Sao Mai phát triển vùng liên kết nguyên liệu theo hướng bền vững

ĐTO - Tập đoàn Sao Mai vừa tổ chức tổng kết công tác phát triển vùng nguyên liệu nông - thủy sản niên vụ 2019. Lãnh đạo Hiệp Hội cá tra Việt Nam, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gần 200 nông dân là hộ nuôi cá tra và hộ trồng khoai mì trong mô hình liên kết ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang tham dự, tiếp tục khẳng định mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và hộ nuôi trồng.

Ông Lê Thanh Thuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Ông Lê Thanh Thuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Trong năm qua, bất chấp giá cá tra sụt giảm mạnh so với năm 2018, sản lượng của vùng nuôi cá tra liên kết khoảng 350ha vẫn đạt hơn 10.000 tấn cá/tháng, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho 3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty IDI (thành viên Sao Mai Group) hoạt động ổn định. 12 năm duy trì và ngày càng khẳng định hướng đi phù hợp, mô hình liên kết với nông dân đã giúp công ty hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu để linh hoạt thực hiện chiến lược mở rộng thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cá da trơn thế giới. Nhiều năm liên tục, IDI giữ vững vị trí TOP đầu trong các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, đóng góp tích cực vào ngành hàng cá tra của đất nước.

Khác hẳn với năm 2018, giá cá tra thương phẩm hiện đang dao động từ 17.000 -18.000 đồng/kg khiến cho hàng loạt hộ nuôi lo lắng, tìm doanh nghiệp tiêu thụ. Riêng các thành viên liên kết với Sao Mai vẫn “sống khỏe” khi được Tập đoàn này mua vào theo hợp đồng với giá 25.000 đồng/kg. Lãnh đạo Sao Mai Group chia sẻ: “Tập đoàn đã chi 600 - 700 tỷ đồng để bù lỗ vào sự chênh lệch khi giá cá đang rơi tự do như hiện nay. Sao Mai chấp nhận chịu thiệt để giữ chữ tín trong kinh doanh một khi cam kết bao tiêu cá thương phẩm cho hộ nuôi”. Việc làm thiết thực ấy đã góp phần ổn định nghề nuôi cá tra ở khu vực, đồng thời minh chứng cho câu nói “Ai nuôi cá cho IDI mà lỗ thì chính tôi lấy tiền túi ra bù” của người đứng đầu Sao Mai.

Năm 2018, Sao Mai cũng đã chi hơn nửa tỷ đồng để tài trợ vốn, giống, chuyển giao phương thức canh tác cho 17 hộ dân người Khmer tham gia mô hình trồng mì (KM140) khảo nghiệm ở Tịnh Biên - An Giang. Vụ đầu tiên, cây khoai mì đã cho mùa bội thu với năng suất bình quân 35 tấn/ha và Tập đoàn Sao Mai thực hiện bao tiêu. Kết quả thành công bước đầu là nền tảng quan trọng để niên vụ KM140 - 2019 nhanh chóng nhân rộng lên 100ha của hơn 80 hộ. Đầu tháng 2 năm nay, nông dân sẽ bước vào thu hoạch đại trà và dự báo năng suất sẽ đạt từ 40 tấn/ha trở lên. Sao Mai tiếp tục bao tiêu cao hơn giá thị trường.

Theo kế hoạch, diện tích KM140 sẽ được Tập đoàn phát triển mạnh khoảng 5.000ha trải dài qua 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của vùng Bảy Núi. Khi ấy, sản lượng khoai mì sẽ đảm bảo cung cấp 100% nguồn nguyên liệu cho Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (Sao Mai Super Feed) đang được nâng công suất từ 375.000 tấn/năm (hiện nay) lên 500.000 tấn/năm (2020 - 2022).

Tại hội nghị, ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam đánh giá cao sự liên kết có trách nhiệm của Tập đoàn Sao Mai với các hộ nuôi, trồng. Đặc biệt, sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra trong suốt thời gian qua, nhất là trong tình hình giá cá tra sụt giảm trong năm 2019 và hiện nay, Tập đoàn vẫn có chính sách bù lỗ cho hộ nuôi, đảm bảo cho hộ nuôi có lời, đã minh chứng cho sự liên kết bền vững, tôn trọng chữ “tín” của hai bên. Trong năm 2020, dự báo tình hình tiêu thụ cá tra còn gặp nhiều khó khăn, việc phát huy tính liên kết của mô hình Sao Mai là rất cần thiết, để vượt qua khủng hoảng nếu có.

Thành Nam

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/sao-mai-phat-trien-vung-lien-ket-nguyen-lieu-theo-huong-ben-vung-88768.aspx