô và các bạn thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên trong điều kiện hiện tại phải dạy và học trực tuyến thì mọi người đều phải khắc phục về kiến thức của môn học, kỹ năng cần đạt được đều đảm bảo.
Ngoài ra điều kiện dạy trực tuyến theo tôi cũng là cơ hội để hình thành năng lực tự học rất tốt cho học sinh. Ngay trong chính giai đoạn tự học này bản thân tôi cũng nhận diện được những học sinh của mình nhiều em có sự bứt lên về năng lực tự học.
Việc học trực tuyến tuy không hiệu quả so với học tại trường nhưng theo tôi thấy rất cần thiết, nó tạo cho học sinh duy trì môi trường giao tiếp của lớp học, các con cũng có cơ hội chia sẻ với nhau về những trải nghiệm ngay trong giai đoạn học trực tuyến này”, cô Đặng Hải Yến - Tổ trưởng tổ 1, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã chia sẻ.
Theo cô Yến: “Bản thân mỗi học sinh cần được hình thành năng lực giao tiếp nhất là học sinh lớp 1. Năng lực này được tạo ra từ không gian của lớp học và là điều kiện để học sinh bộc lộ năng lực, nhưng mặt khác về kiến thức và kỹ năng của môn học thì hoàn toàn đảm bảo được.
Thời điểm năm nay chúng tôi có thuận lợi hơn năm trước vì việc đọc và viết học sinh đã có phần tốt hơn nên học trực tuyến rất thuận lợi. Vào thời điểm của năm nay phần học vần của học sinh chỉ bị học trực tuyến có một tuần, tức là đã kết thúc 21 tuần trước đó của phần vần cho nên hầu hết việc đọc văn bản của các con không gặp khó khăn gì.
Hơn nữa việc sĩ số của lớp như chúng tôi là 30 học sinh nên cũng khá thuận lợi cho việc giáo viên nắm được tiến độ tiếp thu của từng em, còn đối với những lớp có trên 50 cháu thì việc dạy trực tuyến sẽ rất khó khăn, không thể đạt hiệu quả được.
Nhớ lại năm trước khi dịch ập đến rất bất ngờ thì bản thân nhà trường và phụ huynh, học sinh đều chưa có sự chuẩn bị cho việc học trực tuyến kéo dài, vậy nên thời gian đầu nhà trường cũng sắp xếp cho học sinh được học trực tuyến vào buổi tối.
Mục đích học buổi tối để các con có được sự hỗ trợ từ phụ huynh, nhưng ngay sau một thời gian rất ngắn thì chính những phản hồi của phụ huynh cùng với thực tế là các con đã có thể tự đăng nhập vào lớp học trực tuyến.
Nếu như dồn toàn bộ việc học trực tuyến vào buổi tối cũng không thuận lợi, lý do bố mẹ đi làm cả ngày khá vất vả, bản thân các con vào thời gian ban ngày khá khỏe khoắn, minh mẫn nhất thì lại không được tham gia hoạt động học tập, mà lại tham gia vào các hoạt động không được bổ ích cho lắm thì đó là bất cập.
Từ những thực tế đó chúng tôi đã chuyển dần cho các con học trực tuyến trong giờ hành chính, cái sự chuyển đó cũng là chuyển dần vì trước đó chúng tôi đã chuẩn bị cho học sinh nền tảng thao tác để tự đăng nhập được vào lớp cũng như tự trao đổi với giáo viên khi các con gặp khó khăn. Hơn nữa chúng tôi luôn giữ kết nối chặt chẽ với phụ huynh nên việc chuyển các con sang học trực tuyến ban ngày cho thấy tính hiệu quả cao hơn.
Thứ nhất các con được học ngay trong lịch sinh hoạt bình thường, kể cả các hoạt động thể chất, văn hóa văn nghệ… Các con hoàn thành bài tập trong qua trình học trực tuyến với giáo viên, tối về bố mẹ chỉ việc rà soát lại theo hướng dẫn tự học là đã biết con hoàn thành đến đâu, phần nào còn thiếu rồi gửi lại cho giáo viên để phản hồi”.
Cô Yến cho biết: “Việc dạy học trực tuyến sẽ đảm bảo được về mặt kiến thức, đảm bảo kỹ năng một số môn học, còn việc hình thành một số năng lực học tập khác sẽ có hạn chế hơn với học trực tiếp trên lớp.
Nhược điểm là thời gian học không thể bằng và thiếu đi sự tương tác trực tiếp, một điều nữa là yếu tố công nghệ đối với học sinh lớp 1 chỉ đủ đảm bảo học với giáo viên trong phương diện đảm bảo kiến thức chứ chưa thể chuyên sâu về khả năng tin học.
Để học trực tuyến hiệu quả thì chúng tôi luôn có quan điểm: Việc gì khó thì để cô lo, còn tất cả những gì thuận lợi nhất đều dành cho học sinh. Dựa trên thực tế các con gặp khó khăn ở đâu thì chúng tôi tìm phương án tháo gỡ.
Vì là học trực tuyến nên nhà trường cũng phải tinh giảm lượng kiến thức theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những gì thuận lợi trong quá trình dạy học trực tuyến sẽ đưa vào.
