'Sao mai' xứ Nghệ

Nói đến bóng đá trẻ Việt Nam, không thể không nhắc đến Sông Lam Nghệ An (SLNA). Hiếm địa phương nào trên cả nước có hệ thống với 25 lớp đào tạo bóng đá tại các huyện như Nghệ An. Gần như mỗi xóm làng đều có ít nhất một sân bóng đá. Với xứ Nghệ, bóng đá không đơn thuần là giải trí, rèn luyện sức khỏe, 'cần câu cơm'... mà còn là niềm tự hào mang bản sắc riêng.

Có một thời, U.17 SLNA không có đối thủ ở VCK Quốc gia. Hơn 10 năm trước, hễ xem cầu thủ U.17 xứ Nghệ tranh tài ở VCK U.17 Quốc gia, cảm giác được chứng kiến một bày ngựa chiến xung trận. Những đường lên biên, những cú đánh vỗ mặt của cầu thủ trẻ xứ Nghệ có uy lực hơn hẳn nhiều đội bóng. Họ không chỉ khỏe mà còn “khôn” bóng và có độ quái hơn hẳn đối thủ cùng trang lứa.

VCK U.17 Quốc gia từ năm 2004 đến 2009, chức vô địch đều thuộc về U.17 Sông Lam Nghệ An. Sau danh hiệu đoạt được tại VCK tổ chức trên sân Thiên Trường (Nam Định) năm 2009, U.17 SLNA phải chịu cảnh trắng tay ở hai VCK kế tiếp. Nhưng người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ cũng không phải chờ đợi lâu để được ăn mừng danh hiệu thứ 7 của đội nhà ở sân chơi dành cho lứa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Tại VCK U.17 Quốc gia 2012, thầy trò HLV Ngô Quang Trường đã xuất sắc giành chức vô địch. Đây là giải đấu trình làng của những Hoàng Văn Khánh, Hồ Tuấn Tài, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, Bùi Đình Châu, Nguyễn Phú Nguyên...

 Lứa cầu thủ U.17 Sông Lam Nghệ An vô địch Vòng chung kết U.17 Quốc gia năm nay với nhiều gương mặt sáng giá.

Lứa cầu thủ U.17 Sông Lam Nghệ An vô địch Vòng chung kết U.17 Quốc gia năm nay với nhiều gương mặt sáng giá.

Thời đó, các trung tâm bóng đá, lãnh đạo các sở, ngành thể thao trong cả nước ùn ùn đổ về xứ Nghệ để học tập, tham khảo mô hình làm bóng đá trẻ. Các trung tâm thể thao lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa... với sự "chống lưng" của các nhà tài trợ đã đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ, để rồi đăng quang ở VCK U.17 Quốc gia. Cũng phải nhắc tới Viettel với chiến tích vô địch VCK U.17 Quốc gia năm 2018 trước chính đối thủ SLNA.

Những năm qua, khó khăn về tài chính đã buộc những người làm bóng đá xứ Nghệ phải tính toán căn cơ theo kiểu “khéo co thì ấm”. Từ năm 2013 đến 2019, U.17 SLNA trắng tay ở VCK U.17 Quốc gia là điều khiến lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đá SLNA phải trăn trở. Tìm nhà tài trợ cho thể thao đã khó, tìm nhà tài trợ cho bóng đá còn khó hơn. Nhưng dù khó khăn, người Nghệ An vẫn dành tình cảm đặc biệt cho bóng đá. Nghèo, khó, khổ, cực, cầu thủ trẻ tìm đến bóng đá như là một cách để mưu sinh, để rèn luyện sức khỏe, tránh xa các cám dỗ bên ngoài xã hội. Bóng đá Nghệ An có không ít cầu thủ hào hoa, tài năng từng dính vào tệ nạn xã hội, khiến người phải dạt xứ, người đi biền biệt mắt tăm. Bài học xót xa của các anh lớn, các thầy được chính HLV trưởng U.17 SLNA Lê Kỳ Phương mang ra nhắc nhở học trò. Chính trợ lý HLV của đội Phạm Văn Quyến cũng lấy bài học của mình ngày trước ra để răn VĐV đội nhà.

Trồng cây đến ngày hái quả. Quả ngọt ở sân chơi VCK U.17 Quốc gia sau 8 năm ròng rã kiên tâm đầu tư, đến giờ xứ Nghệ đã được tận hưởng niềm vui khi đội bóng quê nhà vừa lên ngôi vô địch. Thầy trò HLV Lê Kỳ Phương giành hầu hết các danh hiệu cá nhân (trừ giải thưởng “Vua phá lưới”), khiến cho chiến tích của U.17 SLNA tại VCK U.17 Quốc gia 2020 thêm phần giá trị. Rồi đây, những tài năng trẻ như Nguyễn Cảnh Tiệp, Đinh Xuân Tiến, Nguyễn Văn Bách, Hồ Văn Cường, Nguyễn Công... sẽ có cơ hội được thi đấu ở giải hạng Nhất, ở V-League. Tất nhiên, trước mắt các em còn nhiều năm nữa để phấn đấu, trưởng thành, nhưng nếu nhìn vào các danh thủ xứ Nghệ từng đi lên từ VCK U.17 Quốc gia, có thể tin rằng U.17 SLNA của mùa giải 2020 chính là những “sao mai” đầy tiềm năng, hứa hẹn tỏa sáng hơn nữa trong tương lai.

Bài và ảnh: MINH NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/sao-mai-xu-nghe-639706