Giáo viên cần xây dựng hướng dẫn tự học thật dễ hiểu đối với học sinh, dễ thực hiện trong việc hỗ trợ đối với cha mẹ các em. Những hướng dẫn tự học đó cần được gửi cho phụ huynh từ cuối tuần học trước để cha mẹ và các con có thời gian sắp xếp tạo thành kho tư liệu của tuần đó.
Về phía học sinh cần phải nhớ được giờ học của mình để đăng nhập và tham gia lớp học, khi gặp khó ở đâu thì cần phải chủ động trao đổi với giáo viên để nhận được sự giúp đỡ. Phụ huynh cần tạo điều kiện để các con có đủ thiết bị học tập cũng như hỗ trợ con trong phần gửi lại bài cho giáo viên. Có đồng bộ được như vậy thì việc học Online mới có hiệu quả”.
Dạy trực tuyển phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng đã chia sẻ quan điểm: “Chủ trương dạy học trực tuyến trong điều kiện học sinh phải ngừng đến trường do dịch bệnh là đúng.
Tuy nhiên, việc dạy trực tuyến phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh. Với những đối tượng mà yếu tố tâm, sinh lý không đáp ứng được, việc tổ chức dạy học trực tuyến có thể là "lợi bất cập hại".
Học trực tuyến đòi hỏi xử lý thông tin liên tục, đòi hỏi các em khả năng tập trung cao độ, vừa lắng nghe giáo viên giảng bài vừa thao tác trên thiết bị. Do đó, chỉ một số học sinh có nề nếp học tập tốt mới theo được, còn lại đa số khó đáp ứng, dẫn đến nhiều em không theo kịp.
Trong trường hợp học sinh chỉ cần bị xao nhãng không xử lý được thông tin là đã bỏ lỡ cả bài học, trong khi đó, giáo viên không thể bao quát được cả lớp trên môi trường trực tuyến. Cha mẹ dù có ngồi bên cạnh, đôi lúc cũng không thể dạy con học. Thậm chí, việc bố mẹ hướng dẫn thêm khiến trẻ trở nên căng thẳng, rối hơn.
Về mặt thời gian, chúng ta có một năm chuẩn bị, làm quen với dạy trực tuyển nhưng thực tế có rất nhiều thầy cô chỉ dừng lại ở việc chuyển bài dạy trực tiếp lên mạng, chứ chưa có nhiều trò chơi, hoạt động tương tác để học sinh vui vẻ, hứng thú với bài học. Với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ tiểu học, nếu không thấy vui, không hứng thú, các em không thể theo được bài học”.
Theo thầy Nam: “Một số trường ở Hà Nội chuyển lớp học trực tuyến vào buổi tối lúc 18h30 vì nghĩ rằng bố mẹ đi làm về có thể hỗ trợ con. Nhưng thực tế, thời điểm đó, bố mẹ vừa đi làm về đến nhà, con cái chưa được ăn uống, tắm rửa, cha mẹ cũng cạn kiệt năng lượng sau một ngày làm việc, thì chuyện kiên nhẫn ngồi học cùng con rất khó.
Chưa kể với những học sinh lớp 1, 2 mà đang gặp khó khăn về đọc, viết, giờ học trực tuyến càng không hiệu quả, khoảng cách giữa các bạn trong lớp ngày càng cách xa. Những trẻ chậm hơn ở một số kỹ năng cũng có khoảng cách với những bạn khác.
Nếu học sinh phải nghỉ dài ngày do dịch, chúng ta cũng không thể để các em nghỉ học mãi. Hơn nữa, trong tương lai, việc học online sẽ trở thành xu hướng khi xã hội tiến tới học tập suốt đời, các khóa học trực tuyến sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Vậy nên, đối với học sinh tiểu học, việc chuẩn bị những gì cho trẻ khi học trực tuyến mới là quan trọng.
Trẻ nghỉ học để phòng dịch, gia đình phải làm sao để con không quậy?
Tôi nghĩ ở cấp học này, việc truyền cảm hứng học tập cho con mới quan trọng. Nhiều khi chúng ta không cần quá chú tâm vào nội dung bài giảng, dài bao nhiêu phút, có dạy xong hay không. Thay vào đó, giáo viên tạo ra những trò chơi, video với nội dung sáng tạo, thú vị.
Thay vì các con ở nhà xem phim thì xem những nội dung học tập như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên, với điều kiện chúng ta có nguồn học liệu số, kho bài giảng video chia sẻ cho tất cả giáo viên, học sinh trên cả nước.
Khi có nguồn học liệu số mở, những bạn nhỏ không thiết bị học tập như máy tính, điện thoại thông minh, kết nối mạng Internet có thể được bố mẹ cho xem video vào thời điểm thích hợp.
Khi dạy trực tuyến với lớp nhỏ, giáo viên càng phải chú ý yếu tố tâm lý để các bạn không bị căng thẳng. Phụ huynh cũng nên chú ý đến việc học của con như cho con ăn nhẹ, tập một vài động tác thể dục trước khi vào học, cho con ngồi học ở bàn, điều chỉnh tư thế ngồi đúng, giảm ánh sáng xanh của màn hình để con không bị đau mắt, mỏi mắt.
Sau khi học xong, phụ huynh không cho con xem các thiết bị điện tử nữa. Đây cũng là những yếu tố để đảm bảo sức khỏe tinh thần của trẻ khi học trực tuyến”.